Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vụ án “Bà Ba Sương” ở Nông trường Sông Hậu: Thấy gì qua hai năm tố tụng?

Sau gần năm tháng kể từ khi phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép ở nông trường Sông Hậu vào ngày 19.11.2009, mới đây ngày 6.4.2010, viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định số 09, kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm số 137/2009 của toà án nhân dân thành phố Cần Thơ và bản án hình sự sơ thẩm số 25/2009 của toà án nhân dân huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ; đồng thời đề nghị toà hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ các bản án hình sự nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung.

Đây là một vụ án tốn khá nhiều giấy mực và khiến dư luận chú ý, tính đến nay là đúng hai năm kể từ ngày cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Bởi vì, vụ án ở một nông trường quốc doanh nổi tiếng từng làm ăn giỏi một thời. Trong đó có cả hai cha con đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Người cha là Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) nay đã quá cố, còn người con gái kế nhiệm là bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) nguyên là giám đốc nông trường Sông Hậu. Trong đó, bà Ba Sương bị cáo buộc đóng vai trò “chủ mưu” cùng với bốn bị cáo khác can tội “lập quỹ trái phép”.

Bản án hình sự sơ thẩm số 25 xét xử từ ngày 11 đến 15.8.2009, toà án huyện Cờ Đỏ đã kết tội bị cáo Trần Ngọc Sương chủ mưu lập quỹ trái phép và tuyên phạt tám năm tù giam và phải bồi thường hơn 4,3 tỉ đồng. Bốn bị cáo còn lại trong vụ án bị phạt từ 18 tháng tù treo đến sáu năm tù giam.

Sau phiên toà sơ thẩm, bà Trần Ngọc Sương và ba trong số bốn bị cáo trong vụ án đơn kháng cáo. Bà Ba Sương vì sức khoẻ suy sụp phải nhập viện cấp cứu tại TP.HCM. Sau hai lần phải hoãn phiên toà xét xử phúc thẩm vào ngày 28.10 và 12.11 vì sức khoẻ bà Trần Ngọc Sương không đảm bảo, ngày 19.11.2009 toà án nhân dân thành phố Cần Thơ đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Và sau đó không lâu bà Ba Sương bị viện Kiểm sát huyện Cờ Đỏ khởi tố thêm tội tham ô. Sau cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, bà Trần Ngọc Sương đều kháng cáo kêu oan.

Trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phân tích làm rõ các sai lầm và thiếu sót của toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm của thành phố Cần Thơ khi xét xử vụ án, như: đưa một số khoản thu vào quỹ trái phép chưa đủ cơ sở để xác định là trái phép như khoản tiền hơn 2,6 tỉ đồng bán bốn lô đất. Một số khoản chi chưa đủ cơ sở để xác định là thiệt hại và buộc bồi thường… Đối với khoản tiền mua quà và chi lương kiêm nhiệm hơn 129 triệu đồng, viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định việc chi này là không đúng quy định nhưng nếu phải chi để hỗ trợ khó khăn thì cần xem xét lại để quyết định xử lý cho phù hợp. Đối với khoản tiền chi biếu tặng cho cá nhân, ban ngành địa phương và trung ương hơn 678 triệu đồng, quá trình điều tra chưa xác minh cụ thể nên việc quy kết buộc bà Ba Sương gây thiệt hại là chưa có cơ sở.

Ngoài ra, việc kiểm sát viên viện Kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ đề nghị tách khoản tiền hơn 300 triệu đồng và 850 triệu đồng mà cáo trạng đã truy tố về tội “lập quỹ trái phép” để điều tra, xử lý về tội “tham ô tài sản” là không đúng quy định của điều 117 bộ luật Hình sự. Trong khi đó, toà án cấp sơ thẩm lại chấp nhận, đồng thời yêu cầu khởi tố điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh này cũng là sai quy định. Việc toà án cấp sơ thẩm buộc một số đối tượng trả nợ cho nông trường Sông Hậu và nông trường phải trả nợ cho một số đối tượng là không đúng quy định vì đây là giao dịch dân sự, nếu có tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự… Chính vì vậy, viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị huỷ cả hai bản án hình sự nêu trên để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.

Như vậy, qua hai năm tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tại Cần Thơ, vụ án liên quan trực tiếp đến bà Trần Ngọc Sương nhiều khả năng phải trở lại từ đầu vì quá nhiều điều không hợp lý.

(Theo Đức Toàn // SGTT Online)

Biến nông trường Sông Hậu thành khu đô thị?

Đề cập tới việc dư luận cho rằng việc đưa vụ án xét xử vụ án nông trường Sông Hậu là một quá trình tiệm tiến để thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị mới 20.000ha trở thành trung tâm hành chính, công nghiệp, nông nghiệp… của Cần Thơ tương lai, trong đó có một phần đất của nông trường Sông Hậu, ông Phạm Thanh Vận, phó bí thư thường trực thành uỷ thành phố Cần Thơ nói: “Vấn đề đó hoàn toàn không có. Bởi vì quy hoạch Nhà nước có chấp thuận thì thành phố mới triển khai được. Quy hoạch là làm sao có tính khả thi và bảo đảm đáp ứng hướng phát triển của thành phố tương lai. Dư luận nói cho chị Ba Sương nghỉ là do đụng tới quy hoạch đất, trong đó có nông trường thì hoàn toàn không phải. Ở đây hai vấn đề khác nhau. Không có chuyện chị (Sương) đi khỏi nông trường thì mới thực hiện quy hoạch được. Nên hiểu rằng khi quy hoạch được Nhà nước phê duyệt thì các cán bộ, đảng viên đều phải chấp hành”.

  • Khởi tố vụ buôn lậu kim cương hơn 7,3 tỷ đồng
  • Mua xe ô tô bị lỗi: Bắt đền ai?
  • Những điều cần biết về chính sách bảo hiểm thất nghiệp
  • Từ 1/6/2010 thực hiện đăng ký thành lập DN qua mạng
  • Chưa trình Quốc hội Bộ luật Lao động sửa đổi trong năm nay
  • Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Trễ hẹn đến bao giờ?
  • Hai luật chưa thống nhất, lao động yếu thế
  • Sản xuất phân bón giả: Phạt 100 triệu đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%