Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các nước đồng loạt lên kế hoạch chống khủng khoảng

Hàng loạt ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới từ Tokyo tới Luân Đôn đã lên kế hoạch để chống đỡ với nguy cơ khủng hoảng châu Âu lan rộng.

Anh có lẽ là nước đi đầu trong việc chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng toàn diện tại châu Âu. Ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Hy Lạp, Thống đốc Ngân hàng Anh BoE Mervyn King nói Anh đã triển khai kế hoạch cung cấp đợt cấp vốn giá rẻ trong trung hạn cho các ngân hàng nước này nhằm khuyến khích hoạt động cho vay tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong một tuyên bố ngày 14.6 vừa qua, Ngân hàng Anh cho biết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 100 tỷ bảng Anh (155 tỷ USD) cho các ngân hàng với lãi suất chỉ 0,75% nhằm bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nước này.

 

Tung tiền để mua niềm tin

"Ngân hàng trung ương cần phải đảm bảo được khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong những tình huống khẩn cấp", King nói. Theo vị Thống đốc này cuộc khủng hoảng tại Eurozone đã gây ra khủng hoảng niềm tin tại Anh khiến bức tranh tăng trưởng của xứ sở sương mù trở nên u ám. Gói tiền kích thích tăng trưởng đầu tiên sẽ được triển khai vào cuối tháng 6 này, BoE cũng lên kế hoạch bơm mỗi tháng 5 tỷ bảng trong vòng 6 tháng liên tiếp nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ ngày 14.06.12 cũng đã lên tiếng trấn an thị trường nhằm bảo vệ đồng Franc Thụy Sỹ không lên giá. Bộ Ngân khố của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đảm bảo rằng Washington đã chuẩn bị sẵn một gói giải pháp và sẵn sàng duy trì niềm tin của thị trường. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngân khố phụ trách quan hệ đối ngoại của Mỹ Lael Brainard cho biết mọi thứ đã sẵn sàng để đón nhận những biến động tại châu Âu, đặc biệt là với trường hợp của Hy Lạp.

Ở khu vực châu Á, một quan chức ngoại giao và chuyên gia tài chính của Nhật là Takehiko Nakao đã cảnh báo giới chức Tokyo cần sẵn sàng ứng phó với làn sóng rút tiền nhằm bảo vệ tài sản của mình, động thái tiêu cực này có thể sẽ đẩy đồng Yên lên cao.

Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Darmin Nasution cho biết, các biện pháp ứng phó cần thiết đã sẵn sàng trong trường hợp cuộc khủng hoảng ở châu Âu diễn biến theo chiều hướng xấu. BI sẽ tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường để đáp ứng nhu cầu mua chứng khoán nhà nước trên thị trường thứ cấp và áp dụng một số công cụ giao dịch ngoại tệ khác nhằm ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ rupiah.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đã chuẩn bị các biện pháp tiền tệ và tài chính cần thiết để bảo vệ Ấn Độ trước các cú sốc từ eurozone. Các biện pháp được tính đến gồm có hạ lãi suất, giảm số tiền mà các ngân hàng phải gửi tại Ngân hàng Trung ương (hiện nay tỷ lệ đặc cọc tại ngân hàng Trung ương là 4,75%), cho phép các cho các công ty vay tiền nhiều hơn.

Các quan chức của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 đang nhóm họp tại Mexico cũng cho biết ngân hàng trung ương nhiều nước đang chuẩn bị để triển khai những bước đi nhằm ổn định thị trường tài chính và nếu cần thiết sẽ cung cấp thanh khoản cho thị trường, ngăn chặn tình trạng đóng băng tín dụng.Bởi tình hình chính trị tại Hy Lạp hiện nay vẫn rất mong manh. Mặc dù đảng Dân chủ Mới ủng hộ gói cứu trợ đã dành chiến thắng song không có nghĩa tất cả người dân Hy Lạp đã sẵn sàng chấp nhận những điều kiện quá khắt khe đi kèm với thỏa thuận cho vay 130 tỷ euro của châu Âu.

Nhiều chuyên gia vẫn dự đoán khả năng ra khỏi Eurozone của Hy Lạp trong vòng 18 tháng tới vẫn ở mức 50%-75%.Triển vọng đó có thể đẩy các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu như Italia, Tây Ban Nha bị sụp đổ. Chi phí vốn vay của Madrid đã lên tới 7% vào cuối tuần vừa qua và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chủ tịch của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB Mario Draghi cho biết ECB đã sẵn sàng cung cấp tiền để cứu các ngân hàng trong trường hợp cần thiết, một kế hoạch nhằm tránh tình trạng đóng băng tín dụng như đã từng xảy ra sau vụ đổ vỡ ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 đã được ECB soạn thảo.

"ECB đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng có sức khỏe tương đối tốt, duy trì sự ổn định giá cả thị trường trong trung hạn. Đó là điều mà chúng tôi đã làm trong suốt cuộc khủng hoảng và sẽ tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới", ông Draghi nói. Ông cũng cho biết hiện nay không quốc gia Eurozone nào phải đối mặt với nguy cơ lạm phát, điều mà các ngân hàng lo lắng nhất.

Kế hoạch táo bạo của người Pháp

Trong khi đó, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề xuất một kế hoạch tham vọng xoay quanh 3 giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực gồm: tăng trưởng, ổn định tài chính và tăng cường liên minh tiền tệ.

Về tăng trưởng, theo ông cần huy động toàn bộ nguồn lực của EU, như tăng vốn của Ngân hàng đầu tư châu Âu nhằm tài trợ cho các dự án tư nhân lớn, chuyển nguồn vốn hỗ trợ chưa được sử dụng sang hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho thanh niên. Các giải pháp này có thể huy động được tới 100 tỷ euro, đồng thời sẽ có thêm nguồn thu khác phục vụ tăng trưởng từ việc áp dụng thuế giao dịch tài chính.

Để ổn định nền tài chính, ông Hollande đề xuất thiết lập rào chắn giữa Nhà nước và ngân hàng nhằm tránh tái diễn tình trạng như ở Tây Ban Nha vừa qua nhờ vào việc thành lập một liên minh ngân hàng và hạ bớt tiêu chí can thiệp của Cơ chế ổn định châu Âu (sẽ thay thế Quỹ ổn định tài chính hiện nay) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7 tới để hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn. Cơ chế này sẽ hoạt động như một ngân hàng đặt dưới sự giám sát của ECB, đồng thời lập quỹ bão lãnh tiền gửi châu Âu phòng trường hợp ngân hàng bị phá sản.

Ý tưởng thành lập một liên minh tiền tệ có lẽ không phải là mới tuy nhiên ông Hollande có một đề xuất khá mạnh dạn là trong ngắn hạn muốn thay thế Eurobond gây tranh cãi bằng Eurobills và lập một quỹ mua nợ để mua lại tất cả các khoản nợ vượt quá 60% GDP các nước trong Eurozone.

Kế hoạch trên của người Pháp đã được Italia ủng hộ, tuy nhiên lại vấp phải sự phản ứng rất gay gắt từ "bà đầm thép" Merkel, bà nói Đức "không dễ dàng tin vào những ý tưởng như eurobonds". Đức ủng hộ bức tường lửa giữa Nhà nước và Ngân hàng nhưng không muốn sử dụng ECB như một ngân hàng và các quỹ hỗ trợ ngân hàng chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, không đưa lên thành quỹ chung của châu Âu. Kế hoạch này sẽ tiếp tục được lãnh đạo châu Âu thảo luận sau khi hội nghị G20 kết thúc và hy vọng những các nước sẽ có đủ quyết tâm và sự đồng thuận cần thiết để đưa Eurozone khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo A Vũ

VEF

------------
 

Kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng u ám hơn

Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu có vẻ đang có chiều hướng u ám hơn.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhận định này là do sự làm ăn ngày càng khó khăn hơn của khu vực kinh tế tư nhân thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đà phục hồi không vững chắc của nền kinh tế Mỹ cộng với tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. 
 
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn kết quả thăm dò của hãng tin Reuters, công bố ngày 21/6, cho biết tháng Sáu vừa qua là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động kinh tế nói chung của Eurozone bị sụt giảm, tác động mạnh tới hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp. 
 
Chỉ số sản xuất và dịch vụ của Eurozone trong suốt chín tháng qua đều dưới mức 50%, trong đó tháng Năm và tháng Sáu là 46,0% và 45,5%. Thực trạng này đang gây áp lực nặng nền hơn thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải có thêm các hành động để hỗ trợ kinh tế khu vực phát triển.
 
Chuyên gia kinh tế Peter Dixon thuộc Commerzbank nhận định: “Chúng ta đang ở trong thời điểm mà nền kinh tế đang ngày càng bị mất đà và rất khó khăn. ECB sẽ phải có thêm hành động, trong đó có thể có việc cắt giảm lãi suất.” 
 
Hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc đến tháng Sáu vừa qua là tháng thứ 6 liên tiếp bị sụt giảm, do đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý hai của Trung Quốc dự báo sẽ là quý thứ 6 liên tiếp bị giảm, có thể chỉ đạt mức tăng 7%. 
 
Xu hướng xấu hơn của nền kinh tế châu Âu và sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 20/6 đã quyết định kéo dài chương trình "Operation Twist," theo đó tiếp tục mua trái phiếu dài hạn ít nhất cho tới cuối năm 2014 để khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu. FED cũng tuyên bố sẽ có thêm hành động nếu tình hình châu Âu diễn biến theo hướng nghiêm trọng hơn.
 
Ngân hàng đầu tư PMorgan Chase mới đây cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 3 xuống 2%, thay vì 3% như dự báo trước đây và tốc độ tăng GDP cả năm 2012 có thể chỉ đạt 2,1% so với dự báo 2,3% trước đây.
 
Theo TTXVN


-------------------------
 

G20: Thượng đỉnh "nóng" trên mọi hồ sơ

So với năm ngoái, lần này Thượng đỉnh G20 tại Los Cabos (Mehico) đạt được một số thỏa thuận cụ thể hơn. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, khó có thể tin vào phép mầu nào có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, vừa giải quyết được khủng hoảng nợ khu vực Eurozone trong một thời gian ngắn.

Đây là Thượng đỉnh thứ 7 của các nguyên thủ đến từ 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất và Liên minh Châu Âu (EU). Từ EU 4 quốc gia có mặt là Anh, Pháp, Đức, Ý; từ Đông Nam Á chỉ có một thành viên duy nhất là Indonesia. Tuy nhiên, lợi ích và lập trường của các nhóm trong G20 rất khác nhau. Từ ba năm trở lại đây ít nhất có thể nhìn thấy sự hình thành bốn nhóm có quan niệm không giống nhau về các vấn đề của thế giới. Đó là bộ Tam (Mỹ-EU-Nhật Bản), bộ Tứ BRIC (Brasil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), nhóm các nước trung bình và các tổ chức quốc tế.

Lựa chọn được mô hình phát triển

Nhóm họp tại khu du lịch sang trọng Los Cabos ở Mehico, các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bày tỏ sự quan tâm về chiều hướng của nền kinh tế Châu Âu. Sau cuộc họp với Tổng thống chủ nhà Mehico Felipe Calderon, Tổng thống Obama đã cùng với các nhà lãnh đạo khác thúc giục Châu Âu thực hiện kế hoạch để giải cứu khủng hoảng nợ và khủng hoảng ngân hàng. Tổng thống Obama nói: "Âu Châu được chú ý rất nhiều. Và như chúng tôi đã bàn bạc với nhau, bây giờ chính là lúc để bảo đảm là tất cả các nước cùng nhau thực hiện những việc cần thiết để ổn định hệ thống tài chính thế giới".

Tại G20 lần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận được nhiều đóng góp hơn dự kiến. Khoảng 40 nước đã hứa đóng góp cho IMF số tiền lên đến 456 tỉ đô la, làm tăng gần như gấp đôi khả năng cho vay của định chế quốc tế này. Được xem như bức tường vững chải nhất chống lại sự lây lan của cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro, IMF đã thắng lớn trong hội nghị vừa qua. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde phấn khởi cho biết, số tiền được hứa hẹn trên đây "làm tăng gần gấp đôi khả năng cho vay". Các nước khu vực đồng euro và 23 quốc gia thành viên khác đóng góp những số tiền cụ thể. Trung Quốc hứa hỗ trợ 43 tỉ đô la, Nga 10 tỉ đô la, nước chủ nhà Mehico trước đây đứng ngoài, nay cũng tham gia.

Theo Tuyên bố chung sẽ được đưa ra vào lúc kết thúc hội nghị, các nước G20 nhấn mạnh: "Số tiền này sẽ được dành cho tổng thể các thành viên IMF chứ không riêng cho một khu vực nào. Nỗ lực này cho thấy sự cam kết của cộng đồng quốc tế và của G20 nhằm tiến hành những biện pháp cần thiết để ổn định nền tài chính thế giới". Trong số 456 tỉ đô la trên, IMF có thể cho các quốc gia thành viên vay thêm 380 tỉ, số còn lại làm quỹ dự phòng. Tuy nhiên IMF không nhận được toàn bộ số tiền hỗ trợ này ngay lập tức. Tại một số nước, cần phải được Quốc hội thông qua.

Một trong các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Obama, Thứ trưởng Bộ Tài chánh Lael Brainard cho báo chí biết rằng, Hoa Kỳ muốn có một sự phúc đáp của Châu Âu trong nay mai. Bà Brainard nói: "Chúng tôi không trông đợi Âu Châu sẽ có quyết định trước khi các nhà lãnh đạo khối Euro họp thượng đỉnh vào cuối tháng Sáu, nhưng chúng tôi muốn thấy một đường hướng rõ rệt sau cuộc hội nghị ở Los Cabos này". Bà Brainard nói thêm, Hoa Kỳ hy vọng đường hướng đó sẽ nhắm tới việc thực hiện thêm các dự án để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Âu Châu.

Vẫn còn những cách biệt về quan điểm

G20 nắm giữ hơn 80% sản lượng thế giới thống nhất sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc kích thích tăng trưởng và tạo việc làm, thay vì tập trung vào việc cắt giảm ngân sách theo các chương trình "thắt lưng buộc bụng" bị nhiều nước phản đối. Hoa Kỳ đã thúc giục Trung Quốc và Đức kích thích chi tiêu để giúp cải thiện kinh tế thế giới. Quyết định của đa số tại Thượng đỉnh vừa qua đã đặt Đức vào thế đơn độc. Những tranh cãi về chính sách kinh tế giữa Hoa Kỳ và châu Âu không chỉ tác động tức thời tới các nền kinh tế quốc gia và toàn cầu, mà còn phản ánh sự bất đồng sâu sắc của giới hoạch định chính sách trong khuôn khổ thời kỳ "hậu khủng hoảng".

Trong các vấn đề quốc tế lớn, nổi cộm nhất là quan điểm đối với cuộc khủng hoảng ở Syria. Cuộc họp được chú ý nhiều nhất của ông Obama là cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga kể từ khi ông Putin quay lại giữ chức tổng thống. Sau cuộc họp kéo dài 2 giờ đồng hồ, dư luận vẫn chưa biết rõ phải chăng ông Obama đã thuyết phục được ông Putin để nhà lãnh đạo Nga gây áp lực đòi Tổng thống Assad từ chức.

Tổng thống Obama nói: "Chúng tôi đồng ý với nhau rằng chúng tôi muốn thấy bạo động chấm dứt và một tiến trình chính trị được thiết lập để ngăn chận một cuộc nội chiến và để chấm dứt tình trạng chết chóc mà chúng ta đã chứng kiến trong mấy tuần nay". Nhà lãnh đạo Nga rất kiệm lời tại cuộc họp báo này và rất ít khi nhìn thẳng vào ông Obama. Ông Putin cũng không nói gì nhiều về vấn đề Syria. Ông chỉ tuyên bố là ông và ông Obama đã tìm ra "những điểm chung" về vấn đề Syria và các vấn đề khác.

Nhà quản lý chiến lược của Oxfam Price Thomas từng khẳng định: lãnh đạo G20 nhất thiết phải theo đuổi tăng trưởng kinh tế ở cả khu vực phát triển lẫn đang phát triển: "Từ năm 2009 họ đã nhiều lần hứa sẽ mang lại tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân đối. Và họ cũng nhiều lần thất bại trong việc thực thi cam kết đó". Những nước nghèo đã không còn năng lực tài chính để bảo vệ mình khỏi khủng hoảng toàn cầu do những nước giàu gây ra. Ảnh hưởng của khủng hoảng là rõ ràng. Dòng vốn đổ về những nước đang phát triển tụt xuống gần 140 tỉ đô la trong năm vừa rồi, trong khi viện trợ từ những nước lớn giảm lần đầu tiên trong 14 năm, xuống còn hơn 3 tỉ đô la/năm./.
------------
Tác giả: Mai Hương // Nguồn: Tuần Việt Nam


 

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
  • Hiệu ứng Domino từ khủng hoảng ngân hàng Tây Ban Nha?
  • Lạm phát 2012 sẽ “thấp một cách kỳ lạ”
  • 'Chuyên gia tận thế' lo bão kinh tế đổ bộ vào 2013
  • Lạm phát tháng 4 thấp, tín hiệu không bình thường
  • Phập phù GDP và ổn định vĩ mô
  • Khủng hoảng châu Âu: Sự thật sau những con số
  • Ernst & Young: Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu về GDP và lạm phát
  • Tồn tích lạm phát cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!