Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hai luật chưa thống nhất, lao động yếu thế

Nhiều ý kiến gây tranh cãi xoay quanh việc quy định tổ chức đại diện người lao động và chủ sử dụng như thế nào trong hai dự thảo luật lao động và luật công đoàn, đã được đưa ra bàn thảo tại hội thảo quốc gia về tương lai quan hệ lao động trong hai dự thảo luật này, vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong khi rất nhiều ý kiến còn đang khác nhau giữa hai dự thảo bộ luật này thì thực tế quan hệ lao động đang có sự vận hành riêng không dễ thấy.

Hai chủ thể quan trọng nhất trong quan hệ lao động là đại diện của người lao động và chủ sử dụng lao động. Thực tế cho thấy để thị trường lao động được vận hành như đúng tên gọi của nó thì quan hệ lao động ở đó phải thực sự phát triển. Đó là sự mua – bán sức lao động theo đúng nghĩa, không ai bị ép, hai bên cùng thoải mái nhờ sự hỗ trợ của các quy định pháp luật và các thiết chế tạo cơ hội thương lượng, đàm phán giữa hai bên.

Tuy nhiên, tới thời điểm này cả hai dự thảo luật lao động và luật công đoàn vẫn đang loay hoay với cụm từ “tổ chức đại diện cho người lao động”. Dự thảo luật công đoàn thì muốn khẳng định công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động. Ở những doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở thì sẽ có công đoàn cấp trên đại diện cho quyền lợi người lao động. Còn dự thảo luật lao động thì lại muốn quy định, ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì người lao động có quyền cử đại diện của mình.

Mỗi quan điểm đều có lý của mình. Nhưng nhìn vào thực tế sẽ thấy với độ phủ của tổ chức công đoàn cơ sở và các hoạt động thực tế của những tổ chức này thì người lao động chưa thể kỳ vọng gì ở những người được gọi là đại diện cho mình. Ông Nguyễn Đức San, vụ trưởng vụ Pháp chế của bộ lao động – thương binh và xã hội thẳng thắn nhận định, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở. Riêng trong doanh nghiệp dân doanh thì có 80%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 60% đang “trắng” tổ chức công đoàn.

Muốn đàm phán thì phải có người đại diện. Nếu không có đại diện hoặc đại diện quyền lợi chỉ là lớp vỏ thì người lao động sẽ không thể đàm phán và sẽ buộc phải đình công trái luật.

Ông Nguyễn Duy Vy, phó ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn lao động) thừa nhận, thách thức lớn nhất hiện nay của công đoàn là phát triển công đoàn viên, đặc biệt là trong các doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đang phải thực hiện một cuộc chuyển đổi từ các hoạt động truyền thống vốn chỉ là sự phân vai trong các đơn vị nhà nước sang thực hiện chức năng đúng nghĩa của mình đó là đại diện cho người lao động.

Trong khi tổ chức công đoàn đang cố thu hút thật nhiều người tham gia thì những chủ sử dụng lao động cũng tìm cách ngồi lại với nhau để đưa ra các nguyên tắc của mình. Ông Phùng Quang Huy, trưởng văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo lắng về sự yếu thế của giới chủ trong hai dự thảo bộ luật này. Nhưng thực tế lại khác. Ở những nhóm doanh nghiệp có nhiều tranh chấp lao động, các chủ sử dụng đã cùng nhau xây dựng những nguyên tắc hoạt động chung. Những hiệp hội doanh nghiệp đầu tư của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… là các ví dụ cụ thể. Ở một số hiệp hội như vậy, thậm chí còn có những quy định về mặt bằng tiền lương chung mà các doanh nghiệp được khuyến cáo là không nên vượt qua. Đây như một cách giới chủ liên kết lại để “dìm” lương thị trường.

Đương nhiên tương lai của quan hệ lao động ở nước ta là điều dễ đoán định, mặc nhiên nó sẽ phải tốt lên, nhưng bao giờ, nhanh hay chậm... là những câu hỏi khó trả lời. Ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội nói rằng, Nhà nước chỉ có thể quy định những tiêu chuẩn lao động, có những tiêu chuẩn ở mức tối thiểu và tối đa. Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Dựa trên những tiêu chuẩn này mà chủ sử dụng lao động và người lao động phải thoả thuận với nhau.

Nhưng với sự loay hoay đang thể hiện rõ trong hai dự thảo luật này, rõ ràng người lao động đang ở một thế yếu hơn. Muốn đàm phán thì phải có người đại diện. Nếu không có đại diện hoặc đại diện quyền lợi chỉ là lớp vỏ thì người lao động sẽ không thể đàm phán và sẽ buộc phải đình công trái luật. Trong khi đó, chủ sử dụng đang tự liên kết lại với nhau, hoặc nếu không họ cũng đủ quyền để áp đặt, bởi họ đang là người cho người lao động những cơ hội việc làm.

(Theo Tây Giang // SGTT Online)

  • Sản xuất phân bón giả: Phạt 100 triệu đồng
  • Công khai kết quả xử lý văn bản trái pháp luật
  • Xử phạt 11 DN vi phạm về giá
  • Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp “tuýt còi” Bộ Xây dựng
  • Những chiêu bán thuốc hết hạn - Bài 1
  • 'Mực cao su' là mực được tẩy trắng bằng hoá chất
  • Những chiêu bán thuốc hết hạn - Bài 2
  • Gần 1.500 công nhân Công ty Rieker Việt Nam đình công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%