Các NH phản ứng ra sao trước thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh từ cuối tháng 9 trở đi?
Ông Nguyễn Đức Kiên - thành viên Hội đồng Sáng lập NH TMCP Á Châu, người trả lời phỏng vấn của chúng tôi dưới đây - nhận định các ngân hàng nên giảm ngay lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
- Chúng ta nên nhìn nhận lại quan điểm do lạm phát nên lãi suất phải thật cao để chống lạm phát, trong đó lãi suất tiền gửi phải thực dương. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng lãi suất cao cũng là một nguyên nhân đẩy lạm phát.
Lãi suất cao trong một thời gian ngắn nhất định có thể góp phần ngăn chặn lạm phát, nhưng một khi kéo dài, nó có thể gây đổ bể hệ thống DN, ít ai muốn đầu tư làm ăn. Trước đây với lãi suất cho vay 12-15%/năm, một dự án đầu tư có thể thu hồi vốn sau 5-7 năm. Với lãi suất 20%/năm hiện nay, thời gian thu hồi vốn lên tới hàng chục năm. Đầu tư không hiệu quả, thậm chí không có cả lãi trả NH. Vì thế trước mắt để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, các NH nên giảm ngay lãi suất huy động.
Kêu gọi các NH tự giảm lãi suất liệu có khả thi không thưa ông, khi mà sự cạnh tranh trong huy động vốn để giữ thị phần giữa các tổ chức tín dụng vẫn đang diễn ra?
Để năm sau và năm 2013 đỡ khó khăn thì lãi suất phải giảm từ bây giờ và giảm ngay. Đây là vì lợi ích của DN và của chính các ngân hàng. Lãi suất cho vay càng cao, nguy cơ nợ quá hạn của NH càng lớn.
Trong thực tế, chúng ta đã từng nhiều lần chứng kiến sự đồng thuận giảm hay giữ nguyên lãi suất của các NH. Tuy nhiên kết quả không được như mong muốn?
Các NH phải hợp sức với NHNN. Ai cũng biết lãi suất huy động thực không phải 14%/năm. Muốn đưa về mức này và công khai lãi suất huy động một cách minh bạch, các NH cần cùng nhau thống nhất, cùng nhau thực hiện đồng bộ.
Kinh nghiệm của các nước trong giải quyết khủng hoảng, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ, cho thấy sự hợp tác chặt chẽ, trung thực và tin tưởng lẫn nhau giữa cơ quan soạn thảo chính sách và các đối tượng thực thi vô cùng quan trọng. Ở đây là sự ứng xử và trách nhiệm của hệ thống NH đối với nền kinh tế quốc gia.
Sự tin tưởng lẫn nhau không thể chỉ đến từ một phía là các NH, DN. Thị trường cần sự cam kết trong lời nói cũng như hành động của NHNN ở vai trò cơ quan quản lý?
Các NHTM, theo tôi, sẵn lòng để được quản lý bằng các biện pháp kinh tế, những chính sách đảm bảo quyền lợi cho họ, cho DN, tránh những chính sách đánh đồng quyền lợi của những đối tượng khác nhau.
Ý tôi là nhất thiết phải tránh những chính sách quản lý mang tính lợi ích cục bộ, không thực hiện được hoặc nếu cố thực hiện sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Những năm vừa qua, sự hợp tác giữa NHTM và NHNN thiếu chặt chẽ; thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa người hoạch định chính sách và người thực thi. Chính sách linh hoạt, nhưng phải rõ ràng, có định hướng và có thể dự báo được để DN lên kế hoạch làm ăn.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã cam kết tỉ giá từ nay đến cuối năm, nếu có điều chỉnh, cũng không quá 1%. Đó đã được xem như định hướng và có dự báo?
Sự cam kết đó là rõ ràng. Đối với giảm lãi suất cũng cần một sự cam kết rõ ràng như vậy. NHNN nên đưa ra một lộ trình giảm lãi suất cụ thể, đi kèm các giải pháp thực hiện. Tôi tin các ngân hàng cũng sẽ xác định các bước đi hợp lý để cùng với NHNN thực thi lộ trình.
Phải khẳng định các NH chỉ có lợi chứ không thiệt hại trong việc giảm lãi suất và giảm lãi suất là cấp bách. Các chính sách thường có độ trễ từ 6 – 9 tháng. Nếu bây giờ lãi suất giảm ngay về 17-19%/năm, thì năm sau mới có điều kiện giảm tiếp xuống 15%/năm và kế tiếp là 12 -13%/năm cho những năm sau nữa. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để có tăng trưởng GDP như hoạch định của Đảng và Nhà nước.
Bởi các chính sách tiền tệ thường có độ trễ, rất khó để xác định chính xác điểm rơi của chúng. Liệu có quá lo xa khi đề cập đến lãi suất tiền tệ 2 - 3 năm tới?
Chính vì độ trễ nên chính sách càng phải hợp lý và có tính dự báo trước được. Từ đầu năm, chỉ tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán được đề ra là 16%, nhưng 7 tháng đầu năm mới được gần 4% và đến nay theo thông tin mới cập nhật cũng chưa đầy 5%. Sự phanh gấp và bất ngờ tổng phương tiện thanh toán như thế có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính.
Những năm trước, tầm thời gian này tổng phương tiện thanh toán đã tăng khoảng 10 - 15%. Chúng ta đã đưa tiền ra lưu thông một cách không hợp lý. Nếu bây giờ không đưa ra kịp thời, dồn đến cuối năm, thì không tránh được lạm phát cao vào năm sau. Cho nên phải lựa chọn: hoặc đưa ra có mức độ và kiểm soát được từ bây giờ hoặc không đưa ra để khỏi gây lạm phát năm sau.
Tăng trưởng tín dụng cũng tương tự. Trong mức tăng 7,5% của tín dụng 7 tháng đầu năm có cả sự gia tăng do điều chỉnh tỉ giá tháng 2-2011. Do đó dư nợ thật của nền kinh tế, theo tính toán của chúng tôi, thực ra chưa được 5%.
Nền kinh tế đói vốn, dư địa tín dụng còn nhiều, không phải DN không muốn vay, mà DN tốt không dám vay, NH cũng không muốn cho vay do lãi suất cao. Cốt lõi của câu chuyện vẫn là lãi suất. Trong trường hợp lãi suất không hạ, sớm muộn những DN đi vay với lãi suất hiện hành có thể sẽ có vấn đề.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com