Sau khi báo DĐDN đưa tin về thực trạng hơn 168 tỷ đồng ngân sách của tỉnh Cần Thơ trong 6 năm chưa thể quyết toán, Chủ tịch thành phố Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cũng đã thừa nhận thực trạng trên khi trao đổi thông tin với phóng viên báo. Tuy nhiên giải quyết tồn tại đó như thế nào vẫn đang là một bài toán hóc búa đối với lãnh đạo tỉnh.
Chúng tôi đã đến gặp Phó Giám đốc Sở Tài chính Cần Thơ Vũ Thị Cánh để tìm lời giải. Tuy nhiên, ngoài việc xác nhận cụ thể thêm thực trạng “tiến thoái lưỡng nan” của cơ quan “gác cửa” ngân sách, bà Cánh còn cho biết: Sở Tài chính có nhiệm vụ ở giai đoạn cuối quá trình thực hiện dự án với việc thẩm định báo cáo quyết toán và trình UBND phê duyệt sau cùng. Còn trước đó, các dự án, công trình được UBND thành phố phê duyệt; Sở KH-ĐT ghi vốn theo năm tài chính dự án; khi có khối lượng cụ thể thì Kho Bạc nhà nước sẽ giải ngân; đến khi dự án hoàn thành, việc nghiệm thu lại do Sở Xây dựng, hoặc Hội đồng liên ngành đảm nhiệm. Với cơ chế quản lý đó, Sở Tài chính cũng khó “quản” nổi tình hình quyết toán. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư “phớt lờ” công văn nhắc nhở quyết toán của Sở Tài chính...
Qua tìm hiểu một số dự án “ngâm” quyết toán quá lâu, chúng tôi “chia sẻ” các lý do khách quan nhưng thấy “khó hiểu” trước các “lỗi” về cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng chuyên ngành (Tài chính, Kho Bạc, KH-ĐT): chủ đầu tư ít quan tâm công tác quyết toán do vướng nhiều về thủ tục nhưng Sở Tài chính cũng chưa có biện pháp hiệu quả để thúc đẩy quyết toán các dự án tồn đọng...
Cầu Quang Trung - “đạt kỷ lục” khởi công trước, khánh thành sau cầu Mỹ Thuận - là 1 trong 7 dự án của Ban quản lý DA đầu tư XD giao thông (Sở GTVT) tỉnh Cần Thơ, trong 2 năm (2000 và 2001) được Kho Bạc giải ngân gần 69 tỷ đồng nhưng đến nay đã 8 năm vẫn chưa quyết toán. Nói về “hoàn cảnh” của chủ thầu dự án, một cán bộ có trách nhiệm của Sở GTVT cho biết: Chủ thầu là Tập đoàn Hạ Long đã giải thể, chuyển thành Cty lẻ, trong đó có Cty Cầu 12 hiện đang thi công cầu Trà Ôn (Vĩnh Long). Người theo dõi công tác quyết toán bị bệnh nặng mới phục hồi, cán bộ của Sở đã đến tìm gặp, hối thúc nhưng không thể nhanh được.
Giải pháp chưa đủ mạnh !?
Tại kỳ họp 16 HĐND, lãnh đạo Sở Tài chính đã kiến nghị HĐND, UBND đưa ra giải pháp khá “khắt khe”: Từ nay (cuối tháng 6/2009) đến hết tháng 7/2009, các dự án đầu tư có sản phẩm xây dựng; các dự án chuẩn bị đầu tư, dự án quy hoạch có quyết định phê duyệt của người/cơ quan quyết định đầu tư hoặc UBND thành phố chấp thuận ngưng thực hiện, đề nghị cho tất toán theo CV 1142/TTg-KTTH ngày 28/8/2007 và CV 14730/BTC-KBNN ngày 1/11/2007. Mọi phát sinh (nếu có) chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Các dự án không có sản phẩm và không có chủ trương thì ngừng thực hiện, đề nghị thu hồi số vốn đã thanh toán trước đây về cho ngân sách thành phố; Tiếp tục tham mưu cho UBND các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư của 125 dự án chưa gởi hồ sơ báo cáo quyết toán theo tinh thần công văn 1432/UBND-KT ngày 31/3/2009.
Trầm tư khi DĐDN đặt vấn đề nhận thức, trách nhiệm đối với ngân sách nhà nước của những cá nhân có “dính líu” tới các dự án từ 1997-2003, khi đó là “chánh, phó sở” nay là Thường trực chính quyền.., một lãnh đạo cơ quan “gác cửa” ngân sách càng “bối rối” hơn. Tuy nhiên, vị này vẫn cho rằng không thể kéo dài mãi tình trạng “nợ” quyết toán như 6-12 năm trước, không thể để năm tài chính này “nợ” sang năm sau, nhiệm kỳ này “đeo” nợ sang nhiệm kỳ khác thì hiệu quả điều hành ngân sách và quản lý nhà nước sẽ “đi về đâu” ?
(Theo Huy Bình // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com