Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật

Ông Vũ Văn Đường (Vũng Tàu) bị khuyết tật lao động cả 2 chân đã 49 năm nay nhưng chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của địa phương. Ông Đường muốn được biết ông có được hưởng chính sách xã hội không và nếu được thì thủ tục gồm những gì?

Câu hỏi của ông Đường được Công ty Luật TNHH Đại Việt tư vấn như sau:

Được hưởng trợ cấp nếu không có khả năng lao động, hoặc không tự phục vụ được

Căn cứ Pháp lệnh người tàn tật năm 1998 thì Người tàn tật không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn.

Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội quy định: Đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp hàng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý gồm: “Người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ” .

Căn cứ điểm c khoản 1 Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 hướng dẫn một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội thì: “Người tàn tật nặng không có khả năng lao động” quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 67/2007/NĐ-CP là người từ đủ 15 tuổi trở lên bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh, được bệnh viện quận, huyện, thị xã (sau đây gọi là cấp huyện) xác nhận hoặc Hội đồng xét duyệt xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) công nhận.

“Người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ” quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 67/2007/NĐ-CP là người không có khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, được bệnh viện cấp huyện xác nhận hoặc Hội đồng xét duyệt cấp xã công nhận.

Do thông tin ông Đường cung cấp không đầy đủ nên chúng tôi chỉ tư vấn về mặt nguyên tắc cho ông cụ thể như sau: Theo ông trình bày thì ông bị khuyết tật 2 chân nhưng ông không trình bày rõ là có thể tự phục vụ bản thân hay có khả năng lao động hay không. Nếu ông không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ theo hướng dẫn ở trên thì ông được hưởng trợ cấp xã hội cụ thể như sau:

Thứ nhất: Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Người tàn tật quy định, người tàn tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp.

Thứ hai: Khoản 4 Điều 1 Nghị định 13/2010/NĐ-CP quy định về mức trợ cấp xã hội hàng tháng thấp nhất đối với đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng do xã, phường, thị trấn quản lý nếu không có khả năng lao động mức trợ cấp là 180.000 đồng, không có khả năng tự phục vụ là 360.000 đồng.

Thứ ba: Căn cứ khoản 5 Điều 1 Nghị định 13/2010/NĐ-CP thì ông thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ tư: Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội quy định: Nếu ông đang học văn hoá, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách, vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật...

Căn cứ các quy định trên thì ông có thể được hưởng trợ cấp xã hội kể từ khi ông thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội và ông được truy lĩnh trợ cấp cho khoảng thời gian ông không được hưởng trợ cấp. Ông nên làm hồ sơ để được hưởng trợ cấp xã hội gửi UBND cấp xã nơi ông sinh sống để được giải quyết.

Hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp xã hội

Căn cứ điểm a mục 1 phần III Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 hướng dẫn một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP, hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng gồm:

-  Đơn đề nghị của đối tượng hoặc gia đình, người thân, người giám hộ có đề nghị của Trưởng thôn, bản, ấp, buôn, làng, tổ dân phố và UBND cấp xã nơi đối tượng cư trú (mẫu số 1);

- Sơ yếu lý lịch của đối tượng hưởng trợ cấp, có xác nhận của UBND cấp xã;

- Văn bản xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về tình trạng tàn tật đối với người tàn tật (nếu có), người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS;

- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu

Căn cứ mục 2 của Thông tư 09/2007/TT-BLĐTBXH thủ tục xét hưởng trợ cấp thường xuyên quy định:

- Để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc tiếp nhận vào Nhà xã hội, tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí mai táng thì đối tượng hoặc gia đình, người thân, người giám hộ phải làm đủ hồ sơ theo quy định gửi UBND cấp xã (điểm a);

- Trong thời hạn 7 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của đối tượng, UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, trường hợp xét thấy đủ tiêu chuẩn thì niêm yết công khai tại Trụ sở UBND cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của xã (nếu có) về trích yếu lý lịch của đối tượng, nội dung chế độ trợ cấp đề nghị được hưởng. Sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì UBND cấp xã hoàn thiện hồ sơ của đối tượng theo quy định gửi Phòng Nội vụ- Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện để xem xét, giải quyết.

Trường hợp đối tượng không đủ tiêu chuẩn theo quy định thì UBND cấp xã thông báo cho đối tượng biết.

Trường hợp có ý kiến thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của nhân dân thì UBND cấp xã phải thẩm tra và thành lập Hội đồng xét duyệt.

- Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cấp xã gửi, Phòng Nội vụ- Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định cho từng trường hợp cụ thể hoặc hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội do Sở quản lý (điểm c)

Căn cứ điểm b khoản 3 của Thông tư số 26/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/11/2008 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007: Kể từ ngày 1/1/2007 trở về sau, đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định 67/2007/NĐ- CP ở thời điểm nào, thì được hưởng trợ cấp xã hội ở thời điểm đó.

Công ty Luật TNHH Đại Việt(335, phố Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội)

(Theo Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%