Theo số liệu thống kê tại Hội nghị sơ kết hoạt động của các sàn giao dịch BĐS do Bộ Xây dựng tổ chức thì số lượng giao dịch BĐS qua sàn chỉ chiếm từ 15 - 20% so với tổng lượng giao dịch. Trong tuần đầu tiên của tháng 10, tỷ lệ trên xem chừng vẫn chưa có biến chuyển, điều đó đồng nghĩa với việc giao dịch qua sàn BĐS vẫn chìm lắng.
Trước hết, việc ra đời của sàn giao dịch BĐS là đúng đắn, thời gian qua đã tạo diện mạo mới cho thị trường BĐS và góp phần minh bạch hoá thị trường nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Mặc dù vậy tình trạng “chìm” hay “nổi” không phải là tình trạng chung của các sàn. Anh Bình - giao dịch viên Cty CP Kinh doanh đầu tư BĐS Phúc Hà cho biết: Dự án Nam Sala do Cty làm chủ đầu tư đã bán hết qua sàn và hiện nay đang được một số khách hàng mua đi bán lại. Việc có bán được hàng hay không phụ thuộc vào dự án có khả thi hay không và còn phụ thuộc vào uy tín của sàn. Một số dự án khác qua sàn vẫn bán hàng tốt còn một số nữa thì im lìm.
Nhận định này có phần đúng với tình hình các dự án góp mặt tại thị trường BĐS hiện nay. Tuy nhiên, với các dự án đang “sốt” hoặc vào hàng “hot” thì việc nhộn nhịp giao dịch qua sàn là vấn đề không cần bàn cãi bởi cầu trong tình trạng vượt cung.
Trong khi uy tín của các sàn chưa được củng cố thì một loạt sự kiện đất đai liên quan đến sàn đã giáng một đòn chí tử vào tâm lý khách hàng. Việc rao bán các dự án chưa được phê duyệt của Cty CP Sàn BĐS Việt Nam là một minh chứng điển hình. Thêm vào đó trên thực tế nhiều sàn BĐS vừa thực hiện dịch vụ môi giới, định giá, kinh doanh vừa là chủ đầu tư dự án đã dẫn đến việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” chưa kể đến việc dự án mới sốt nhẹ thì các sàn đã kịp đẩy giá lên cao, mặt bằng giá mới này không dễ gì phá vỡ và người mua sẽ phải chịu một khoản chênh lệch không nhỏ. Vì thế, khách hàng khó có thể yên tâm đi trong “mê trận” này. Điều đó dẫn đến tâm lý khách hàng vẫn muốn mua của chủ đầu tư để được giá gốc, thậm chí có thể đàm phán thêm về giá cũng như các ưu đãi. Có thể thấy việc ràng buộc giữa chủ đầu tư và các sàn không nhiều bởi nếu tiến độ bán hàng có chậm thì sàn chả mất gì, còn chủ đầu tư bị thiệt cũng chẳng biết kêu ai. Trong trường hợp bán được hàng mà giá bị đẩy lên thì người thiệt thòi vẫn là khách hàng, “miếng ngon” các sàn nuốt trọn.
Đa số các chủ đầu tư khi bán hàng qua sàn đều muốn huy động vốn nhanh nhưng kênh “sàn” rõ ràng không đạt hiệu quả (trừ các dự án mà sàn do chủ đầu tư mở ra). Tính chuyên nghiệp của các sàn chưa cao, đa phần là do chủ đầu tư thành lập để bán hàng dẫn đến việc chức năng sàn BĐS cũng na ná như phòng kinh doanh. Vì vậy, tính cạnh tranh thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin chưa cao. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư chưa muốn giao dịch qua sàn bởi còn chờ đợi, nghe ngóng.
Có thể thấy rằng, giao dịch qua sàn BĐS là hình thức bán hàng chuyên nghiệp phù hợp với những quy luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường từ sản xuất đến phân phối, lưu thông và tiêu dùng. Tuy nhiên, tính minh bạch của thị trường BĐS tại thời điểm này chưa cao nên các giao dịch qua sàn BĐS không nhiều và sự trầm lắng của nhiều sàn BĐS là điều dễ hiểu.
( theo Thanh Uyên // báo xây dựng )