Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Căng thẳng ngoại tệ - điều hành chính sách tiền tệ gặp khó ?


Căng Thẳng ngoại tệ: do nội tại nền kinh tế ?

(Theo Châu Giang  // Tienphong Online // Lao động )

Nguyên nhân căng thẳng ngoại tệ thường được cho là tác động tâm lý găm giữ ngoại tệ của DN, hoạt động đầu cơ của giới đầu tư, tin đồn và gần đây nhất là do giá vàng tăng cao.
 

 

Về hiện tượng thì đúng như vậy, nhưng để giải quyết được căn bản vấn đề, chúng ta vẫn phải nhìn nhận những nguyên nhân từ nội tại nền kinh tế.

Đâu là nguyên nhân chính?

Thị trường ngoại hối Việt Nam trong hơn 10 tháng đầu năm có nhiều khó khăn. Nhiều thời điểm thanh khoản ngoại tệ trên thị trường có dấu hiệu khan hiếm, gây áp lực lên tỉ giá và các chính sách quản lý ngoại hối của NHNN.

So với cùng kỳ năm 2008, 10 tháng đầu năm 2009 giá USD tăng 9,09%, trong khi chỉ số giá chung tăng 7,17%. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 10 đến nay người ta chứng kiến đợt tăng giá USD trên thị trường tự do rất mạnh, bỏ xa tỉ giá niêm yết của các NHTM.

Lấy mốc ngày 22/10 (ngày đầu tiên giá USD thị trường tự do lên mức trên 18.400 đồng/USD) so với tỉ giá ngày 11.11 cho thấy, chỉ trong vòng 20 ngày, giá USD trên thị trường tự do đã tăng 8,6%, trong khi đó cùng thời gian tỉ giá niêm yết của NHTM chỉ tăng 0,08%. Đến hôm qua, giá USD trên thị trường tự do tuy giảm vẫn còn cao hơn giá do các NHTM niêm yết 5,7%.

Nguyên nhân căng thẳng ngoại tệ trước tiên thường được một số cơ quan quản lý cho là tác động tâm lý găm giữ ngoại tệ của DN, hoạt động đầu cơ của giới đầu tư, tin đồn và giá vàng tăng... Nhưng nguyên nhân thực sự của vấn đề có lẽ phải là những vấn đề nội tại của nền kinh tế và tác động phụ của cơ chế hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay bằng VND.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị XK 10 tháng đầu năm 2009 giảm 13,8% so với 10 tháng cùng kỳ năm 2008. Nhập siêu 6.883 triệu USD. Những số liệu về hoạt động xuất khẩu giảm sút và con số nhập siêu được phân tích, mổ xẻ nhiều tại các cuộc họp, thảo luận và phương tiện thông tin đại chúng cũng gây lo ngại trong dư luận về cán cân vãng lai của Việt Nam.

Theo NHNN thì do cơ chế HTLS, LS cho vay VND còn khoảng 4%-6,5%/năm, tương đương LS cho vay bằng USD, nhưng do lo ngại rủi ro tỉ giá, các DN nhập khẩu chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỉ giá và căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Những tháng gần đây khi trù liệu sắp hết thời hạn vay VND được HTLS thì nhu cầu vay ngoại tệ của DN mới bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, việc kéo dài HTLS vay ngắn hạn VND đến hết quý I/2010 (tuy sẽ giảm mức LS hỗ trợ xuống còn 2%/năm), nhưng được dự đoán là vẫn gây áp lực lên tỉ giá.

Vàng hạ, USD sẽ hạ?

Nếu quan sát biến động tăng mạnh giá USD trong những ngày gần đây tại Việt Nam thì thấy hiện tượng khá lạ: Giá vàng và giá USD tăng đột biến cùng chiều (thông thường thì giá vàng lên thì USD hạ và ngược lại). Thời điểm giá vàng lên sát 3 triệu đồng/chỉ, thì giá USD trên thị trường tự do cũng tăng sát 20.000đ/1USD.

Diễn biến này khiến người ta cho là có hiện tượng mua gom USD để nhập lậu vàng. Đây có thể là một suy luận có cơ sở vì ngay sau thông báo của NHNN cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường, chiều ngày 11.11 giá vàng và giá USD cùng giảm mạnh. Vàng từ 3 triệu đồng/chỉ xuống còn khoảng 2,73 triệu đồng/chỉ. USD từ xuống còn 19.500 đồng/1USD.

Hôm qua (12.11), giá vàng và USD trên thị trường tự do tiếp tục giảm, cuối giờ chiều giá vàng xuống còn khoảng trên 26 triệu đồng/lượng, giá 1USD còn khoảng 18.800 đồng.

Theo Thống đốc NHNN thì gốc của vấn đề tỉ giá thị trường tự do tăng trong mấy ngày qua là giá vàng, khi giá vàng ổn định, tỉ giá sẽ ổn định trở lại. Đã có ý kiến lo ngại, quyết định cho phép nhập khẩu vàng của NHNN sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá của thị trường và về ngắn hạn sẽ khiến cán cân thanh toán bị thâm hụt.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ một số báo chiều ngày 11.11 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, các NHTM nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, không phải đi mua gom từ thị trường nên sẽ không làm tăng tỉ giá của thị trường. Nhập khẩu vàng sẽ khiến nhập siêu tăng lên, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cán cân tổng thể vì đa số người dân cũng không tiêu dùng lớn bằng vàng.

Chưa điều chỉnh tỉ giá

Đây là khẳng định của Thống đốc NHNN. Thời gian tới, NHNN vẫn thực hiện chủ trương của Chính phủ là điều hành tỉ giá linh hoạt, có sự quản lý của Nhà nước, theo hướng ổn định, nhưng không cố định mà tùy theo diễn biến thị trường để điều chỉnh cho hợp lý.

Vừa qua, NHNN có buổi thảo luận về Đề án "Nghiên cứu chính sách tỉ giá áp dụng cho Việt Nam trong điều kiện hiện nay". Đây là một đề án độc lập về chính sách tỉ giá được Chính phủ giao cho NHNN xây dựng nhằm tham mưu cho Chính phủ một chính sách tỉ giá được lựa chọn trên cơ sở phân tích lý luận gắn với thực tiễn Việt Nam hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu. Dự kiến ban lãnh đạo NHNN sẽ thông qua lần cuối dự thảo vào cuối tháng 11.2009 để kịp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.2009.

Thị trường còn nghe ngóng

Vẫn có khá nhiều nhận định thận trọng về xu hướng giá vàng và ngoại tệ thời gian tới. Giá vàng trong nước có thể sẽ không sốt nóng vô lý nữa, nhưng cũng không thoát ly giá vàng thế giới. Chừng nào giá vàng thế giới còn cao thì giá vàng trong nước chưa thể giảm mạnh được.

Về tỉ giá, một chuyên gia tài chính nói: "Có thể USD phải xác lập mặt bằng giá mới trong hoàn cảnh thâm hụt gia tăng, nợ quốc gia lớn. Việt Nam là một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, hiện nay tốc độ giảm của XK đang thấp hơn tốc độ giảm của NK, nhưng khi kinh tế hồi phục nhiều khả năng NK sẽ tăng mạnh hơn XK (để có nguyên-nhiên-vật liệu phục vụ sản xuất). Đến lúc đó USD càng bị mất cân đối. Phải một thời gian sau khi đồng tiền thu được từ XK quay lại thì sự mất cân đối mới giảm dần".

 

Khổ vì "đô lên giá

 (Theo Trần Vũ Nghi - Như Bình // Tienphong Online)

Áp lực tăng giá cuối năm tiếp tục đè nặng lên nhiều mặt hàng khi tỉ giá giữa đồng VN và USD tiếp tục tăng. Đặc biệt là nhóm mặt hàng phụ thuộc phần lớn từ nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Một số loại bánh nhập khẩu đã được điều chỉnh tăng giá. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua bánh tại siêu thị - Ảnh: M.Đ.

Ngành thép là một trong những ngành chịu sự tác động lớn nhất khi phần lớn nguyên liệu sản xuất, từ thép phế cho đến phôi thép, đều phải nhập khẩu.

“Ngồi trên đống lửa”

Theo tính toán của ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, trung bình mỗi tháng công ty phải nhập khoảng 40.000 tấn thép phế ( bình quân 360 USD/tấn) và khoảng 30.000 tấn phôi thép (giá 470-480 USD/tấn).

“Chỉ cần qua một ngày với tốc độ tỉ giá biến động như hiện nay, chúng tôi phải bù lỗ ít nhất 2,8 tỉ đồng mới mua được USD để nhập nguyên liệu về sản xuất”, ông Thái than thở.

Với lượng nguyên liệu cần nhập khoảng 70.000 tấn/tháng như hiện nay, công ty phải mua xấp xỉ gần 30 triệu USD. Chính vì vậy, tỉ giá đồng USD tăng liên tục những ngày qua đã khiến DN như “ngồi trên đống lửa”.

Tương tự, ông Võ Tấn Thịnh, tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc dây và cáp điện Thịnh Phát (TP.HCM), cho biết với 700 tấn đồng và nhôm nhập khẩu trị giá 2,75 triệu USD/tháng phải nhập hằng tháng, công ty đã “mất đứt” gần 1,7 tỉ đồng khi “tháng trước giao dịch bên ngoài tỉ giá chỉ 18.300 đồng/USD nay phải mua đến 18.900 đồng/USD”.

Chi phí đội lên là vậy nhưng ông Thịnh cho rằng không thể tăng giá bán sản phẩm vì sức cầu trên thị trường hiện đang ở mức thấp do tình hình thời tiết không thuận lợi, kèm theo một loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực địa ốc, xây dựng công xưởng vẫn chưa mấy khả quan.

Theo ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc Tổng công ty may Việt Tiến, trong bối cảnh sức mua khá yếu như hiện tại thì khả năng tăng giá bán là điều rất khó được thị trường chấp nhận. Khả năng gánh lỗ, hoặc suy giảm lợi nhuận gần như là chắc chắn đối với DN nào không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, đặc biệt ở những DN dệt may có tổ chức bán hàng ở thị trường nội địa.

Còn ông Trần Thanh Sang, giám đốc điều hành Công ty cổ phần thời trang Việt, cho rằng nếu DN có được mối quan hệ tốt với nhà cung cấp, việc thương lượng lại giá nhằm giảm thiểu khả năng thiệt hại trong bối cảnh tỉ giá đồng USD tăng như hiện nay là điều được nghĩ đến trước tiên. Nhưng khả năng thành công phụ thuộc rất lớn vào “tầm vóc” của nhà sản xuất lẫn “độ lớn” của các giao dịch nguyên phụ liệu.

Giá hàng nhập khẩu tăng

Theo ghi nhận hiện tại ở nhiều siêu thị, giá một số mặt hàng nhập khẩu nhựa, thực phẩm công nghệ, hàng thủy tinh đã được điều chỉnh tăng 5-15%. Cụ thể, giá các loại nước trái cây nhập đang tăng bình quân 3.000-5.000 đồng/hộp, bánh quy các loại tăng bình quân 700 đồng/gói, riêng mặt hàng thủy tinh, inox đã tăng đến 15.000-30.000 đồng/sản phẩm.

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết hiện tại siêu thị có hơn 10.000 mặt hàng nhập khẩu từ bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng gia dụng… và áp lực tỉ giá đang đè nặng lên giá cả các mặt hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, để điều chỉnh giá thật không dễ vì sức mua hiện đang rất chậm. Trường hợp DN muốn thông báo điều chỉnh tăng giá phải mất ít nhất 30 ngày kể từ ngày thông báo, vì vậy các mặt hàng khác chưa có biến động giá mạnh.

Bà Nguyễn Thùy Trang, giám đốc kinh doanh Công ty Trí Phúc, cho hay để chuẩn bị việc khai trương một siêu thị đồng giá mới vào ngày 18/11, công ty đã nhập một lô hàng trị giá 5 triệu yen (Nhật). Tuy nhiên, khi khai báo hải quan, nhân viên công ty báo về cho biết phải bù thêm 30 triệu đồng mới lấy được hàng về.

Bà Trang nói cái khó nữa hiện nay của những DN nhập hàng từ Nhật là mặc dù mua theo đồng yen nhưng khi thanh toán tại cảng lại bằng đồng USD. Tỉ giá đồng yen so với đồng VN đang tăng, thêm một lần quy ra đồng USD xem như đã bị “một cổ hai tròng”.

Một số DN thực phẩm nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất tết cũng cho biết dù chủ động giảm lãi gộp nhưng mùa tết năm nay giá bánh kẹo sẽ tăng ít nhất 5-10%.

Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc Hancofood, cho biết với tỉ giá cao ngất ngưởng thì việc công ty điều chỉnh tăng giá chỉ là chuyện sớm muộn.

“Chúng tôi vừa nhập lô hàng nguyên liệu trị giá 200.000 USD, và phải bù chênh lệch hơn 150 triệu đồng so với số tiền thanh toán tính theo tỉ giá của tháng trước. Trong tình hình giá nguyên liệu tăng, tỉ giá tăng, giá mỗi sản phẩm phải tăng thêm ít nhất 10-15% mới bù được”, ông Châu nói.

Không dám nhập nhiều

Các DN nhập hàng bán tết cho biết hàng hóa phục vụ tết sẽ tăng ít nhất 10-15%, cũng vì tỉ giá đồng USD đang biến động nên không dám nhập nhiều do toàn những mặt hàng mang tính thời vụ, “nếu tồn hàng vì giá cao sẽ rất khó giải quyết”, giám đốc một siêu thị cho hay. Một số ngành như dây và cáp điện, sản phẩm nhựa các loại, sản xuất quần áo may mặc cho thị trường nội địa hiện đang đối mặt với khả năng lợi nhuận suy giảm khá lớn khi nguyên liệu sản xuất hoàn toàn phụ thuộc việc nhập khẩu.

 

Điều hành chính sách tiền tệ lại gặp khó

 (Theo Nguyễn Hoài // Vneconomy)

Cùng với việc đưa lãi suất cơ bản từ 14% xuống 7% và sự nới lỏng của các công cụ khác, đã dẫn đến kết quả tăng trưởng tín dụng tương đối cao, với mức 33% trong 10 tháng qua.

Những con số được công bố tại một hội nghị tài chính tuần trước cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ không thể lơ là với lạm phát nhưng làm sao để không lãng phí thành quả kích thích kinh tế vừa qua lại là vấn đề nan giải.

Tại Hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo tài chính khu vực châu Á tổ chức ở Hà Nội tuần trước, các nhà quản lý ngành tài chính, tiền tệ Việt Nam đã công bố những con số đáng chú ý.

Lưu tâm từ những con số

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, kể từ tháng 10/2008, khi Chính phủ lựa chọn mục tiêu hàng đầu là chống suy giảm kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng “nới lỏng có thận trọng”.

Cùng với việc đưa lãi suất cơ bản từ 14% xuống 7% và sự nới lỏng của các công cụ khác, đã dẫn đến kết quả tăng trưởng tín dụng tương đối cao, với mức 33% trong 10 tháng qua. Con số này được Thống đốc công bố chính thức tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 17/11 là 33,29%.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc hội cũng đưa ra những con số và nhận xét đáng chú ý mà đầu tiên là vấn đề tỷ giá. Cụ thể, gần đây, giá mua bán ngoại tệ trên hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp luôn kịch trần giới hạn của Ngân hàng Nhà nước, trong khi 2 năm qua, giá USD “chợ đen” luôn cao hơn so với hệ thống ngân hàng, tạo ra sự chênh lệnh lớn nhất và kéo dài thời gian nhất, kể từ 10 năm gần đây. Và điều này góp phần đẩy chỉ số kinh tế vĩ mô tụt hậu mạnh nhất trong xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng ước tính thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể (chỉ số quyết định sự cân bằng tỷ giá) năm nay khoảng 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, bình quân nợ xấu toàn hệ thống 6 tháng đầu năm là 2,46%. Đáng lưu ý, các các công ty tài chính và cho thuê tài chính có mức nợ xấu rất cao (4 - 5 đơn vị lên tới 10%).

Liên quan đến an toàn của hệ thống ngân hàng có một thống kê khác đáng chú ý: doanh số mua/bán bình quân ngày trên thị trường chứng khoán tăng chóng mặt khi quý 1/2009 chỉ 261 tỷ đồng thì quý 2 vọt lên 1.400 tỷ đồng - 1.500 tỷ đồng, quý 3: 2.050 tỷ đồng và dự kiến quý 4 khoảng 2.500 tỷ đồng. Ông Nghĩa nghi ngờ: “Liệu có xuất hiện dòng tiền từ ngân hàng chảy vào chứng khoán thông qua tín dụng tiêu dùng, tín dụng doanh nghiệp, thậm chí tiền gửi ngân hàng?”.

Song song, trong tổng số 166 nghìn tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD) cho vay bất động sản cả nước thì Tp.HCM chiếm tới 51%, trong khi Hà Nội chỉ 15,5% và kèm theo, giá nhà đất ở Tp.HCM liên tục giảm nhưng ở Hà Nội lại trái ngược.

“Trong các con số nói trên, nếu đặt Ngân hàng Nhà nước giữa bộn bề các vấn đề như: tiếp tục hỗ trợ lãi suất, tăng trưởng tín dụng 33,29%, hoài nghi về an toàn một số nhóm nợ, nguy cơ lạm phát tỷ giá leo thang và đặc biệt là mức tồn kho doanh nghiệp, sẽ thấy hoạt động điều hành của cơ quan này vô cùng khó khăn khi phải giải quyết đồng thời những bất cập về tỷ giá, lãi suất, ngăn chặn lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

"Đau đầu” vì linh hoạt và thận trọng!

Bởi vậy, tại một hội thảo tài chính tuần trước, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM hỏi khó cho Ủy ban Giám sát tài chính và đại diện Ngân hàng Nhà nước: “Có người nói là Việt Nam cần phải thắt chặt tiền tệ nhưng theo các ông, vì sao phải thắt chặt và thắt chặt như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Nghĩa cho biết: tính đến thời điểm này, lượng hàng tồn kho của nền kinh tế lên tới 5,4% GDP so với mức 2,6% GDP giữa năm ngoái! Như vậy, cần xem lại tính bền vững của quá trình phục hồi nền kinh tế. Và nếu Chính phủ chưa có biện pháp hỗ trợ về phía cầu thay vì hỗ trợ cung thì rất có thể tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ gặp một đáy thứ hai vào đầu năm tới.

Băn khoăn này liên quan đến bày tỏ của một chuyên gia ngân hàng tại Hội thảo “Giải pháp tài chính - tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” ngày 10/11: “Chúng ta cứ hô hoán tái cấu trúc nhưng tại sao tái cấu trúc lại kéo dài hỗ trợ lãi suất? Đã tái cấu trúc là phải chấp nhận đào thải của thị trường!”.

Trở lại với câu chuyện “thắt chặt”, ông Nghĩa nói: “Chính sách tiền tệ phải thận trọng và linh hoạt là cần thiết nhưng nếu theo cách mà phần lớn là giật cục thì rất nguy hiểm. Một vài người đưa ra một số chỉ tiêu thắt chặt tiền tệ dự kiến năm nay là 35% xuống 25% của năm sau, nghe mà phát hoảng! Nếu vậy, thành quả toàn bộ thành quả gói kích thích kinh tế thứ nhất gần như vô nghĩa! Chưa kể đến an toàn của hệ thống ngân hàng bị đe dọa”.

Tiếp đó là vấn đề tỷ giá. Hiện tại, với mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể như trên, cộng với nguy cơ lạm phát đã hiện hữu do “chi phí đẩy, cầu kéo” và nới lỏng tiền tệ một năm qua, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán sẽ biến động rất mạnh.

Ông Bảo cho rằng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến 2010 là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn duy trì an toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn đi theo chủ trương không phá giá VND, đảm bảo lãi suất thực dương để hệ thống ngân hàng vẫn huy động được vốn.

Tuy nhiên, để làm được điều này trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chưa hết bất ổn, sự phục hồi kinh tế trong nước còn thiếu bền vững, quan hệ dòng tiền khu vực dân cư với hệ thống ngân hàng không thuận chiều, thực sự là thách thức rất lớn với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.

(Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn )

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Tín dụng: những câu hỏi chờ giải đáp
  • Ngân hàng không dễ mở rộng mạng lưới
  • Ngân hàng “đi đêm” tìm vốn?
  • Tăng trưởng tín dụng vượt hạn mức cả năm: Siết mạnh tín dụng cuối năm
  • Công ty bảo hiểm của ngành :Tính sao với quản trị rủi ro?
  • Chính sách tỷ giá - cần giải pháp kỹ trị
  • Việt Nam có 2 rủi ro lớn
  • Đòn bẩy tài chính: Quản lý thế nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!