Tăng giá điện và xăng dầu
Chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 1%
(Bùi Trinh//Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị )
Từ 1.3, giá điện mới sẽ tăng 6,8% so với giá hiện hành. Ông Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, tính toán những ảnh hưởng đến giá sản xuất và tiêu dùng dưới tác động của việc tăng giá điện và hai lần tăng giá xăng trước đây. Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi thêm với các chuyên gia về tác động của việc tăng giá đối với nền kinh tế.
Từ 15.12.2009 đến 21.2.2010 giá xăng tăng hai lần. Lần đầu từ mức 15.950đ mỗi lít lên 16.400đ và lần sau tăng lên 16.990đ mỗi lít. Như vậy nếu tính từ giữa tháng 12 đến nay, giá xăng tăng trên 6%, mỗi đợt tăng khoảng trên 3%.
Tại cuộc họp báo chiều 22.2 vừa qua, bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc chủ trương tăng giá điện lên 6,8% áp dụng từ 1.3.
Bảng này chỉ ra những ảnh hưởng trực tiếp và lan toả đến giá sản xuất, giá tiêu dùng và GDP đối với hai kịch bản của tăng giá xăng dầu và điện |
Theo nghị định 84 về cơ chế điều hành giá xăng dầu có hiệu lực từ 15.12.2009, quyền tự quyết được trao cho các doanh nghiệp. Theo đó, khi xăng dầu tăng giá trên 7% thì cơ quan nhà nước mới cho phép sử dụng quỹ bình ổn, như vậy trong khoảng hơn hai tháng giá xăng dầu tăng hai lần và mỗi lần chỉ cách nhau trên dưới một tháng và mỗi lần cũng chỉ tăng khoảng hơn 3% để làm đúng quy định của Nhà nước.
Khuôn khổ bài viết này chỉ ra những ảnh hưởng đến giá sản xuất và giá tiêu dùng khi đồng loạt tăng giá những sản phẩm thiết yếu của cả sản xuất và tiêu dùng như xăng, giá điện.
Khi đầu vào là xăng, dầu và điện tăng giá sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm (giá của người sản xuất – PPI) của các sản phẩm khác trong nền kinh tế tăng, ảnh hưởng này là ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá đầu vào, thường ảnh hưởng này xảy ra nhanh sau một chu kỳ sản xuất, quay vòng khoảng 2 – 3 tháng sẽ hình thành giá mới.
Nhưng khi nền kinh tế sử dụng sản phẩm đã tăng giá của chu kỳ thứ nhất sẽ tăng giá một lần nữa, ảnh hưởng này được gọi là ảnh hưởng lan toả hoặc tổng ảnh hưởng của việc tăng giá điện và xăng dầu đến nền kinh tế như giá cả và GDP.
Nghiên cứu này chúng tôi sử dụng cấu trúc chi phí từ bảng cân đối liên ngành (input-output table) mới nhất của Việt Nam với các kịch bản (1) tăng giá xăng 3% và tăng giá điện 6,8% và (2) tăng giá xăng 6,5% (tăng từ 15.12.2009 so với 21.2.2010) và tăng giá điện 6,8%.
Với kịch bản 1 về tổng thể, chỉ số giá sản xuất (giá thành) do ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng các sản phẩm đầu vào là xăng dầu và điện sẽ tăng khoảng 0,23% và tổng ảnh hưởng đến tăng giá thành sản xuất khoảng 0,44% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,49%; ở kịch bản này GDP giảm 0,75%.
Kịch bản này cho thấy việc ảnh hưởng của tăng giá xăng từ tháng 1 đến nay chưa ảnh hưởng lắm về giá vì giá điện cũng chưa tăng và từ 14.1.2010 chỉ tăng so với 15.12.2009 khoảng 3%.
Nhưng đến 21.2.2010 tăng giá xăng dầu so với 15.12.2009 khoảng 6,5% mặc dù làm đúng quy định nhưng ảnh hưởng đến giá cả và GDP là không nhỏ. Đặc biệt là từ 1.3, điện cũng tăng giá 6,8%. Trong trường hợp này qua tính toán từ bảng cân đối liên ngành thì khoảng 2 – 3 tháng sau ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành chung của nền kinh tế vào khoảng 0,37% và ảnh hưởng lan toả (sáu tháng đến một năm sau) giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 0,97% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 1,07% do ảnh hưởng của việc đồng loạt điện và xăng dầu tăng giá và bất ngờ hơn nữa là việc này làm GDP giảm khoảng 1,44%.
Mức tăng CPI hơn 1% là rất lớn vì đó mới chỉ là ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, giá điện. Nếu tính toán thêm tác động của việc tăng tỷ giá và lãi suất cùng với yếu tố tâm lý của người dân thì lạm phát sẽ rất cao. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho trong năm 2009 sụt giảm mạnh (giảm tới 26,18% – Sài Gòn Tiếp Thị 11.1.2010) cũng sẽ tác động đến việc tăng giá hàng hoá trong tương lai vì một phần lớn hàng tồn kho là nguyên vât liệu – được mua ở giai đoạn giá thấp hơn.
Nếu tính đủ, tác động tăng giá còn cao hơn
(Huỳnh Phan phỏng vấn Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh // Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị )
Theo tôi, tính toán của tác giả Bùi Trinh theo mô hình Input-output (vào-ra) cho kết quả định lượng, đáng tin cậy tác động của việc nâng giá xăng ngày 21.2.2010 vừa qua và điện ngày 1.3.2010 đã cho những kết quả định lượng rõ ràng.
Tuy nhiên, tác giả chưa tính tác động của việc nâng giá nước sạch, giá than, điều chỉnh tỷ giá, chấm dứt các ưu đãi về thuế như thu thuế nhập khẩu và thuế môn bài với xe hơi… Nếu tính đủ các yếu tố trên, chắc chắn tác động tăng giá còn cao hơn, năng lực cạnh tranh bị giảm, và tăng trưởng GDP sẽ bị tác động tiêu cực. Giá xăng còn có thể tăng thêm nữa, sẽ phải tính bổ sung lần sau.
Theo kết quả tính toán này, cũng như dựa trên diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng 1 và 2, có thể dự báo CPI cả năm chắc chắn sẽ vượt mức dự kiến 7%. Còn vượt bao nhiêu sẽ phải tính toán thêm.
Theo ông, như vậy mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát sẽ ra sao? Liệu có phải hy sinh một trong hai mục tiêu này hay không?
Theo tôi, Chính phủ chắc vẫn ưu tiên tăng trưởng. Tuy nhiên, để tăng trưởng, Chính phủ phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư, coi trọng tiêu chuẩn hiệu quả trong đầu tư, và, nhất là thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
Cải cách và cơ cấu lại kinh tế phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất trên cơ sở thay đổi tư duy về tăng trưởng, từ bỏ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chuyển mạnh sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng. Khoa học – công nghệ và giáo dục đào tạo sẽ trở thành động lực lớn trực tiếp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Đặc biệt, việc chống tham ô, lãng phí phải đem lại kết quả cụ thể.
Khả năng tồn tại của doanh nghiệp thế nào khi nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục và chính sách hỗ trợ tín dụng ngắn hạn đã kết thúc?
Để tồn tại và cạnh tranh được trên thị trường thế giới với những nền kinh tế khác không chịu tác động như nước ta, các doanh nghiệp phải vận dụng khoa học – công nghệ, tổ chức lại sản xuất, bộ máy, và triệt để tiết kiệm. Khó khăn bao giờ cũng là cơ hội để cải cách và tổ chức lại sản xuất, phải có quyết tâm cao nhất để vượt qua. Doanh nghiệp phải thảo luận với người lao động để thực hiện các biện pháp cải cách, thậm chí kể cả những biện pháp đau đớn nhất với một bộ phận người lao động.
òn với việc chấm dứt gói kích cầu bằng tín dụng trợ cấp lãi suất (-4%), tôi cho là cần thiết. Bởi vì, trong khi hiệu quả của gói kích cầu đó chưa được khẳng định, thì hệ quả cho nền kinh tế đã bộc lộ rất rõ ràng. Chính sách tiền tệ – tín dụng cũng phải chuyển hướng theo hướng nâng cao hiệu quả, tức là siết chặt cho vay cho những “đại gia” ăn nhiều vốn, nhưng làm kém hiệu quả, ít tạo việc làm, và cấp tín dụng cho nông dân, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính phủ, trong câu chuyện chính sách, theo tôi, nên tránh đi từ thái cực này (tăng tín dụng một cách quá dễ dãi lên 38%) sang thái cực khác là đông cứng tín dụng, qua đó gây ra hạn chế thanh khoản tín dụng ngân hàng, khan hiếm thanh khoản ở doanh nghiệp và gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Theo dự đoán của ông, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ theo mô hình V hay W?
Quá trình phục hồi nền kinh tế từ suy giảm mạnh quý 1/2009 đã diễn ra từng bước, rất có thể sẽ có quá trình phục hồi không hoàn toàn theo chữ V mà là một chữ W với đường hồi phục chậm và có lên có xuống. Tất cả phụ thuộc vào nỗ lực và quyết tâm của Nhà nước, doanh nghiệp, và kể cả toàn dân.
Chú ý tác động tâm lý của việc tăng giá
(Hoàng Ngọc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A//Theo Báo Sài Gòn Tiếp Thị )
Theo quan điểm của ông, giữ lạm phát dưới một con số có khả thi hay không?
Ở đây, tôi chỉ muốn dừng ở câu chuyện lạm phát. Mức tăng thêm trong chỉ số giá tiêu dùng 1% là lớn, nếu tăng giá xăng, điện đúng như dự kiến. Đây là mức sẽ gây thêm, tính trên cơ sở giá sản xuất của doanh nghiệp.
Tính toán như vậy có cơ sở vững, nhưng mới chỉ tính cho giá sản xuất, chứ không phải cho giá tiêu dùng. Hơn nữa, tính toán này chỉ mới tính lan toả hai vòng, tức là mới đưa ra được một cận dưới. Nếu tính nhiều vòng thì chắc chắn còn cao hơn. Ảnh hưởng tâm lý, và các nguyên nhân khác chưa được tính đến sẽ rất phức tạp và CPI có thể rất cao.
Đây là vấn đề phức tạp, phi tuyến, và khi chỉ số giá tiêu dùng (hay kỳ vọng về lạm phát) vượt quá một ngưỡng nào đó (khó là không ai biết ngưỡng đó là bao nhiêu), thì vòng xoáy lạm phát sẽ khởi động. Theo tôi, nên tránh chạy theo tin “sốc”, xì căng đan, mà ít chú ý đến tác động tâm lý có thể gây ra bởi giới chuyên ngành vẫn nói đến hiệu ứng lời tiên tri tự nhiên thành sự thật (Self-fullingling prophecy). Khi ai cũng nghĩ lạm phát cao thì từ kỳ vọng lạm phát cao đó dẫn đến các hành vi gây lạm phát, để rồi lạm phát cao ắt sẽ xảy ra. Tâm lý xã hội hoang mang sẽ góp phần đẩy lạm phát vào vòng xoáy.
Thưa ông, trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Thoả, cục trưởng Quản lý giá, bộ Tài chính trên báo Tiền phong, lại cho rằng, việc quyết định tăng giá xăng và điện đã được Chính phủ cân nhắc, các cơ quan chức năng tính toán kỹ tác động đến lạm phát cũng như thời điểm tăng giá trong tháng 3 sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí đầu vào để có đối sách cạnh tranh thích hợp. Ông thấy thế nào?
Mới có hai tháng, mà CPI đã hơn 3% rồi, lại cộng thêm 1% theo tính toán của chuyên gia Bùi Trinh với độ trễ sẽ hiển hiện trong vài tháng nữa. Như vậy chỉ còn 3%, nếu muốn kiềm lạm phát ở 7% trong cả năm, rải ra trong mười tháng còn lại. Nếu bằng mọi biện pháp mà Chính phủ kiềm giữ lạm phát ở mức 9,999%, thì đó đã là một thành tựu kinh tế cực kỳ lớn trong năm nay rồi.
Tôi cũng đồng ý với ông Thoả trong việc để các doanh nghiệp phải tự bươn chải thôi, và phải tự tìm ra cách thích ứng. Chứ kêu ca ích gì, mà lại gây thêm hoang mang chung.
Có điều, các vị làm chính sách có thể tính sai nhưng đó là thực tế mà doanh nghiệp phải đối mặt. Tức là, doanh nghiệp phải lấy tất cả những cái đó như những điều kiện mà họ buộc phải năng động mà thích nghi. Thế mới là thị trường chứ!
Tăng giá: Bài toán khó của Chính phủ
(Nghĩa Nhân phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội // Theo báo Pháp Luật TP.HCM)
Trong lúc giá cả hàng hóa, tiêu dùng sau tết đang còn cao thì đồng loạt xăng dầu, điện, than được bật đèn xanh tăng giá. Vì sao có việc điều hành như vậy? Chính phủ gặp khó khăn gì?
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích: “Than, xăng dầu, điện là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên tăng giá sẽ ảnh hưởng nhiều. Nhưng ta cũng phải chấp nhận bởi kinh tế thị trường thì không thể để những mặt hàng quan trọng này nằm ngoài quy luật. Tâm lý của người dân, phản ứng của xã hội về việc tăng giá vừa qua cho thấy mặc dù chúng ta cố gắng điều hành kinh tế theo nguyên tắc thị trường nhưng với nhóm năng lượng thì vẫn chưa được thị trường lắm. Việc điều hành giá vẫn hơi thiên cưỡng”.
Lẽ ra đã tăng giá sớm hơn?
.
Tại sao phải chấp nhận, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Hoàng Anh: Năng lượng là lĩnh vực quan trọng, xương sống của nền kinh tế và cũng là đầu vào cho các hàng hóa, dịch vụ khác. Ta muốn đầu tư mạnh cho năng lượng, huy động các nguồn vốn cho năng lượng nhưng lại kìm giá đến dưới giá thành thì không thể thu hút được. Ai cũng biết điện rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài nhưng khống chế giá bán thấp quá nên đâu có ai vào?
Chưa kể việc bao cấp giá với than, điện hiện nay và xăng dầu trước kia là kiểu bao cấp tràn lan, không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hợp lý. Thậm chí mặt hàng than còn dẫn tới tiêu cực, trục lợi. Khống chế giá than bán cho điện, xi măng dưới giá thành khiến khó kiểm soát được lượng tiêu thụ thực tế bao nhiêu và bao nhiêu bị đẩy ra ngoài bán kiếm lời.
.Đẩy năng lượng vào vận hành theo cơ chế thị trường cần thiết như vậy thì tại sao không tiến hành sớm hơn, mà lại để lúc nền kinh tế vừa vượt qua khủng hoảng lại tăng giá?
+ Từ năm 2007, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về việc chấm dứt bao cấp giá với xăng dầu, than, điện rồi. Nếu ta thực hiện ngay được lúc ấy thì tốt nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới lại ập tới, rồi lạm phát trong nước lên mức cao nên phải hoãn lại.
Tuy nhiên, kinh tế trong nước mới vượt qua đáy, còn nhiều khó khăn, mà tăng giá ngay thế này thì đúng là cũng có thể gây tâm lý bất ổn.
“Nên chia sẻ với Chính phủ”
. Chuyên theo dõi công tác điều hành giá của Chính phủ, ông có nghĩ việc tăng giá xăng dầu và vài ngày nữa là điện có quá bất ngờ không?
+ Tôi không nghĩ là bất ngờ. Vấn đề chuyển sang cơ chế thị trường với những sản phẩm này bàn bạc đã lâu rồi, cũng đã công khai và báo chí nói tới nhiều. Xăng dầu thì từ cả năm trước đã rục rịch tăng giá. Cơ chế điều hành giá điện cũng ban hành và công bố đã lâu… Cho nên với doanh nghiệp thì không có gì là bất ngờ cả. Đầu vào tăng thì đầu ra tăng thôi. Còn với người dân thì sau tết giá hàng tiêu dùng còn đắt đỏ, thế mà xăng dầu, điện lại tăng tiếp thì chắc không tránh khỏi “xao xuyến”.
Tôi nghĩ mọi người và cả Quốc hội cũng vậy, nên chia sẻ khó khăn với Chính phủ.
. Nhưng tăng giá như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo, vùng khó khăn. Làm thế nào hạn chế tác động đó?
+ Theo tôi biết thì phương án tăng giá điện của Chính phủ đã tính tới đối tượng này. Như thế, đối tượng này sẽ ít bị ảnh hưởng… Ngoài ra, trong lộ trình thị trường hóa các sản phẩm, dịch vụ quan trọng sẽ đồng thời phải xây dựng các chính sách đồng bộ về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ những địa phương còn khó khăn.
Tăng trưởng và kềm lạm phát: Chỉ có thể chọn một
. Hai tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã hơn 3%, nay lại thêm cú tăng giá xăng dầu, điện thì liệu có khó đạt chỉ tiêu lạm phát cả năm không quá 7% mà Quốc hội giao, thưa ông?
+ Vấn đề này, mấy ngày qua các nhà kinh tế đã dự báo rồi. Trong tình hình nền kinh tế thế này mà cho tăng giá thì chắc chắn chỉ tiêu CPI sẽ bị ảnh hưởng. Đánh giá đó là có cơ sở.
. Có vẻ như Chính phủ đang đứng trước bài toán khó?
+ Đúng. Để thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất ngay sau khủng hoảng, vừa rồi Chính phủ đã điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ theo hướng làm giảm giá tiền Việt. Cũng để thu hút đầu tư vào năng lượng, hạn chế bao cấp tràn lan thì giá xăng dầu đã được thả theo cơ chế thị trường, giá than, điện cũng được điều chỉnh sát với thị trường hơn. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đang bị thắt chặt lại để kéo lạm phát xuống, nay lại nới rộng lên mức 25%-30% để thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Tất cả đều gây sức ép tới chỉ số giá tiêu dùng.
. Và với diễn biến như vậy, Chính phủ đang nghiêng về mục tiêu tăng trưởng hơn là giữ lạm phát ở mức Quốc hội đề ra?
+ Chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu sau khủng khoảng nên tăng trưởng nhanh là cần thiết. Giờ mà ta hạn chế tín dụng, không nới lỏng đồng nội tệ, không cho tăng giá… thì chắc chắn sẽ kìm hãm nền kinh tế. Hai lựa chọn, buộc phải chọn một thôi nhưng phải cố điều hành hợp lý để lạm phát ở được mức thấp nhất.
. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có dự kiến giám sát sát sao hơn việc điều hành giá của Chính phủ?
+ Chúng tôi vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường. Khi cần thiết, ủy ban sẽ báo cáo, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham gia thêm với Chính phủ. Chúng tôi đang lên kế hoạch khảo sát thị trường các mặt hàng thiết yếu, đánh giá lại tình hình phân phối hàng hóa, dòng chảy lưu thông sau ba năm gia nhập WTO.
Cho vay theo lãi suất thỏa thuận:
Bật 'đèn xanh' tăng lãi suất
(Hà Phan// Theo báo Tiền Phong)
Ngay sau khi giữ nguyên lãi suất cơ bản (LSCB), Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng.
Trong lúc nhiều ngân hàng (NH) vui ra mặt với thông tư này thì nhiều doanh nghiệp (DN), khách hàng có nhu cầu vay vốn đang đối mặt với lãi suất tăng vọt trong thời gian tới, và lạm phát như có thêm một lực đẩy…
Lãi suất sẽ tăng mạnh
Không chỉ được bật đèn xanh để tăng lãi suất huy động, cho vay mà không cần tăng LSCB, qua thông tin trên hàng loạt NH có thể sẽ hợp thức hóa được nhiều nguồn vay cao hơn lãi suất trần bằng cách thu các khoản phí như lâu nay.
Lấy lý do lãi suất trần cho vay bằng 150% LSCB (12%/năm) và lãi suất huy động không quá 10,5% khiến giá vốn vay cao hơn lãi vay, nhiều NH đã bó hẹp đối tượng được vay. DN đói vốn, khách hàng cá nhân bó tay, NH chờ NH Nhà nước nâng lãi suất và cuối cùng họ đã toại nguyện.
TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng (Việt kiều Mỹ - hiện giảng dạy tại TPHCM) nhận định thông tư trên sẽ góp phần khơi thông dòng chảy của nguồn vốn, nhưng đồng thời sẽ gây sức ép mạnh lên lạm phát và đẩy nhiều DN vào thế phải vay vốn giá cao, kéo theo giá thành sản phẩm, chi phí sẽ tăng và giá cả nhiều mặt hàng sẽ lên theo.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Tổng GĐ Cty Xây dựng Minh Quang (Gò Vấp – TPHCM) tỏ ra lo ngại lãi suất vay cao như giữa năm 2008 sẽ lại tái diễn.
Ông Quang nói, nếu phải vay với lãi suất thỏa thuận trên 15%/năm thì làm ăn rất khó khăn và lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Lo ngại trên không phải không có cơ sở, khi mà nhiều NH đang cho vay lãi suất thỏa thuận các khoản vay tiêu dùng với mức 16-20%/năm.
Khó khăn với lãi suất mới
Một chuyên gia kinh tế khẳng định, NH chỉ chờ thông tư này để tăng lãi suất, và họ không có lý do gì để không thực hiện ngay trong những ngày tới, khi họ đang nắm tiền còn DN thì đói vốn.
Nhiều ý kiến còn lo ngại một cuộc đua lãi suất mới sẽ nóng ngay từ đầu tuần sau, và lần này có thể còn căng thẳng hơn năm 2008 vì được thỏa thuận.
Nhiều lãnh đạo DN cho hay, mang tiếng là thỏa thuận nhưng thực tế NH đưa ra mức lãi nào, DN phải đồng ý mức lãi ấy, bởi khó có lựa chọn nào khác.
Biện minh cho lãi suất thỏa thuận, không ít người cho rằng lãi cao sẽ khiến DN cân nhắc khi vay đầu tư vào các dự án và tìm nguồn huy động vốn khác như bán trái phiếu, cổ phần, huy động từ CB CNV…
Tuy nhiên, một khi NH tăng lãi suất thì chắc chắn các nguồn trên cũng khó mà giữ mức lãi suất dễ chịu hơn hoặc chảy vào DN với giá rẻ. Chưa kể nhiều DN được hỗ trợ lãi suất trong năm 2009 nay phải vay với lãi suất mới sẽ gặp không ít khó khăn.
Trả lời PV Tiền Phong chiều 26-2 về việc khi nào NH sẽ tăng lãi suất, lãnh đạo nhiều NH từ chối cho biết thời gian cụ thể.
Phó Tổng GĐ một NH thương mại tiết lộ NH ông đã chuẩn bị kế hoạch tăng lãi suất từ ngay đầu tháng 2-2010 khi tin về dự thảo thông tư trên lan truyền, và nếu không có gì thay đổi thì lãi suất sẽ tăng từ 1-3-2010.
Từ nhiều năm nay, để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế, Nhà nước luôn lấy LSCB làm van điều chỉnh để kìm hãm các NH tăng, chạy đua lãi suất. Có NH đã bị phạt và cán bộ NH mất chức bởi dám vượt qua rào cản này.
Đổi lại, DN và khách hàng cá nhân đã dễ thở hơn. Nay thì mọi việc đã thay đổi theo hướng có lợi hơn cho các NH, còn khách hàng và nhiều DN chắc chắn sẽ rất vất vả trong thời gian tới khi lãi suất tăng vọt.
( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com