|
Đầu tư bất động sản du lịch sẽ là xu hướng "nóng" trong đầu tư bất động sản.
Trao đổi với VnEconomy, Ông Trần Xuân Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC), đơn vị đang triển khai dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD cho biết, nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư bất động sản du lịch vì khả năng phân tán rủi ro tốt.
Ngày 2/10, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex đã khởi công gói thầu thi công kè sông giai đoạn IB và kè sông khách sạn Tùng Thu thuộc Dự án khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà. Đây được coi là những bước đi tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Thưa ông, nếu xét vị trí với 2 khu du lịch chính tại miền Bắc là Vịnh Hạ Long và Sapa, thì đâu là lợi thế cạnh tranh của dự án để tạo thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế?
Dự án nằm trong vùng tam giác phát triển kinh tế, riêng đảo Cát Bà đã được công nhận là khu bảo tồn sinh quyển của thế giới. Tại vị trí này, dự án khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà được thừa hưởng lợi thế về đầu tư và kinh doanh dịch vụ du lịch. Dự án tạo thành một khu du lịch cao cấp bên cạnh thị trấn Cát Bà có bản sắc văn hoá lâu đời.
Khó khăn trong triển khai dự án có quy mô 1 tỷ USD có phải là vấn đề vốn không, thưa ông?
Đối với doanh nghiệp, nếu tự mình đầu tư thì chắc chắn đó là khó khăn về vốn, chúng tôi tìm được lời giải do nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức có tiềm lực tài chính tốt như ngân hàng và vốn của các nhà đầu tư đối tác. Dự án được địa phương tạo điều kiện hỗ trợ phát triển với nhiều ưu đãi về thuế đất và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo kế hoạch đến 2015 là toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên đây là dự án rất phức tạp, việc phát triển dự án không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà đầu tư mà còn phụ thuộc vào việc thị trường bất động sản du lịch sẽ phát triển ra sao thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng tiêu dùng tại những khu biển đảo vốn không dành cho số đông?
Theo ông, ở miền Bắc có nhiều dự án bất động sản du lịch có cùng mục tiêu đối tượng như dự án này không?
Ở miền Bắc có nhiều dự án cũng nhắm đến đối tượng như vậy vì với chủ đầu tư, việc tìm kiếm những khách hàng tiềm năng như vậy không phải quá khó vì quan hệ rộng của họ. Xung quanh Hà Nội đang có rất nhiều những resort nhỏ hướng tới những đối tượng kinh doanh thành đạt nhưng để có một khu du lịch biển đẳng cấp quốc tế thì không phải ai cũng có thể làm được.
Chúng tôi thấy được thế mạnh trong dự án của mình để đẩy nhanh tiến độ đưa dự án trở thành tâm điểm về du lịch của miền Bắc.
Với những khu du lịch biển có đặc thù riêng, việc quản lý tài sản của khách hàng với sự lưu trú không thường xuyên sẽ ra sao, thưa ông?
Rõ ràng đối với bất động sản biển, không ai ở lâu dài cả đời mà chỉ mua để để nghỉ dưỡng tính theo tuần hoặc tháng, sau đó phải về với công việc của mình, cùng với đó là sự tự hào vì đã sở hữu những bất động sản có một không hai.
Trách nhiệm của nhà đầu tư khi làm dự án là phải suy nghĩ đến vấn đề vận hành như thế nào. Trong kế hoạch của mình, Vinaconex- ITC sẽ thành lập một công ty thuê lại các bất động sản của khách hàng khi họ không sử dụng để vận hành kinh doanh du lịch, sau đó sẽ trả lại một phần lợi nhuận cho chủ nhân ngôi nhà đó.
Khi thị trường nhà đất gặp khó thì thị trường bất động sản du lịch lại diễn ra một loạt những sự kiện như khởi công nhiều dự án, ra mắt Chi hội Bất động sản du lịch và sắp tới là triển lãm bất động sản du lịch. Đứng trên phương diện đầu tư, ông đánh giá như thế nào về những động thái trên?
Đó là xu hướng tất yếu thôi, bất động sản du lịch của Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng hạ tầng du lịch ở các địa phương chưa đúng tầm với tiềm năng đang có. Nên những nhà đầu tư trong nước nhìn ra vấn đề như vậy họ sẽ tập trung đầu tư vào đây.
Nếu thử vào các resort nổi tiếng ở miền Trung do các nhà đầu tư nước ngoài làm, chúng ta sẽ ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam hưởng thụ tại đó. Tại sao chúng ta là nhà đầu tư Việt Nam lại không làm được những khu resort cho chính người Việt Nam hưởng thụ.
Các ông có thuê hai đơn vị của Mỹ và Pháp làm tư vấn thiết kế quy hoạch và tư vấn thiết kế cảnh quan kiến trúc đô thị cho dự án. Phải chăng đây là xu hướng chung của các khu đô thị biển tại Việt Nam, muốn thành công thì phải có sự “can thiệp” của yếu tố nước ngoài?
Thị trường này đang có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước. Bây giờ, nếu muốn phát triển bất động sản du lịch thì hãy nghĩ tới đối tượng là doanh nghiệp trẻ thành đạt trong nước trước, sau đó hãy nghĩ tới nhà đầu tư nước ngoài.
Bây giờ cũng đã qua thời doanh nghiệp Việt Nam đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài rồi mà các chuyên gia tư vấn nước ngoài phải làm thuê cho doanh nghiệp trong nước.
Nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn, ông đánh giá như thế nào về độ phân tán rủi ro của đồng vốn khi đầu tư vào thị trường này, trong khi hầu hết các dự án bất động sản du lịch đều cần lượng vốn lớn?
Hiện nay tham gia vào thị trường này có nhiều cơ hội thu hút lượng vốn lớn vì thực tế thị trường đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Thường là đầu tư lĩnh vực này đòi hỏi trường vốn, nhưng lại không tạo ra lợi nhuận ngay trước mắt mà là cả quá trình lâu dài. Ngay trong dự án của chúng tôi, không chỉ tính đến việc bán biệt thự cho nhà đầu tư mà phải tính tới việc cùng nhà đầu tư kinh doanh sản phẩm trong cả đời dự án, để đem lại lợi nhuận lâu dài cho nhà đầu tư và nộp thuế cho Nhà nước.
Cơ hội cụ thể cho nhà đầu tư đến đâu trong dự án, thưa ông?
Dự án được phê duyệt với nhiều ưu đãi đặc biệt như thủ tục đầu tư đơn giản, nhanh, cởi mở, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và nhiều ưu đãi khác.
Với nhiều ưu đãi từ phía Chính phủ và của địa phương nên khi đầu tư vào dự án, các nhà đầu tư chỉ phải chịu một mức chi phí ban đầu thấp hơn nhiều so với các dự án khác tại Việt Nam hiện nay.
Cơ sở hạ tầng du lịch tại đảo Cát Bà còn rất đơn sơ. Đây chính là một ưu thế lớn cho các nhà đầu tư đi tiên phong trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại đây. Đặc biệt đảo Cát Bà đang tiến tới mục tiêu trở thành khu du lịch sinh thái quốc tế tại Việt Nam và hiện nay Chính phủ đang tập trung đầu tư hạ tầng vào khu vực Hải Phòng và đảo Cát Bà như đường cao tốc 5B, Cầu đình Vũ, nâng cấp sân bay, bến cảng.
Nhà đầu tư sẽ vào theo hình thức nào, thưa ông?
Ngoài việc mua bán sản phầm, chúng tôi kêu gọi những nhà đầu tư với tiềm lực kinh tế mạnh và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các dự án bất động sản du lịch tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư các hạng mục công trình của dự án với 100% vốn của nhà đầu tư.
Kêu gọi nhà đầu tư thứ phát thực hiện liên doanh, liên kết với Vinaconex– ITC để đầu tư hạ tầng dự án hoặc đầu tư vào từng hạng mục của dự án.
Theo ông, thị trường bất động sản du lịch Hải Phòng muốn tạo sự riêng biệt để thu hút đầu tư thì ngoài độ mở của chính sách thì phải cần thêm yếu tố gì?
Hải Phòng có điều kiện tự nhiên xã hội đặc biệt hơn nhiều địa phương khác. Hải Phòng cần nhấn mạnh đến những yếu tố khác biệt được thiên nhiên ưu ái cho thành phố biển. Tuy có chính sách tốt nhưng cần phải biến thành thực tế để đưa Hải Phòng thành trung tâm du lịch thực sự. Điều đó cũng quyết định đến niềm tin của nhà đầu tư có trở thành hành động hay không.
Ở Hải Phòng hiện nay, phân khúc bất động sản nào nhà đầu tư có thể quan tâm được, thưa ông?
Có hai phân khúc có thể tập trung đầu tư được là nhà ở cho người bậc trung và bất động sản du lịch.
(Theo Hạnh Liên // VnEconomy)