Trong một số cuộc hội thảo, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, trên diễn đàn Quốc hội và kỳ họp mới đây của Chính phủ, các cụm từ "lạm phát", "thiểu phát" và "giảm phát" đã xuất hiện. Đây là những vấn đề rất quan trọng, bởi đó không chỉ là sự đánh giá, mà còn là căn cứ để hoạch định chính sách vĩ mô. Nhưng hiện có nhiều ý kiến khác nhau.
Trước hết, xin lược qua đôi điều về lạm phát, thiểu phát, giảm phát.
Lạm phát là sức mua của đồng tiền bị sụt giảm. Cùng một lượng tiền, người tiêu dùng chỉ mua được ít, hoặc mua cùng một lượng hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nhưng kém chất lượng hơn; hoặc mua cùng một lượng hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cùng chất lượng, người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền lớn hơn. Lạm phát xảy ra khi tổng giá cả hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng lớn hơn tổng giá trị của chúng, biểu hiện chủ yếu ở giá cả tiêu dùng tăng lên.
Thiểu phát là trạng thái ngược lại của lạm phát, tức là sức mua của đồng tiền tăng lên. Cùng một lượng tiền, người tiêu dùng đã mua được nhiều lượng, nhiều loại hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng hơn, hoặc mua cùng một lượng hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, nhưng chất lượng cao hơn; hoặc mua cùng một lượng hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cùng chất lượng, người tiêu dùng chỉ bỏ ra một số tiền ít hơn. Thiểu phát xảy ra khi tổng giá cả hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng thấp hơn tổng giá trị của chúng, biểu hiện chủ yếu ở chỗ giá cả tiêu dùng giảm đi.
Như vậy, lạm phát, thiểu phát thường dùng đối với giá cả hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng. Chính vì thế, thế giới dùng tốc độ tăng giá tiêu dùng để chỉ lạm phát. Giảm phát rộng hơn thiểu phát, không chỉ bao hàm nội dung thiểu phát (tức là giá tiêu dùng giảm), mà cả giá nguyên nhiên vật liệu, giá cả sản xuất; không chỉ là giá cả hàng hoá, dịch vụ chung, mà còn mở rộng ra cả đình trệ, suy thoái kinh tế, thất nghiệp. Một số ý kiến đã đồng nhất thiểu phát với giảm phát là chưa đầy đủ - tuy rằng thiểu phát nằm trong giảm phát.
Một vấn đề lớn thứ hai cần bàn là hiện nay Việt Nam đã thiểu phát chưa, đã giảm phát chưa? Người viết chưa khẳng định nước ta đã chuyển từ lạm phát sang thiểu phát, giảm phát, nhưng có thể nhận định rằng, Việt Nam đã đứng trước nguy cơ thiểu phát, giảm phát. Mới gọi là nguy cơ, thì có nghĩa là nó mới là xu hướng, chưa thực sự xảy ra. Nhưng nguy cơ đó đang tiến đến và sẽ chỉ là một bước chuyển, mà sự chuyển biến có thể rất nhanh. Vì vậy, sự cảnh báo dù có sớm cũng không thừa, hơn thế, đã là cảnh báo thì phải sớm một chút mới có ý nghĩa.
Để cảnh báo nguy cơ thiểu phát, giảm phát cần thấy 4 dấu hiệu đáng lưu ý.
Về giá tiêu dùng, 6 tháng đầu năm tăng rất cao (2,83%/tháng), nhưng từ tháng 7 đã đột ngột tăng thấp và tháng 10, tháng 11 đã giảm (tháng 11 giảm 0,76%, tính chung 5 tháng qua tăng 0,38%/tháng - chỉ bằng 1/7 tốc độ tăng bình quân trong 6 tháng đầu năm, mức tăng này thấp chỉ bằng 1/3 lãi suất gửi tiết kiệm). Tháng 11 ở TP.HCM - trung tâm thương mại, tiêu dùng lớn nhất nước, giá tiêu dùng giảm 0,69%.
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố tăng giá) giảm nhanh qua các tháng. Điều quan trọng là người tiêu dùng đã "thắt lưng buộc bụng" trong thời kỳ lạm phát, nay lại thêm tâm lý chờ đợi giá giảm nữa mới mua sắm; đó là chưa kể tình trạng thu nhập không tăng hoặc nỗi lo công ăn, vịêc làm thiếu; giá nông sản giảm trong khi nông dân chiếm gần 3/4 dân số thì ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
Về đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GDP ước năm nay giảm mạnh so với năm trước (39% so với 45,6%) do giá vật liệu xây dựng tăng cao, chi phí vay vốn cao; nay giá vật liệu xây dựng giảm, lãi vay giảm, nhưng lại xuất hiện tâm lý chờ đợi giá, lãi vay giảm nữa mới mua, mới vay. Đó là chưa tính tới các khoản vay với lãi suất cao trong các thời kỳ trước đây nay đã đến kỳ đáo hạn.
Xuất khẩu có xu hướng tháng sau thấp hơn tháng trước (tháng 7 là 6.547 triệu USD, tháng 8 còn 6.018 triệu USD, tháng 9 còn 5.274 triệu USD, tháng 10 ước còn trên 5,04 tỷ USD, tháng 11 ước còn 4,8 tỷ USD). Giá nhập khẩu nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hoá từ mấy tháng nay liên tục tháng sau thấp hơn tháng trước và đang có dự đoán là sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. Nếu trước đây là "nhập khẩu lạm phát", thì nay có thể chuyển sang "nhập khẩu thiểu phát". Đầu vào giảm thì đầu ra sẽ giảm; nếu không giảm thì nhập siêu sẽ tăng do giá thế giới giảm nhanh, giảm nhiều hơn ở trong nước.
(Theo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com