Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tại sao khách hàng Phú Mỹ Hưng phải nộp 30%?

Khách hàng mua nhà, đất của Cty liên doanh Phú Mỹ Hưng (PMH) sẽ phải nộp tiền sử dụng đất (SDĐ) chỉ 30%, thay vì 100% như quy định hiện nay. Đề xuất trên của Sở TNMT TPHCM, xem như một giải pháp gỡ rối vụ tranh chấp nộp tiền SDĐ giữa hàng ngàn hộ dân với Cty PMH, vốn diễn ra căng thẳng, chưa có lối thoát suốt 3 tháng qua.

Tuy nhiên, cơ sở pháp lý nào để... đẩy 30% tiền SDĐ cho khách hàng đóng, sau khi đã khẳng định trách nhiệm nộp tiền SDĐ 70% là thuộc về chủ đầu tư?

Người dân vẫn thiệt


Đây là lần đầu tiên trong vụ tranh chấp đình đám này, cơ quan thẩm quyền về đất đai đã phải công nhận phần lớn trách nhiệm nộp tiền SDĐ đã thuộc về phía chủ đầu tư. Cho dù, theo lý giải của Sở TNMT, khoản tiền thuê đất mà Cty PMH trích nộp cho Nhà nước trước đây, coi như Cty PMH đã đóng 70% tiền SDĐ (?). Nay, khách hàng chỉ cần đóng 30% còn lại, xem như hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

Mặt khác, Sở TNMT dẫn chứng, Cty PMH thuê đất của Nhà nước với thời hạn 70 năm, coi như được giao đất lâu dài. Trước đây, Cty PMH đã được nhà nước cho thuê 50 năm và Cty đã nộp tiền thuê đất 1 lần (tương đương nộp tiền SDĐ được 70%). Nay, còn lại 20 năm thuê tiếp, giải pháp tốt nhất để hài hòa lợi ích đôi bên, người dân phải nộp 30% tiền SDĐ của 20 năm còn lại. Tuy nhiên, giá tiền SDĐ mà người dân phải nộp không phải trên giá đất thuê mà Cty PMH nộp trước đây; tiền SDĐ 30% người dân nộp phải trên giá đất hiện hành...

Ở đây, phải thấy rằng, đề xuất trên của Sở TNMT dường như không ổn về mặt pháp lý. Hàng loạt câu hỏi đặt ra cho đề xuất nộp tiền SDĐ nói trên: Cơ sở pháp lý nào cho phép Cty PMH phân chia tỉ lệ nộp tiền SDĐ 70% và 30%? Tại sao tiền thuê đất 50 năm = 70% tiền SDĐ và 20 năm = 30% tiền SDĐ? Tại sao Cty PMH được tính tiền SDĐ theo giá cũ, nhưng khách hàng lại theo giá hiện hành?

Chủ đầu tư phải nộp 100% tiền SDĐ

Có ý kiến cho rằng, Cty PMH phải nộp 100% tiền SDĐ là “rất khó xử”. Bởi, PMH đầu tư đã 15 năm, “nhiều chính sách, quy định pháp luật về đầu tư và đất đai đã có nhiều thay đổi”. Thật khó hiểu, chính vì “nhiều chính sách, quy định pháp luật về đầu tư và đất đai có nhiều thay đổi”, nên Cty PMH phải chịu trách nhiệm nộp 100% tiền SDĐ cho khách hàng mới đúng, tại sao Cty lại cố đẩy trách nhiệm nộp tiền SDĐ cho người dân?

Thật vậy, từ năm 1993 – 2004, Cty PMH bắt đầu hoạt động và xây dựng khu đô thị PMH, hệ thống luật pháp VN không cho phép nhà đầu tư nước ngoài như Cty PMH được bán nhà ở, đất ở.Vì vậy, PMH không được Nhà nước giao đất, mà chỉ được phép thuê đất 50 năm. Song, ngày 3.12.2004, Chính phủ ra Nghị định số 198/2004/NĐ-CP quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán, thì đối tượng nộp tiền SDĐ là tổ chức kinh tế đó.

Nghị định số 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: “Chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê có trách nhiệm nộp tiền SDĐ...”. Nghị định số 84/2007/NĐ-CP còn cụ thể: “Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bán nhà ở thuộc dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở, thì người mua nhà ở gắn liền với quyền SDĐ ở được sử dụng đất ổn định lâu dài và không phải nộp khoản tiền chênh lệch giữa giá đất thuê và đất sử dụng ổn định lâu dài”.

Đặc biệt, ngày 15.6.2007, Bộ TNMT ban hành thông tư số 06/2007/TT-BTNMT; trong đó quy định rất rõ trường hợp áp dụng cho Cty PMH: “... tổ chức nước ngoài... đã thuê đất của Nhà nước dưới hình thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho thuê trước ngày Nghị định số 84/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhưng có nhu cầu bán nhà ở trên đất thuê đó, thì phải nộp khoản chênh lệch giữa tiền SDĐ ở... và tiền thuê đất mà nhà đầu tư đã trả trước 1 lần cho cả thời gian thuê”, với thời hạn SDĐ là 70 năm v.v...

Theo các quy định trên, với nhiều thay đổi về chính sách, từ chỗ bó hẹp (Cty PMH không được phép bán nhà ở), tới chỗ thông thoáng hơn (Cty PMH được bán nhà ở ), thì trách nhiệm nộp tiền SDĐ phải thuộc Cty PMH mới đúng quy định của luật pháp. Không thể vì lý do này khác mà máy móc cho rằng Cty PMH nộp 70% theo giá cũ và khách hàng phải nộp 30% theo giá đất hiện hành.

(Báo Lao Động)

  • Thị trường bất động sản Hà Nội rục rịch rớt giá
  • Kỳ vọng tăng giá !
  • Vì sao giá đất Hà Nội quá cao?
  • Nhà nước tăng giá đất, thị trường lại tụt?!
  • Đổi giấy tờ nhà đất cũ sang mới không cần nộp bản vẽ
  • Hà Nội, TPHCM: Giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2
  • Thực chất cơn sốt nhà đất mới ở Hà Nội
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!