Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường bất động sản Hà Nội rục rịch rớt giá

Hai tuần lại đây, ông Vũ Thanh Hùng, Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở Hà Nội, phải tìm cách chối khéo hàng chục lời chào mời mua bất động sản, kể cả lời mời góp vốn xây nhà ở với giá gốc.

“Với chính sách siết chặt tiền tệ hiện nay, tôi cho rằng sang năm 2010, sức “cầu” trên thị trường bất động sản sẽ khó lòng “nóng” như trước. Có lẽ phải tới quý II/2010, khi giá bất động sản xác định đáy, mới là thời điểm mua vào trên thị trường bất động sản…”, ông Hùng phán đoán.

Kịch tính nhà đầu cơ lớn, bé

Cách đây 2 tháng, tìm hiểu qua nhiều nhà môi giới, ông Hùng định mua 1 sàn chung cư dự án Hapulico ở đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, nhưng ông không thể biết giá bán mỗi m2 là bao nhiêu vì giai đoạn đó thị trường đang sốt, chủ đầu tư găm hàng để chờ giá cao mới công bố.

Nhưng tới tuần vừa qua, hai nhà môi giới đã gọi điện cho ông Hùng thông báo giá bán của 2 dự án cùng nằm trên đường Ngụy Như Kon Tum.

Giá gốc của chung cư Hapulico là 18 triệu đồng/m2, còn giá gốc của dự án chung cư cao cấp hơn do một doanh nghiệp quân đội liên danh với Công ty xây dựng Hải Vân đầu tư là 19 triệu đồng/m2, chưa cộng giá chênh. “Chưa hết, chủ đầu tư của dự án cao ốc tại số 317 đường Trường Chinh cũng đang mời góp vốn 20% (khoảng 40 tỷ đồng) nhưng tôi còn đang cân nhắc”.

Chị Nguyễn Bích Hằng, chủ một công ty may trên phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, đang não ruột với vụ “ôm” 1 sàn chung cư dự án phía Tây hồi tháng 8. Sàn chung cư gồm 6 căn hộ có diện tích hơn 80m2/căn với giá gốc cộng giá chênh 2,5 triệu đồng/m2.

Kể từ khi mua được sàn chung cư này, mặc dù đã rao bán khắp các phòng môi giới nhà đất, trên mạng và nhờ bạn bè nhưng chị vẫn chưa bán được căn nào. Định sang tên để đầu tư lâu dài, nhưng đã 4- 5 lần chị Hằng đến làm việc với chủ dự án đều bị khất lần.

Quá nản, chị Hằng đề nghị chủ đầu tư trả lại tiền góp vốn trên hợp đồng, nhưng chủ đầu tư lại khất phải… chờ có khách, bán được suất góp vốn mới trả lại được!

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Phòng môi giới Ngô Thì Nhậm, chi nhánh Hà Đông, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Đông, thời điểm hiện nay, các hoạt động giao dịch của thị trường bất động sản khu vực Hà Đông - khu vực “sốt” nóng nhất của Hà Nội đã giảm chỉ còn 2/3 so với cách đây 3 tháng.

Nếu như trước, mỗi ngày có khoảng 3 khách chào hàng mới (tức quyền mua căn hộ chung cư tại dự án như ở Văn Khê, Văn Phú, Dương Nội) và có khoảng 6 khách hỏi giá bất động sản, thì nay, lượng chào mua không đổi trong khi khách khảo giá thì khoảng 2 - 3 ngày mới có.

“Tuy không có khách mua, nhưng giá cả cũng chưa có dấu hiệu giảm, hiện tại giá chào bán vẫn khoảng 17,5 - 18 triệu đồng/m2 nhà chung cư tại các dự án trên”, bà Linh cho biết.

Vì sao bất động sản rục rịch rớt giá?

Ông Lê Tiến Đức, chủ một đại lý chứng khoán tại Cầu Giấy và cũng là một nhà kinh doanh bất động sản cho rằng với chính sách tiền tệ siết chặt hiện nay, giá bất động sản sẽ phải giảm trong thời gian tới vì giao dịch của thị trường từ tháng 6 - 8 vừa qua hầu hết là của giới đầu cơ với nhau.

Từ tháng 8, giới đầu cơ ôm cả sàn chung cư hầu hết đã thoát hàng khi thị trường tăng nóng vào tháng 7 và 8, hiện chỉ còn các nhà đầu cơ nhỏ bị kẹt lại do không có kinh nghiệm.

Thạc sĩ Hồ Hải Minh, Phó Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hanoi home cho rằng nguyên nhân cơ bản là giá đất quá cao so với khả năng của người mua nói chung. Bên cạnh đó, việc siết chặt nguồn tín dụng của ngân hàng cũng làm lượng người mua giảm vì không vay được tiền.

Bên cạnh số người mua là những người đầu cơ thì người có nhu cầu thật sự, khi họ gom góp số tiền gần đủ để mua nhà, họ cũng sẽ tính chuyện vay thêm ngân hàng để mua nhà. Nay nguồn tín dụng này bị “thắt” khiến sức cầu từ nguồn này bị hạn chế.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, việc siết chặt tín dụng là cần thiết vì sẽ tránh cho thị trường bất động sản bị bong bóng do đầu cơ. Sở dĩ thị trường bất động sản có thể nóng trong thời gian qua là do các nhà đầu cơ găm hàng, tạo sóng đón đầu dòng tiền chốt lãi từ thị trường chứng khoán chảy sang.

Với quan điểm thay vì tăng trưởng sẽ chuyển sang ổn định kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2010, tình hình tín dụng sẽ vẫn được kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa khả năng lạm phát.

Khi nguồn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ thì nạn đầu cơ bất động sản cũng sẽ được hạn chế, giá nhà chung cư, đất nền tại các dự án đô thị sẽ không bị bong bóng, tạo cơ sở cho cầu thật gặp cung thật trong thời gian tới”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định./.
 
(Báo Tin Tức)

 

  • Tại sao khách hàng Phú Mỹ Hưng phải nộp 30%?
  • Kỳ vọng tăng giá !
  • Vì sao giá đất Hà Nội quá cao?
  • Nhà nước tăng giá đất, thị trường lại tụt?!
  • Đổi giấy tờ nhà đất cũ sang mới không cần nộp bản vẽ
  • Hà Nội, TPHCM: Giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2
  • Thực chất cơn sốt nhà đất mới ở Hà Nội
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!