Dư luận đặt câu hỏi phải chăng chính sách tiền tệ được "thả lỏng" để đạt mục tiêu tăng trưởng? Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định với báo giới: "Ngân hàng Nhà nước đang từng bước trả lãi suất về cho thị trường chứ không phải nới lỏng tiền tệ".
Sự đánh đổi là quy luật phổ biến
Lý thuyết "đánh đổi" giữa lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn đã làm đau đầu không ít những nhà hoạch định chính sách trong việc xác định mục tiêu ưu tiên của chiến lược phát triển kinh tế và đi tới một sự cân đối ổn định trong dài hạn.
Trong các biến dạng gây lạm phát: chi phí đẩy; cầu kéo và tiền tệ, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cho rằng: yếu tố tiền tệ, hiện nay, là nguy cơ hàng đầu gây lạm phát cao trở lại.
Trong hai ngày 16 và 17/4 vừa qua, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trên một số diễn đàn xoay quanh các biến số vĩ mô của Việt Nam, các diễn giả đều thống nhất một nhận định: chỉ số lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn khó đoán định nhưng chính biến số này lại là tác nhân ảnh hưởng có sức lan tỏa lớn nhất đối với thị trường chứng khoán; ngoại hối, cán cân thương mại và thâm hụt ngân sách. Theo đó, con số tăng trưởng của nền kinh tế có ý nghĩa hay không đối với mức sống "thực" của người dân cũng do lạm phát quyết định.
Đáng chú ý, ông Alan Pham, kinh tế trưởng nhóm phân tích của VinaSecurities cảnh báo: "Yếu tố gây lạm phát cao chưa mất đi, vẫn tiềm ẩn, cho dù chính sách vừa qua của Chính phủ đã xử lý có hiệu quả" và "Mọi dự đoán trên thị trường chứng khoán đều phụ thuộc khả năng liệu lạm phát năm nay có dưới 01 con số hay không" ...
Trước cơn sốt về nguy cơ tái lạm phát cao ở nước ta được dự báo từ cuối năm 2009, theo đúng lẽ "đánh đổi" chúng ta có thể lạc quan về một thực tế tăng trưởng của nền kinh tế. Thế nhưng, hãy nhìn sâu hơn vào chất lượng của sự tăng trưởng trong thời gian qua, để biết xem sự "đánh đổi" có thực sự đáng giá?
Sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao
Mặc dù tỷ lệ giá trị xuất khẩu của những mặt hàng thế mạnh liên tục tăng, nhưng sự chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn hầu như chưa có sự thay đổi về chất trong 20 năm qua. Chưa kể một số mặt hàng hầu như không có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế do đã được bảo hộ quá lâu hoặc giá thành cao mà chất lượng lại không đảm bảo.
Các doanh nghiệp điện tử dân dụng, cơ khí; nhựa...được bảo hộ trong suốt thời kỳ thập kỷ 1990 đã không thể tồn tại khi cạnh tranh với hàng của các nước có cùng điểm xuất phát khi bước vào giai đoạn tăng trưởng. Nhất là từ sau khi hội nhập, những mặt hàng này còn mất đi khả năng cạnh tranh cả ở thị trường trong nước chứ chưa nói đến nước ngoài, tỷ lệ nhập siêu ngày càng tăng cao.
Không chỉ đối với sản phẩm, mà hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế. Ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mức tăng cao trong tỷ suất lợi nhuận, thì các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ đạt được một mức tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn tính trên doanh thu, thậm chí có khi còn thấp hơn cả tỷ lệ lãi vay ngân hàng.
Những bất cập này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trên bình diện quốc gia và trở thành mối lo ngại ngày càng nổi cộm khi chúng ta đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam luôn nằm trong "top" những nước kém năng lực cạnh tranh nhất. Cũng theo những báo cáo của WEF thì lạm phát là một trong 3 vấn đề khó giải quyết và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới môi trường kinh tế ở Việt Nam.
Tốc độ chuyển dịch chậm biểu hiện trong cả cơ cấu ngành lẫn cơ cấu lao động, công nghệ và đầu tư, tất cả hầu như đều chưa có những chuyển biến rõ rệt theo hướng hiệu quả và hiện đại. Quy hoạch dài hạn nhiều khi lại bị phá vỡ vì những mục tiêu cục bộ trước mắt. Điều này thể hiện sự bất hợp lý và thiếu nhất quán trong điều chỉnh chính sách.
Tăng trưởng của nền kinh tế đang phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nguồn ngân sách và sự bùng phát của các yếu tố bên ngoài (xuất khẩu chiếm 70% tỷ lệ tăng trưởng) sẽ càng làm trầm trọng thêm nguy cơ lạm phát khi nền kinh tế phải "nhập khẩu"cả lạm phát ngoại tệ.
Những dấu hiệu của thiếu bền vững
Hơn bao giờ hết, vấn đề môi trường trở nên vô cùng cấp thiết khi chúng ta phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng do nạn chặt phá rừng, suy thoái tài nguyên đất - nước - sinh học, ô nhiễm môi sinh... như một hệ lụy tất yếu của việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh và mạnh trong ngắn hạn. Nguồn lao động dồi dào vốn được coi là một lợi thế lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng lại chưa được sử dụng một cách hiệu quả, đã trở thành sức ép kìm hãm phát triển, đồng thời làm hạn chế đi rất nhiều tác động của chính sách an sinh xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Chất lượng giáo dục, y tế còn thua kém rất nhiều so với chuẩn quốc tế trong việc phát triển con người. Việc thực hiện xóa đói giảm nghèo và công bằng xã hội cũng mới chỉ cải thiện được một phần, mà hiệu quả gia tăng cũng còn gián đoạn, không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
Vậy, "đánh đổi" lạm phát để đạt tăng trưởng cao xem ra chưa phải là thích đáng khi đem so sánh với những mặt trái của quá trình tăng trưởng như diễn biến trong những năm qua. Thật khó để hài hòa được giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng trong cùng một thời điểm.
Sự lựa chọn luôn cần "ý chí chính trị" của Chính phủ trong thời điểm cụ thể. Mong muốn, quyết tâm cho mục tiêu "không để lạm phát cao trở lại" khó trở thành hiện thực khi các chính sách tiền tệ; tài khóa và những lợi ích cục bộ của một số ngành hàng then chốt không được phối hợp và có cơ chế kiểm soát theo một định hướng.
Những tín hiệu ban đầu
Năm 2010 với mục tiêu ổn định vĩ mô nhằm tránh nguy cơ giảm đà tăng trưởng trung và dài hạn như chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây, hạn chế căng thẳng tỷ giá và thâm hụt cán cân thanh toán, mức lạm phát dự kiến mục tiêu mà Quốc hội đưa ra là 7%. Tuy nhiên, kết thúc quý I, tỷ lệ lạm phát năm nay đã được Tổng cục thống kê đưa ra con số 9% so cùng kỳ năm 2009.
Ngay sau đó, Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ ban hành đầu quý II về những giải pháp "bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2010" thì giải pháp kiềm chế lạm phát đã được đặt lên hàng đầu. Một số chỉ tiêu tiền tệ cũng có sự thay đổi: tổng phương tiện thanh toán nay chỉ còn tăng khoảng 20% (trước 25%) và không thấy đề cập trực tiếp đến con số đặt chỉ tiêu lạm phát 7%. Điều này cho thấy Chính phủ đã có sự quan ngại và dự phòng lạm phát có thể tăng cao hơn mức dự kiến ban đầu.
Giới hạn lạm phát luôn được xác định trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế, nhưng trước những diễn biến theo chiều tiêu cực của lạm phát, chúng ta cần phải chấp nhận đánh đổi tăng trưởng cho mục tiêu kìm chế lạm phát bằng việc tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng hơn trong thời gian tiếp theo.
(Tác giả: NHÃ LÊ // Theo TuanVietNam)
Bài thuộc chuyên đề: Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam ?
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com