Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khảo sát 9 lĩnh vực hành chính công

Sau 2 lần tổ chức lấy ý kiến người dân về 6 lĩnh vực dịch vụ hành chính công vào năm 2006 và 2008, UBND TP HCM vừa giao Viện Nghiên cứu phát triển TP tiếp tục điều tra, lấy ý kiến người sử dụng đối với 9 lĩnh vực dịch vụ hành chính công.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội Viện nghiên cứu phát triển TP HCM xung quanh vấn đề này.

Theo ông Thành, trong những năm qua, vấn đề hành chính đã có nhiều cải tiến cho DN nhưng những cải tiến đó mới chỉ trên văn bản, chủ trương. Cuộc khảo sát này nhằm trả lời trong thực tế sự thay đổi đó thế nào? Ví dụ: DN kê khai nộp thuế có bức xúc gì không ? Lâu nay có nhiều kênh thu thập thông tin từ phía DN nhưng đây là thông tin trực tiếp từ DN với quy mô lớn, số liệu lớn theo phương pháp thống kê, từ đó có thể rút ra những kết luận có giá trị. Thực tế, hiện nay có nhiều vấn đề DN bức xúc như tiếp cận tín dụng, tiêu thụ hàng hóa, xuất nhập khẩu… lại không được đề cập trong cuộc khảo sát này.

- Trong 9 vấn đề được đề cập, theo ông, vấn đề nào DN bức xúc nhất ?

Đó là vấn đề xây dựng chủ quyền nhà đất, khai báo thuế, hoàn thuế… Còn những chuyện như thu gom rác, không phải là vấn đề lớn đối với DN nhưng lại nằm trong các lĩnh vực dịch vụ công cần phải tiến hành điều tra, khảo sát chung cho hộ gia đình và DN.

Thực tế, có nhiều kênh như các diễn đàn của các sở ngành tổ chức có cuộc gặp gỡ với các DN nhưng những phát biểu của DN tại đó không đến được với số đông. Còn cuộc khảo sát này thực hiện với số đông thì sẽ cụ thể, khách quan hơn.

- Thưa ông, đâu là điểm khác biệt của cuộc khảo sát lần này so với 2 lần trước ?

Những đợt trước người ta chỉ khảo sát mức độ hài lòng của các hộ dân, năm nay có thêm phần quan trọng nữa là có thêm các tổ chức, DN. Điểm khác biệt là cuộc khảo sát năm nay lớn hơn về quy mô, số mẫu lớn, lãnh vực quan tâm theo dõi mở rộng lên 9 lĩnh vực. Đặc biệt có sự chuyển hướng ở một số lĩnh vực ví như việc công chứng ngày trước rất bức xúc, thế nhưng từ ngày xã hội hóa thì hết bớt bức xúc nên lĩnh vực đó giờ không quan tâm nữa mà chuyển sang quan tâm cái khác. Hay như giáo dục tiểu học trước đây đặc biệt quan tâm thì nay được chuyển sang lĩnh vực giáo dục mầm non. Như vậy, những lĩnh vực đề cập ở đây hiện nay đều là những lĩnh vực bức xúc của người dân cũng như DN.

Đợt này do quy mô lớn nên để thực hiện hiệu quả cần phải huy động lực lượng đông đảo bao gồm điều tra viên cũng như cán bộ nghiên cứu tham gia để vừa giám sát điều tra và phân tích các dữ liệu.

Hộ gia đình khảo sát 3.750 mẫu, tổ chức 720 tổ chức DN. Việc chọn mẫu khá công phu vì phải mang tính đại diện cho TP. Chọn mẫu làm sao có thể đại diện cho TP và mẫu này không nhằm so sánh mức độ hài lòng của DN, người dân giữa quận này với quận kia, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác. Mà nằm trong tổng thể sự hài lòng chung của toàn TP HCM. Theo đó, qua ý kiến của người dân, những công đoạn nào mà họ cảm thấy không hài lòng thì Sở, ngành có thể điều chỉnh trở lại chứ mục tiêu không phải là để so sánh.

- Tiêu chí của cuộc khảo sát, lấy ý kiến lần này dựa trên những yếu tố nào, thưa ông ?

Đợt khảo sát các lĩnh vực hành chính công được coi là chỉ số giống chỉ số CPI để đo lường năng lực của các cơ quan hành chính công, cơ quan cung cấp dịch vụ công.

Dựa trên 4 yếu tố chính : mức độ tiếp cận dịch vụ đó dễ hay khó; Quy trình thủ tục dịch vụ như thế nào; Thái độ hành vi của cán bộ công chức phục vụ dịch đó; Kết quả công việc. Cái hay của TP là lãnh đạo TP rất quan tâm tới vấn đề này nên đứng ra chủ trì. Ví dụ, năm 2008, sau khi có kết quả điều tra thì HĐND TP đã đứng ra tổ chức một cuộc họp có sự tham gia trực tiếp của DN, người dân và các ngành chức năng giải trình trực tiếp. Như thế, tạo nên đối thoại 2 chiều và bản thân những người ban, ngành quản lý dịch vụ đó mới đánh giá hết được kết quả phục vụ của họ.

- Vậy đâu là khó khăn khi ban tổ chức tiếp cận, lấy ý kiến DN hoặc người dân?

Thường đối với các DN, tiếp cận rất khó vì họ thấy những việc đó không thiết thực với quyền lợi của họ nên ngại trả lời. Khi chúng tôi gặp giám đốc hay đại diện của DN thì nội dung trả lời luôn có sự chuẩn bị trước, còn người dân trả lời bộc phát hơn theo đúng suy nghĩ của họ.

Khó khăn nhất của các cuộc khảo sát là khi xuống DN hoặc hộ gia đình phải hỏi được người có trách nhiệm chính với DN hoặc gia đình, sử dụng trực tiếp dịch vụ hành chính công thì mới hiệu quả, nếu không gặp được họ phải quay đi, quay lại nhiều mất công sức và thời gian. Hơn nữa, lực lượng giám sát và trả lời ngay tại chỗ những thắc mắc khi khảo sát cần phải được đầu tư đúng mức. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ TP rót xuống “nhỏ giọt” nên mức trả cho điều tra viên không hợp lý, trả 70.000 đồng/ 1phiếu hỏi là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Yêu cầu của người đi hỏi khá cao nên không thể thuê sinh viên mà cần tìm những người có năng lực và chuyên môn. Vì thế, hiện viện đang gặp khó khăn trong vấn đề nâng cao mức chi phí trả cho điều tra viên. Chúng tôi đang làm việc với Sở Tài chính bởi Sở Tài chính luôn căn cứ vào thông tư, chỉ thị để áp dụng nhưng những cơ sở đó giờ lạc hậu rồi.

- Viện nghiên cứu phát triển TP đã có những sự chuẩn bị gì cho chương trình lần này ?

Công tác chuẩn bị, hiện nay đã xong toàn bộ kế hoạch khảo sát; Đã làm việc với các sở, ngành để thống nhất nội dung bảng hỏi; Mời một số quận, huyện dự kiến điều tra để trao đổi cho họ chuẩn bị tinh thần; Tổ chức lực lượng điều tra viên. Trong đó, khâu chọn mẫu được coi là quan trọng nhất, có thể phân bổ ra chọn hoặc chọn ngẫu nhiêu. Sau đó, khi có vốn từ Sở Tài chính rót xuống là bắt tay vào làm ngay. Dự kiến khoảng 1-1,5 tháng là xong khâu khảo sát thực tế, còn khâu nhập, xử lý số liệu, phân tích mất vài tháng nữa nên cuối năm 2013 Viện mới có thể công bố kết quả.

Cuộc khảo sát năm 2006 và 2008 có những thiếu sót. Đơn cử như, cuộc khảo sát năm 2008, trong thang đo của bảng hỏi, phần lớn người dân trả lời là bình thường hoặc không ý kiến. Cái đó phản ánh 2 điều: Bản thân họ không quan tâm tới vấn đề ấy nên trả lời cho qua chuyện; Đồng thời, về phía người điều tra viên không chủ động truy vấn lại nên tỷ lệ người trả lời không ý kiến khá cao (khoảng 33%). Lần này, chúng tôi phải có những điều chỉnh nhất định trong bảng hỏi để DN, người dân trả lời chi tiết, chính xác hơn.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%