Đất hoang hóa sẽ bị đánh thuế cao - Ảnh minh họa. |
Tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy tới đây, dự án Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ được trình Quốc hội, thay cho dự án Luật Thuế nhà đất đã được xem xét từ kỳ họp trước.
Việc sửa tên gọi của dự thảo luật này xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, sau khi tiếp thu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội.
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3, dự án Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bao gồm 4 chương và 13 điều, có hiệu lực từ 1/1/2012.
Theo đó, đối tượng chịu thuế là đất phi nông nghiệp, bao gồm: đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh, phi nông nghiệp, bao gồm đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
Dự thảo luật cũng quy định 6 đối tượng không thuộc diện chịu thuế, trong đó có đất xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định này “quá thoáng”, cần phải được tính toán kỹ hơn.
Về thuế suất đối với đất, theo quy định tại dự luật, thuế suất đối với đất ở tính theo năm được tính ở mức 0,03% với diện tích trong hạn mức; 0,06% với phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá ba lần hạn mức và 0,1% cho phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức (tăng 0,01% so với dự luật đã trình Quốc hội).
Đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư áp dụng mức thuế suất là 0,03%. Mức này cũng được áp dụng đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Riêng đối với đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, đất để hoang hóa áp dụng thuế suất là 0,1%.
Dự luật cũng quy định giá của 1m2 đất chịu thuế là giá đất theo mục đích sử dụng đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Đối với đất ở nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư (bao gồm cả trường hợp vừa để ở vừa để kinh doanh) thì giá tính thuế được xác định bằng việc áp dụng hệ số phân bổ chia đều cho các tầng chịu thuế.
Theo dự thảo luật, kể từ ngày luật này có hiệu lực, Pháp lệnh Thuế nhà đất năm 1992và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1994 sẽ hết hiệu lực thi hành.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com