Còn hơn 1 tháng nữa mùa cao điểm của thị trường bất động sản 2009 mới kết thúc, thế nhưng đến thời điểm hiện nay dường như chẳng còn hy vọng nào. Càng về cuối mùa cao điểm, các yếu tố bất lợi dồn dập đổ về.
Lãi suất tăng, bất động sản lĩnh đủ
Cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng có dấu hiệu càng về cuối năm càng “nóng”. Danh chính ngôn thuận thì lãi suất huy động vốn cao nhất hiện nay vẫn ở mức 10,49%/năm. Tuy nhiên, các ngân hàng lách bằng các hình thức khuyến mãi, thưởng... Trên thực tế, nếu cộng gộp các khoản thưởng, khuyến mãi.. vào thì lãi suất đã tiệm cận mức 12 %/năm. Theo đà tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng đã tăng đáng kể.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường bất động sản (BĐS), đối tượng đầu tiên bị tác động của cuộc đua lãi suất huy động vốn của các ngân hàng là thị trường BĐS. Một khi lãi suất cho vay lên trên mức 1,2%/tháng, trong điều kiện thị trường không có “sóng” chắc chắn sẽ chẳng có nhà đầu tư nào dám vay tiền ngân hàng để đầu tư vào BĐS trong mùa cao điểm.
Với những năm trước, khi thị trường đang còn sôi động, giá tăng đều đều thì việc vay ngân hàng với lãi suất trên 1% để đầu tư vào BĐS trong mùa cao điểm là chuyện chẳng có gì đáng ngại. Thậm chí, mùa cao điểm của thị trường BĐS năm 2007, lãi suất cũng khá cao nhưng do thị trường đang trong cơn sốt, giới đầu tư sẵn sàng vay với lãi suất thỏa thuận để đầu tư vào BĐS nhưng vẫn thắng lớn.
Trở lại với tình hình của thị trường BĐS tại TPHCM mùa cao điểm năm 2009, mặc dù mới bước vào mùa cao điểm nhưng do tình hình thị trường đang trong tình trạng ế ẩm, cung vượt cầu cộng với lãi suất ngân hàng tăng liên tục chắc chắn sẽ chẳng có một mùa cao điểm của thị trường BĐS như những năm trước. Thêm vào đó, thị trường vàng, ngoại tệ liên tục biến động trong thời gian qua đã khiến BĐS đã khó trong suốt cả năm 2009 lại càng thêm khốn đốn trong thời điểm cuối năm.
Trên thực tế, diễn biến của thị trường trong mùa cao điểm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy đang trong mùa cao điểm. PGĐ một Cty BĐS lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đón mùa cao điểm, Cty cũng đã tăng 100% kinh phí quảng bá cho một dự án chung cư cao cấp sắp chào hàng thế nhưng phản hồi của thị trường là không đáng kể. Bộ phận bán hàng ngồi chơi xơi nước, nhiều nhân viên gọi cả trăm cuộc điện thoại một ngày nhưng khách hàng thân thiết chẳng còn mặn mà với BĐS. Khác với các năm trước, mùa cao điểm của thị trường chiếm đến 60% doanh số của cả năm. Lương thưởng tết của cán bộ công nhân viên đều trông vào đây, thế nhưng năm nay chắc phải thắt lưng buộc bụng”.
Hết hy vọng
Khi được hỏi, liệu có hy vọng gì vào mùa cao điểm của thị trường BĐS năm 2009, ông Trần Văn Thành – TGĐ Cty Nhà Việt Nam, cho rằng: “Theo tôi tình hình khó khăn của thị trường BĐS vẫn còn kéo dài ít nhất đến giữa năm 2010. Bởi tình hình kinh tế mặc dù đang hồi phục, nhưng nhìn chung khó khăn vẫn đang ở phía trước. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính trong hoàn cảnh hiện nay không thể thực hiện được vai trò hỗ trợ cho thị trường BĐS”.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, trong tình hình thị trường BĐS đang khủng hoảng thừa căn hộ như hiện nay, giới đầu tư chùn tay không tham gia thị trường thì không có hy vọng nào cho thị trường BĐS không chỉ trong mùa cao điểm năm 2009 mà còn kéo dài trong khoảng thời gian ít nhất 3 năm tới.
Các chuyên gia cũng nhận định, thời kỳ hoàng kim của việc đầu tư lướt sóng trên thị trường BĐS đã qua và sẽ kéo dài ít nhất 5 năm. 5 năm là khoảng thời gian để thị trường BĐS tìm lại thế cân bằng giữa cung và cầu. Chỉ khi nào, nguồn cung và nhu cầu cân bằng hoặc cầu lớn hơn cung thì thị trường BĐS mới có nhu cầu thực sự sôi động trở lại như kịch bản của 2 năm 2006 - 2007.
Ở một góc nhìn khác, trong báo cáo mới nhất Cty nghiên cứu thị trường BĐS Vietree đưa ra một nhận định khá bi quan của thị trường BĐS. Theo đó, sức ép giảm giá đang bao trùm thị trường BĐS bởi tình trạng nguồn cung vượt nhu cầu. Không chỉ trong ngắn hạn mà trong vòng 3 năm tới, phân khúc BĐS nhà ở cao cấp gặp nhiều bất lợi bởi khách hàng của phân khúc này đang gặp khó khăn, do không tìm được đầu ra cho các khoản đầu tư lớn đã thực hiện trước kia.
(Báo Lao Động)