Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm: Bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát thủ tục hành chính giai đoạn 2 Đề án 30, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp phương án quy định việc đăng ký trực tuyến đối với các giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển). Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã nghiên cứu độc lập và cho rằng đây là một sáng kiến cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, giúp giảm thiểu được chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nhà nước và xã hội (ước tính tiết kiệm được 70% chi phí). 

Do có sự thống nhất giữa Bộ Tư pháp và Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính nên đồng thời với việc Tổ công tác hoàn thiện phương án đơn giản hóa thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trình Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn và tổ chức các bước nhằm triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm trên thực tế.

1.     Khái quát về Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm

1.1. Thủ tục đăng ký tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm  

Trình tự, thủ tục đăng ký về giao dịch bảo đảm được thực hiện theo các bước chủ yếu sau đây:

Thứ nhất,truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến

Để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến thì tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến quy định tại Điều 12 Thông tư số 22/2010/TT-BTP với 2 nhóm đối tượng sau:

a) Khách hàng thường xuyên (KHTX): Sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến và thực hiện đăng ký. Tài khoản này sẽ do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cấp.

- Đối với KHTX đã đăng ký trước ngày Thông tư số 22/2010/TT-BTP có hiệu lực : Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thực hiện rà soát, cấp và thông báo cho KHTX đó (Khoản 1 Điều 24 Thông tư số 22/2010/TT-BTP).

- Đối với khách hàng mới: Khách hàng phải gửi hồ sơ đến Cục Đăng Ký quốc gia giao dịch bảo đảm để được cấp mới số tài khoản (Điều 6 Thông tư số 22/2010/TT-BTP).

b) Khách hàng vãng lai: sẽ sử dụng số biên lai, số thẻ tín dụng, số thẻ ghi nợ để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến và thực hiện đăng ký.

Các khách hàng sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến để thực hiện đăng ký, tìm kiếm thông tin trực tuyến về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án. Khách hàng sẽ bị khóa tài khoản đăng ký trực tuyến trong trường hợp 6 tháng không sử dụng tài khoản hoặc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí, lệ phí, phí sử dụng KHTX.

Thứ hai, thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm

Người yêu cầu đăng ký kê khai nội dung đăng ký theo mẫu trên giao diện của hệ thống đăng ký trực tuyến. Người yêu cầu đăng ký phải kê khai nội dung đăng ký chính xác, đúng sự thật, đúng thỏa thuận của các bên về giao dịch bảo đảm, hợp đồng. Sau khi kê khai, thông tin về giao dịch bảo đảm sẽ được cơ quan đăng ký “hậu kiểm” trước khi chứng nhận nội dung đăng ký.

Thứ ba,nhận kết quả đăng ký

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 22/2011/TT-BTP, người yêu cầu đăng ký nhận kết quả đăng ký theo các phương thức sau:

a) Hệ thống đăng ký trực tuyến xác nhận kết quả đăng ký cho người yêu cầu đăng ký tại màn hình giao dịch. Theo quy định này, bản xác nhận điện tử sẽ không có chữ ký và con dấu của cơ quan đăng ký. Người yêu cầu đăng ký có thể in ra, lưu trữ cùng hồ sơ đăng ký.

b) Cơ quan đăng ký gửi một (01) bản giấy chứng nhận kết quả đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (có chữ ký, con dấu của cơ quan đăng ký) theo phương thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Văn bản chứng nhận kết quả đăng ký do một trong các Trung tâm Đăng ký cấp có giá trị pháp lý như nhau.

1.2. Cơ quan đăng ký kiểm soát thông tin về người yêu cầu đăng ký và nội dung kê khai một cách “gián tiếp”

Hệ thống đăng ký trực tuyến được vận hành trên cơ sở nguyên tắc “thông báo”, nghĩa là người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm về nội dung kê khai và thông tin về giao dịch bảo đảm được đăng ký theo nội dung kê khai. Tuy nhiên, hệ thống đăng ký trực tuyến vẫn giúp cơ quan đăng ký “kiểm soát” hữu hiệu thông tin về giao dịch bảo đảm, mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với người yêu cầu đăng ký thông qua các cách thức sau:

- Trên cơ sở văn bản chứng minh tư cách pháp lý của các tổ chức, cá nhân (ví dụ: Chứng minh nhân dân; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cấp số tài khoản, mã số khách hàng thường xuyên sau khi các tổ chức, cá nhân đáp ứng quy định tại Thông tư số 22/2011/TT-BTP.      

- Hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ cấp “Số đơn” và “Mã cá nhân” cho người yêu cầu đăng ký để thực hiện việc đăng ký thay đổi, xóa đăng ký trực tuyến khi có nhu cầu (Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 22/2011/TT-BTP).

- Trước khi cấp Giấy chứng nhận kết quả đăng ký thì cán bộ đăng ký phải rà soát kỹ nội dung đăng ký do người yêu cầu đăng ký đã kê khai để loại bỏ những nội dung “vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội” (Thông tư số 22/2011/TT-BTP).

Thông tư số 22/2010/NĐ-CP với các quy định cụ thể, rõ ràng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký, tạo lập đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Lợi ích của Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm

Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm ra đời là kết quả đáng ghi nhận trong việc hoàn thiện thể chế về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm, xây dựng hệ thống đăng ký hiện đại, đảm bảo tính công khai, minh bạch của các giao dịch bảo đảm, góp phần tích cực làm lành mạnh hóa và phát triển hơn nữa môi trường đầu tư tại Việt Nam, đây thực sự là một giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, nhằm giảm thiểu thời gian đăng ký, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm là động sản, giúp cho quá trình tiếp cận nguồn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời thông qua đó đã khuyến khích sự lưu thông nguồn vốn, giúp thị trường tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, Hệ thống đăng ký trực tuyến mang lại những lợi ích đáng khích lệ, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Với việc thực hiện đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là các tổ chức tín dụng sẽ dễ dàng tiếp cận với dịch vụ đăng ký do Nhà nước cung cấp. Theo đó, tại bất kỳ thời điểm và địa điểm nào, người yêu cầu đăng ký thông qua mạng internet truy cập vào hệ thống, trực tiếp đăng ký giao dịch bảo đảm và tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký. Hiệu lực đăng ký sẽ có giá trị pháp lý phát sinh tại thời điểm thông tin được cập nhật vào trong hệ thống đăng ký trực tuyến. Thời điểm hiệu lực này không có sự can thiệp theo ý chí chủ quan của cán bộ đăng ký như hệ thống cũ. Thông tin được cung cấp từ Hệ thống đăng ký trực tuyến đảm bảo chính xác, có tính pháp lý cao, an toàn cho các tổ chức, cá nhân khi tra cứu. Mặt khác, chi phí xã hội (thời gian, kinh phí…) sẽ giảm thiểu do người yêu cầu đăng ký không phải nộp đơn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho cơ quan đăng ký.

Thứ hai: Việc áp dụng Hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ giúp cắt giảm chi phí hành chính do ngân sách nhà nước cấp, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký do cán bộ đăng ký không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hạn chế tối đa sự can thiệp của cán bộ đăng ký, đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động đăng ký. Đồng thời, những biến động về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm vẫn được giám sát chặt chẽ thông qua cơ chế “hậu kiểm” của cán bộ đăng ký. Ngoài ra, với việc vận hành hệ thống đăng ký trực tuyến, Nhà nước đã cung cấp một cơ sở hạ tầng tài chính hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay được bảo đảm bằng động sản và mở rộng mạng lưới khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba:  Việc áp dụng Hệ thống đăng ký trực tuyến tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, đáp ứng lợi ích của các bên tham gia giao dịch, khuyến khích sự lưu thông nguồn vốn, giúp thị trường tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.

Hệ thống đăng ký trực tuyến vận hành sẽ thực sự trở thành “người bạn đồng hành”cùng sự lớn mạnh, phát triển bền vững của nền tài chính và thị trường tín dụng Việt Nam, góp phần triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của nước ta.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Cho thuê lại lao động – ai lợi hơn ai?
  • Đề xuất miễn thuế xuất khẩu da trăn nuôi
  • Từ 1/7, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới nộp thuế
  • DN thêm gánh nặng phí
  • Phạt nặng kinh doanh, nhập khẩu hàng lậu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%