Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng không nội địa lo bị 'vạ' lây

Trước thông tin một kỹ sư tố Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) có vấn đề trong bảo dưỡng máy bay, kèm những hình ảnh khó tin về sự lấp liếm lỗi kỹ thuật; giới kinh doanh hàng không đang lo ngại ảnh hưởng tới uy tín chung...

Các hãng hàng không nội địa lo ngại trước thông tin chưa kiểm chứng.
Ảnh: Bảo Khánh

Hết sức lo ngại 

Sự lo lắng này hoàn toàn có cơ sở vì một khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về sự việc nhưng những hình ảnh đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người ta liên tưởng tới việc bảo dưỡng máy bay sơ sài quá thể.

Cục Phó Hàng không Việt Nam (HKVN) Lại Xuân Thanh cũng nói: “Rõ ràng những thông tin về an toàn mấy hôm nay gây bất lợi cho các hãng hàng không khác ở Việt Nam. Điều này là hết sức lo ngại. Vì những thông tin như trên sẽ khiến người ta nghĩ hệ thống đảm bảo an toàn bay của Việt Nam có vấn đề. Từ đó ảnh hưởng tới uy tín của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế”. Đấy là chưa kể tới sự hoang mang của người dân về an toàn trên mỗi chuyến bay.

Hàng không Việt Nam vừa chớm có nhiều dấu hiệu vui khi có thêm nhiều hãng hàng không tư nhân trong nước được cấp phép bay thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập tới.

Với quốc tế, thời điểm giá nhiên liệu cao chót vót, tại Mỹ, ít nhất đã có tới năm hãng (gồm hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống trên 60 năm kinh nghiệm) phá sản kể từ tháng 3/2008, như: Aloha Airlines, Champion Air, ATA Airlines, Skybus Airlines và EoS. Hãng hàng không Oasis từng được xem là mô hình giá rẻ kiểu mẫu thành công nhất châu Á cũng phá sản năm ngoái.

Ở Việt Nam, Hãng hàng không tư nhân được cấp phép đầu tiên là Vietjet Air sau nhiều lần hoãn và thay tổng giám đốc, đến nay vẫn chưa thể bay khai trương. Hãng hàng không của nhạc sỹ Hà Dũng mới bay chưa được bao lâu thì lần lượt từng máy bay ngừng hoạt động, cộng thêm công nợ ngày càng nhiều.

Hiện, Cục HKVN đang kiến nghị thu hồi quyền vận chuyển của hãng này. Một số hãng bay khác tuy được cấp phép nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi trên thị trường hàng không.

Còn sự cạnh tranh nữa không?

Nhiều người dân trông chờ vào sự cạnh tranh trong vận chuyển hàng không sẽ có lợi cho hành khách. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng vào một hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), một hãng cổ phần JP và ba hãng hàng không tư nhân, gồm: Indochina Airlines, Vietjet Air và Mekong Air (chưa kể một hãng hàng không tư nhân chuyên chở hàng hoá có tên Trai Thien Airlines mới được cấp phép gần đây và một hãng bay dạng taxi bay Vasco) sẽ tạo nên sự xôm tụ nhất định.

Thậm chí, Bộ GTVT và Tài chính còn ban hành cả thông tư bỏ giá trần trên đường bay có sự cạnh tranh (để thị trường điều tiết giá vé).

Tuy nhiên, đến nay, chính sách đã ban hành nhưng mãi vẫn chưa được áp dụng. Trong bối cảnh đó, hãng hàng không giá rẻ duy nhất JP vừa le lói có lãi trong tháng bảy vừa rồi và đặt mục tiêu tăng trưởng 30 phần trăm thì lại dính vào vụ thương hiệu, rồi thông tin cựu kỹ sư người Úc tố cáo về bảo hành máy bay có vấn đề.

Chưa hết, JP đang giải quyết vấn đề thì gặp khủng hoảng nhân sự lãnh đạo. Tổng Giám đốc JP Lương Hoài Nam quyết định nghỉ việc và một nữ Phó Tổng giám đốc người Việt khác của hãng cũng đã thôi không giữ vị trí. Nhiều chuyên gia ngành hàng không nhận định, giai đoạn hiện nay, những khó khăn đang là một thách thức với JP (năm 2002, lúc đó hãng có tên là Pacific Airlines còn có nguy cơ phá sản).

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) tuy chín tháng đầu năm đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 65,4 tỷ đồng nhưng khó khăn gặp phải cũng không ít. Hãng này, ngoài nhiệm vụ kinh doanh đảm bảo có lãi, còn phải đảm đương nhiệm vụ chính trị là mở các đường bay nhánh trong nước nối các đầu mối kinh tế, văn hoá và chính trị.

Ngoài ra, VNA còn duy trì và phát triển 48 đường bay quốc tế tới 28 thành phố trên thế giới. Đương nhiên, một khi thông tin về an toàn bay của một hãng khác trong nước chưa được kiểm chứng, sự ảnh hưởng tiêu cực của thông tin tác động tới VNA cũng không nhỏ. Chưa ai có thể biết được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế sẽ nhìn nhận về hàng không Việt Nam những ngày tới đây thế nào?

Cục Phó HKVN Lại Xuân Thanh cho biết, Cục vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép thông báo thu hồi quyền vận chuyển hàng không đã cấp cho hãng hàng không Indochina Airlines (ICA) từ 1/1/2010. Việc cấp lại chỉ được thực hiện sau khi hãng này chứng minh đầy đủ khả năng đảm bảo khai thác. Cục HKVN nhận định, tình hình tài chính của ICA gặp vấn đề như thiếu vốn pháp định, không có báo cáo về khả năng đảm bảo khai thác cho năm 2010.

(Theo Đình Thắng // Tienphong Online)

  • Lĩnh án tù vì sản xuất rượu giả
  • Làm gì để giảm oan sai cho người dân?
  • Làm gì để giảm oan sai cho người dân?(tiếp theo)
  • Đề nghị thay đổi hình thức thi hành án tử hình
  • Chuyện dài về thuế bất động sản
  • Trọng tài sẽ giảm tải về giải quyết tranh chấp thương mại
  • Biểu phí trước bạ mới có gì mới?
  • Xây nhà khỏi xin giấy phép
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%