Trong Dự Luật kiểm toán độc lập trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 16.9, Chính phủ đề nghị cấm không cho các tổ chức góp vốn thành lập công ty kiểm toán.
Phát biểu tại phiên họp, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, nên cho phép tổ chức tham gia góp vốn lập công ty kiểm toán.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, dẫn một ví dụ: Nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng việc góp vốn thành lập công ty kiểm toán, sau đó yêu cầu chính các công ty này kiểm toán cho mình và các DN thành viên, các công ty con… Như vậy sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong quản lý và làm mất đi sự chính xác, minh bạch trong báo cáo kiểm toán.
“Trên thực tế việc này đã từng xảy ra tại Vinashin khi tập đoàn này góp vốn vào Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán Thăng Long, sau đó chính Thăng Long đã quay trở lại kiểm toán Vinashin”, ông Ninh nói.
Liên quan đến điều kiện thành lập DN kiểm toán, dự thảo Luật quy định, chỉ có 3 loại hình DN được hoạt động kiểm toán độc lập: Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty Hợp danh, hoặc DN tư nhân.
Theo ông Hà Văn Hiền, hiện có 4 công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, và nếu quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các DN này. Vì vậy, cần phải có những quy định bổ sung thêm, có thể: DN nước ngoài muốn được thành lập sau khi dự thảo này được thông qua và có hiệu lực chỉ được lựa chọn một trong ba loại hình trên.
Về việc dự thảo Luật quy định công ty kiểm toán phải có tối thiểu 5 thành viên, có thời gian làm kiểm toán ít nhất 36 tháng trở nên, theo ông Vũ Văn Ninh là cần thiết bởi hiện tại số lượng công ty kiểm toán có 3 thành viên chiếm tới 1/3 trong tổng số 148 công ty, số lượng ít làm kiêm nhiệm cả quản lý khiến chất lượng báo cáo kiểm toán chưa đạt yêu cầu.
(Theo Anh Vũ // Thanhnien Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com