Ngày 20/2 vừa qua, Chính phủ Liên minh 4 đảng trung hữu của Latvia sụp đổ, trở thành chính phủ thứ hai ở châu Âu, sau Chính phủ liên minh của Thủ tướng Iceland Geir Haarde, tan vỡ do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự sụp đổ của Chính phủ Liên minh của Thủ tướng Latvia, ông Ivars Godmanis, được khởi nguồn từ cách đây một tháng rưỡi, khi khoảng 1.000 người dân biểu tình ở thủ đô Riga đòi giải tán Quốc hội và phản đối Chính phủ vì những yếu kém trong điều hành dẫn đến kinh tế sa sút nhanh chóng. Năm 2008, đất nước vùng Baltic này đã phải viện tới sự cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với khoản tiền khá lớn: 7,5 tỉ euro (tương đương 9,43 tỉ USD).
Thế nhưng, khoản tiền khổng lồ này cũng không đủ để cứu vớt uy tín cho Chính phủ của ông Ivars Godmanis. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) tháng 1/2009 của Latvia giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2008 và Bộ Tài chính nước này dự báo kinh tế năm nay có thể tiếp tục giảm tới 12%. Tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Để cứu vãn nền kinh tế đang trong tình trạng suy giảm, Chính phủ Latvia còn phải dùng tới biện pháp hoãn trả lương cho những đối tượng hưởng lương theo ngân sách và tăng thuế. Điều này gây nên sự bất mãn trong dân chúng. Và các cuộc biểu tình khiến Chính phủ liên minh của Thủ tướng Ivars Godmanis phải từ chức.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, Latvia là nước thứ hai sau Iceland phải đối mặt với khủng hoảng chính trị xuất phát từ suy thoái kinh tế. Khủng hoảng kinh tế đã và đang trở thành nguyên nhân biểu tình tại nhiều nước châu Âu.
Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2009, giảm từ mức dự báo 2,2% vào tháng 11/2008. Còn Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo năm 2009, thế giới có thể mất đi 51 triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên mức 7,1% vào cuối năm. |
Tại Litva, tình hình cũng trở nên căng thẳng khi ngày 16/1, hàng nghìn người biểu tình trước tòa nhà Quốc hội để phản đối chính sách cắt giảm phúc lợi xã hội của Chính phủ.
Còn tại Pháp, kể từ cuối tháng 1/2009, đã có hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ với sự tham gia của hơn 2,5 triệu người, kêu gọi Chính phủ hành động để ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và mạng lưới an sinh xã hội xuống cấp báo động. Mới đây, 8 công đoàn lớn ở Pháp đã kêu gọi tiến hành cuộc tổng bãi công trên toàn quốc vào ngày 19/3 tới.
Tại nhiều nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Hy Lạp cũng phải đối mặt với những cuộc biểu tình lớn phản đối cách thức xử lý vấn đề kinh tế và an sinh xã hội. Mới đây nhất, ngày 21/2, tại thủ đô Dublin của Ireland, hơn 120.000 người đã xuống đường biểu tình phản đối cách điều hành của Chính phủ.
Tại Nhật Bản, tuy không có biểu tình nhưng tỉ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Taro Aso trong dân chúng đang sụt giảm nghiêm trọng - chưa tới 20% - mức thấp nhất đối với một nội các Nhật Bản trong vòng 8 năm qua. Nguyên nhân chính xuất phát từ tình hình kinh tế nước này đang suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tân Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ (NIA) Dennis Blair, trong báo cáo công bố ngày 12/2, nhận định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế còn tiếp tục làm cho 1/4 số nước trên thế giới lâm vào tình trạng bất ổn.
Ý thức được những hiểm hoạ từ cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ các nước đã tung ra những gói kích cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm cứu vãn kinh tế. Nhưng hồi âm tích cực từ các gói cứu trợ chưa thấy đâu, thì việc mạnh ai nấy lo cùng với chính sách thuế quan, trợ giá và bảo lãnh tài chính của các Chính phủ đã lộ ra mặt trái của nó.
Đó là nguy cơ bóng ma “bảo hộ” quay trở lại, phần nào đó đang tạo ra các rào cản thương mại, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không bình đẳng với những nước nghèo hơn. Chính điều này khiến cho cuộc họp G7 hay Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa qua mang lại dư âm là nỗi thất vọng, bởi chưa tìm ra được một giải pháp tổng thể và lâu dài cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn trầm trọng.
Nguy cơ bất ổn chính trị - xã hội vẫn tiềm ẩn bởi những người làm công ăn lương, những người nghèo hiện chiếm số đông trong xã hội và họ chính là những nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay./.
( Theo VOV)
Bài thuộc chuyên đề: Khủng hoảng kinh tế - Việc làm - Thất nghiệp
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com