Nếu CPI tháng 3 tăng khoảng 1%, thì khả năng kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức 7% là khá khó khăn |
Theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng như liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, nếu xét về con số, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm tăng 3,35% không có gì là đột biến, nếu đặt trong cả dãy số thống kê về CPI 2 tháng đầu năm của 7 năm trở lại đây (tương ứng năm 2003 là 3,1%, tiếp theo là 4,1%; 3,6%; 3,3%; 3,2%; 6,02% và 1,49%).
Trên thực tế, đây cũng là điều được các chuyên gia nhắc tới thời gian gần đây. Ngoại trừ hai năm 2008-2009 bối cảnh nền kinh tế có những yếu tố đặc biệt, thông thường, hai tháng đầu năm đều trùng với dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên CPI tăng theo là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra trong lúc này chỉ là, liệu tháng 3/2010, CPI sẽ diễn biến ra sao, bởi theo quy luật, chỉ số này sẽ quyết định xu hướng CPI cả năm.
Các cảnh báo của các chuyên gia cho thấy, nếu CPI tháng 3 tăng khoảng 1%, thì khả năng kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức 7% là khá khó khăn. Thừa nhận khó khăn này, ông Lê Đức Thúy cho biết, đó cũng chính là lý do vì sao Chính phủ đã phải dành hẳn một ngày để thảo luận về vấn đề tái lạm phát. Kết quả, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bộ Tài chính, nhiều khả năng CPI tháng 3/2010 sẽ tăng cao hơn các năm, tương ứng là 1%; 0,5-1% và 0,5-0,75%.
“Tuy nhiên, kể cả khi CPI tháng 3 ở mức 0,5-1% thì CPI quý I cũng chỉ tăng khoảng 4%”, ông Thúy nói và phân tích về mối tương quan giữa CPI 2 tháng đầu năm và CPI của cả năm. “Trong 7 năm qua, ngoại trừ năm 2003 là năm lạm phát thấp, CPI 2 tháng đầu năm thường chiếm khoảng 40-50% mức tăng giá của cả năm. Do vậy, CPI cả năm 2010 có thể ở mức 8-9% nếu điều hành không tốt, nhưng cũng có thể nó sẽ gần hơn với mục tiêu Quốc hội đề ra. Mục tiêu Quốc hội đặt ra là có khả năng thực hiện và Chính phủ quyết tâm đạt được mục tiêu đó”, ông Thúy nói.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cách đây chưa lâu, ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, lạm phát năm nay ở mức bao nhiêu là phụ thuộc vào điều hành của Chính phủ. Nhận định tương tự cũng được ông Thúy đưa ra. “Khó kiềm chế ở mức 7%, chứ không phải là không thể. Tất cả là do điều hành mà ra”, ông Thúy nhấn mạnh
Đáng mừng là những thông tin gần đây cho thấy, Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ cũng đã nhấn mạnh, phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, không được để lạm phát quay trở lại. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi trao đổi với báo giới cũng đã nhắc vấn đề lạm phát tâm lý.
Tuy vậy, không thể không thừa nhận, các yếu tố tiềm ẩn lạm phát là có thật. CPI 2 tháng đầu năm, cũng như ít nhất tháng 3 này tăng cao, được cho là do trong thời gian ngắn vừa qua, có tới 5 lần tăng giá xăng liên tục, tăng giá điện và giá than cho hộ sản xuất điện… Cộng với đó, do công tác quản lý thị trường chưa thật tốt, dẫn tới tình trạng té nước theo mưa, có những mặt hàng tăng giá bất hợp lý.
Hơn thế, các nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, độ trễ của việc dư nợ tín dụng năm ngoái tăng tới 37,73% cũng đã bắt đầu ảnh hưởng tới lạm phát trong năm nay. Tương tự như vậy là sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, khiến cho giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.
Vấn đề đặt ra là làm sao hạn chế ở mức thấp nhất các tác động này? “Đừng tạo ra hoang mang để người ta lợi dụng tăng giá”, ông Thúy đã nói như vậy và đây cũng chính là quan điểm chung của các thành viên Chính phủ.
Liên quan đến giá cả các mặt hàng thiết yếu, Chính phủ chỉ đạo, sẽ phải xem xét lại cơ chế giá xăng dầu để không còn chuyện điều chỉnh giá xăng quá dày đặc, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân. Còn tăng giá điện lần này sẽ là lần tăng giá duy nhất trong năm.
Tương tự như vậy, quan điểm của Chính phủ cho thấy, tỷ giá hối đoái thời gian vừa qua đã được điều chỉnh gần sát với thị trường và khá hợp lý, do vậy cần phải ổn định trong cả năm 2010 để doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh. “Tỷ giá có thể lên xuống, nhưng không được điều chỉnh quá lớn”, ông Thúy bày tỏ quan điểm.
Còn với chính sách tiền tệ, một trong những chính sách có tác động lớn tới nền kinh tế, theo quan điểm của ông Thúy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 25% là khá rộng rãi, huy động vốn đang rất khó khăn, cho vay cũng khó, vì ngân hàng đang lo tính thanh khoản.
Ông Thúy cho biết, Chính phủ cũng đã thống nhất việc tiến tới áp dụng cho vay thỏa thuận với các hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, chứ không nhất thiết là trung, dài hay ngắn hạn. Đồng thời, sẽ tính toán việc xóa bỏ trần lãi suất huy động để góp phần mang lại một mặt bằng lãi suất theo thị trường, hợp lý hơn...
Lạm phát không phải không đáng lo và cần được cảnh báo. Nhưng một khi các chính sách điều hành được thực thi kịp thời và nghiêm minh, việc kiềm chế giá cả ở mức 7% như mục tiêu đề ra không phải là không thực hiện được.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com