Theo khảo sát của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright về gói hỗ trợ lãi suất, có tới 28,6% số doanh nghiệp (DN) cho rằng, gói hỗ trợ này có tác dụng tốt và rất tốt; 50% đánh giá gói hỗ trợ có tác dụng vừa phải.
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới đây, Chính phủ sẽ có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Để giúp các đại biểu Quốc hội có cái nhìn tổng thể, toàn diện về gói kích cầu của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đang tập trung ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu về vấn đề này.
Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế tăng trưởng khả quan trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009. Theo số liệu của Bộ Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,1% so với tháng 3 và tăng 5,4% so với tháng 4/2008. Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 dù chỉ đạt khoảng 4,5 tỷ USD, giảm 15,3% so với tháng trước, nhưng có nhiều dấu hiệu tích cực, như kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực tăng hơn so với tháng trước. Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế từ các tổ chức tín dụng đã tăng đột biến trong tháng 4, với mức tăng tới 4,86% so với tháng 3/2009 và tăng 11,16% so với cuối năm 2008.
Với bức tranh kinh tế ngày càng sáng sủa hơn, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây hệ quả tất yếu của các gói kích cầu, đặc biệt là gói hỗ trợ 4% lãi suất. TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, đáy của suy giảm kinh tế đã được thiết lập vào quý I/2009 và hiện tại, triển vọng tăng trưởng kinh tế đã khá rõ nét. Theo ông Nghĩa, để tiếp tục phát huy gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, cần phải xã hội hoá gói kích cầu này bằng chính sách khuyến khích nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư vào sản xuất - kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh IPO, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước...
Tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, vấn đề bội chi ngân sách chắc chắn sẽ được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, ông Nghĩa cho biết, để thực hiện gói kích thích kinh tế, hầu hết các chính phủ đều chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn bình thường. Đơn cử, sau nhiều năm đạt cân bằng thu - chi ngân sách, năm 2009, Singapore đã phải chi mạnh và chấp nhận thâm hụt ngân sách lên tới 6,5% GDP. “Việt Nam có thể chấp nhận mức thâm hụt ngân sách 8 - 8,5% GDP”, ông Nghĩa phát biểu.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đồng ý với quan điểm trên và cho rằng, nguồn bù đắp thâm hụt cơ bản là trái phiếu chính phủ, bên cạnh sử dụng Quỹ dự trữ ngoại tệ để đáp ứng như cầu chi tiêu ngân sách trong những tình huống đặc biệt.
Nhận định về chính sách kích cầu của Chính phủ thông qua gói hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng, TS. Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) nhận định: “Bù lãi suất là một biện pháp kích cầu rất tốt và đây thực sự là chính sách sáng tạo của Việt Nam”. Theo ông Quang A, gói kích cầu này đạt được nhiều mục tiêu.
Thứ nhất, gói kích cầu được thực hiện khá nhanh, thực hiện trên diện rộng, do tất cả các ngân hàng thương mại đều tham gia, nên nhiều DN có thể vay vốn với lãi suất thấp để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Thứ hai, đối tượng hỗ trợ “rất trúng”, vì tất cả những ngành sử dụng nhiều lao động - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế - đều thuộc đối tượng được hỗ trợ. Thứ ba, cán cân xuất - nhập khẩu được cải thiện...
Cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, gói hỗ trợ lãi suất đã đạt được mục tiêu là giúp các đơn vị sản xuất - kinh doanh giảm giá thành sản phẩm, duy trì hoạt động và tạo việc làm. Tuy nhiên, mọi chính sách, nhất là những chính sách xây dựng trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, đều có những mặt trái nhất định và chính sách hỗ trợ lãi suất cũng không phải là ngoại lệ. Việc hỗ trợ trên diện rộng tiếp tục hỗ trợ vốn cho các DN có năng lực sản xuất gặp khó khăn, đồng thời, việc hỗ trợ quá rộng đã làm mất đi cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế.
(Theo Hàng Châu // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com