Kể từ cuối năm 2010 tới nay, căn bệnh lạm phát nổi lên và lan ra toàn cầu. Khu vực đồng Euro, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc… đã đưa ra những gói giải pháp quyết liệt nhưng vẫn không trị được căn bệnh này.
Tờ “Nhân dân Nhật báo” số xuất bản hải ngoại ngày 1/4 cho biết từ 9/2/2011 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) đã hai lần tăng lãi suất. “Lưỡng hội” (Quốc hội và Chính hiệp) đầu tháng 3/2011 đã yêu cầu phải có biện pháp quyết liệt chống lạm phát, nhưng tình trạng lạm phát vẫn không giảm, trái lại còn gia tăng, tỉ lệ lạm phát trong tháng 3/2011 trên 5%, dự kiến năm 2011 tới 5% vượt mục tiêu kiềm chế đã đưa ra. Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2011 Ngân hàng Nhân dân sẽ tiếp tục tiến hành thêm hai lần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Tờ “Chứng khoán Trung Quốc” ngày 1/4 dẫn phát biểu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết lạm phát vẫn tiếp tục “không kích” kinh tế các nước đang trỗi dậy. Tháng 2/2011, mức độ lạm phát của Ấn Độ là 8,3%, của Brazil là 6%. Nước Nga tuy được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao nhưng tỉ lệ lạm phát vẫn ở mức 9,5%. Lạm phát tháng 2/2011 của các nước Châu Á như Hàn Quốc là 4,5%, Indonesia là 6,87%, Trung Quốc trên 5%. Nam Phi là nền kinh tế mạnh ở Châu Phi nhưng lạm phát tháng 2/2011 vẫn ở mức 5,7%. Giá thực phẩm của Hàn Quốc, Ấn Độ mấy tháng qua đều tăng tới trên 10%.
Đánh giá tình hình kinh tế công bố ngày 29/3 của ADB viết: “Mặc dù kinh tế các nước Đông Á tiếp tục tăng trưởng, nhưng giá lương thực thực phẩm, giá dầu lửa cùng giá các mặt hàng nguyên vật liệu chủ yếu vẫn không ngừng tăng lên cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ triệt tiêu tốc độ tăng trưởng của các nước, rất nhiều nước không thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát”. Ngày 26/3, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng cảnh cáo rằng vấn đề mà các nước đang phát triển cần quan tâm hiện nay là tình trạng lạm phát, nguy cơ kinh tế phát triển quá nóng.
Không chỉ các nước đang trỗi dậy chống chọi với căn bệnh lạm phát, mà ngay các nước phát triển Khu vực đồng Euro (Eurozone) cũng chịu áp lực không kém. Mạng tin “International online” của Trung Quốc ngày 1/4/2011 cho biết liên tục trong 4 tháng qua, tỉ lệ lạm phát của các nước thuộc Eurozone đều tăng ở mức trên 2% cao hơn mục tiêu báo động 2% đã đề ra. Số liệu thống kê của EU công bố ngày 31/3 cho biết tỉ lệ lạm phát của 17 nước trong khu vực tháng 3/2011 là 2,6%. Kể từ tháng 12/2010, liên tục trong 4 tháng đều có tỉ lệ lạm phát cao như tháng 12/2010 là 2,2%, tiếp đó tháng 1/2011 là 2,3%, tháng 2 là 2,4% và tháng 3 là 2,6%.
Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc (Bank of Korea) Kim Choong Soo ngày 31/3 nói với báo giới ở Nam Kinh: “Hiện nay rất khó phán đoán tình trạng lạm phát của các nước trong năm 2011. Kể từ năm ngoái tới nay, tình trạng lạm phát ngày càng nghiêm trọng hơn mức dự đoán của các học giả. Bởi vậy, kiềm chế lạm phát là một nghị trình quan trọng trong các hội nghị kinh tế quốc tế.”
Thời gian qua, “thuốc điều trị lạm phát” mà các nước thường sử dụng là tăng lãi suất ngân hàng và ngăn chặn tiền nóng tràn vào thị trường trong nước. Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc đã hai lần tăng lãi suất, Hàn Quốc đã tăng 0,25% lãi suất trong tháng 3/2011. Ngoài tăng lãi suất ngân hàng, từ tháng 10/2010 Braxin còn tăng mức thuế đánh vào giao dịch tiền tệ (IOF) từ 2% lên 4%, tiếp đó lên 6% đối với người nước ngoài mua trái phiếu trong nước. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu Quỹ đầu tư thị trường mới trỗi dậy của Mỹ (EPFR) công bố ngày 25/3, từ đầu năm 2011 tới nay, các công ty quản lý quĩ của các nước mới trỗi dậy đã mua về tới 26,8 tỉ USD tiền nóng tràn vào nước họ.
Nhưng tất cả biện pháp quyết liệt trên vẫn chưa thể trị được căn bệnh lạm phát, IMF dự kiến với tình hình kinh tế thế giới hiện nay khó có thể kiềm chế được lạm phát thời gian tới.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com