Ngay những ngày đầu nhậm chức Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN, ông Nguyễn Văn Bình đã khẳng định : Điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ chuyển từ thắt chặt sang chặt chẽ. Đây được coi là quan điểm đúng đắn nhằm hướng tới mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống 17-19%.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN Nguyễn Văn Bình : “Điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ chuyển từ thắt chặt sang chặt chẽ”. |
Tuy vậy, gần đây, vấn đề thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ đã được cả xã hội quan tâm. Trong đó, vấn đề làm thế nào để giảm lãi suất luôn là một bài toán đau đầu với các nhà hoạch định chính sách và các DN. Lãi suất cao có lợi là kìm hãm lạm phát nhưng lại bóp nghẹt nền sản xuất và có thể dẫn đến đình lạm về trung hạn; nhưng nếu giảm lãi suất quá nhanh, tung tiền ra quá mức thì nền kinh tế lại đối mặt với rủi ro lạm phát bùng phát... Rõ ràng, hiện tại đang đặt ra yêu cầu giảm lãi suất một cách hợp lý theo cách thức “chặt chẽ” thay vì “bóp nghẹt” hay “giật cục” như trước đây. Thị trường đang kỳ vọng về chính sách hợp lý và có tầm nhìn và đảm bảo lợi ích toàn cục mà không chịu sức ép của một nhóm lợi ích cục bộ ! Có quan điểm hàm ý cần một chính sách tiền tệ nới lỏng sớm (đưa thêm tiền ra thị trường để giảm lãi suất). Hiện tại có nhiều gợi ý giải cứu cục bộ một vài ngành nào đó và cần tung tiền ra cứu các DN kinh doanh bất động sản - nơi đang tỏ ra thiếu vốn do “đầu tư quá mức” trong một thời gian rất dài trước đây. Trên phương diện kiềm chế lạm phát, việc giảm cung tiền là tất yếu và do đó bất động sản bị ảnh hưởng là chắc chắn. Hiện tại chính sách tiền tệ đang đứng giữa hai dòng nước là kiên định kiềm chế lạm phát vì lợi ích của toàn dân và xã hội, mang tính lâu dài hay sớm nới lỏng ? Rõ ràng chính sách tiền tệ đang chịu sức ép và cũng có rủi ro.
Nới lỏng quá sớm !
Như trên cho thấy, có nhiều áp lực, sức ép mong chính sách tiền tệ nới lỏng trở lại và do đó người ta có thể quan ngại về rủi ro nới lỏng quá sớm (premature easing risk).
Các lý do để người ta đòi hỏi nới lỏng tiền tệ như: GDP 6 tháng chỉ tăng 5,57% (so với 6 tháng năm trước đạt 6,16%), hàng tồn kho tăng mạnh, các DN sản xuất gặp nhiều khó khăn... Chúng ta cũng nhận thấy việc thắt chặt trong thời gian qua là thắt chặt khá mạnh và rõ ràng sự thắt chặt này lại “tập trung” phần lớn lên chính sách tiền tệ. Số liệu về tiền tệ so với số liệu tài khóa 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy rõ dường như không có cắt giảm ngân sách trong khi “cắt giảm” tiền tệ là rõ ràng : tăng cung tiền chỉ 2,45% so với cuối năm 2010, tăng tín dụng 7,13% so với đầu năm, trong khi đó, cùng kỳ năm trước, mức tăng là 13,4% và 11,7 và so với “trần” trong năm nay, (15 – 16% và 20%) thì mức tăng này cũng rất thấp. Quan sát số liệu trên OMO (tổng dư nợ mà NHNN cho các ngân hàng vay thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá từ các ngân hàng trên thị trường mở) cũng thấy từ đầu năm đến nay, dư nợ OMO giảm đi rất nhiều và có thể tiến tới dư nợ bằng rất thấp và dẫn đến dư địa cho chính sách tiền tệ dựa vào OMO giảm và NHNN phải dùng các biện pháp khác có thể dẫn đến gây sốc, hoặc chính sách hành chính đối với thị trường.
Thắt chặt thái quá !
Như trên cho thấy, đến nay dư địa cho chính sách tiền tệ theo cách hiện tại dường như còn rất hẹp và do đó có thể lại đáng lo ngại về một chính sách khác trong những tháng cuối năm 2011 trong điều kiện các chính sách mà NHNN nếu có sử dụng trong điều kiện khó khăn nhất trong 6 tháng cuối năm 2011. Chẳng hạn như nguy cơ lạm phát cao mà dư nợ cho vay qua OMO đã cạn (dư nợ đến mức zero) mà vẫn chưa đạt được các mục tiêu của chính sách tiền tệ, thì NHNN sẽ chuyển sang sử dụng biện pháp khác để giảm cung tiền như tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc của NHNN (trước đây trong một loạt biện pháp kiềm chế lạm phát, ngày 18/3/2008 NHNN đã có Quyết định số 346/QĐ-NHNN phát hành tín phiếu NHNN bằng VND dưới hình thức bắt buộc đối với các TCTD nhằm thu hút 20.300 tỉ đồng trong vòng một tháng); hay (NHNN có thể tăng lãi suất trả lên khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc hoặc vượt dự trữ bắt buộc (dường như các NHTM không mong đợi tăng dự trữ bắt buộc. Do đó việc tăng lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc mang tính nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự trữ bắt buộc và đồng thời không làm tăng chi phí vốn của NHTM nhiều (tốt cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay, tất nhiên sẽ làm giảm thu nhập của NHNN)...
Tài khóa đè tiền tệ ?
Theo báo cáo của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), tính đến 4/7/2011, ngân sách đã huy động khoảng 42.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, tương đương 42,2% kế hoạch huy động năm 2011 - khoảng 100 ngàn tỉ đồng. Với yêu cầu huy động trong nước để tài trợ cho ngân sách từ nay đến cuối năm vẫn cao như vậy rõ ràng là một trở ngại lớn giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ, khi ngân sách trực tiếp tham gia cạnh tranh huy động vốn với các ngân hàng. Lý thuyết phân tích về nguồn cung vốn tín dụng cũng chỉ ra rằng, trong điều kiện huy động của Chính phủ gia tăng, sẽ tạo áp lực tăng lãi suất trên thị trường tiền tệ là điều tất nhiên.
Lý thuyết cũng chỉ ra rằng, chính sách tiền tệ và tài khóa cần có sự phối hợp, tạo nên một tổ hợp chính sách hiệu quả (policies mixed). Việc dựa quá nhiều vào tiền tệ (thắt chặt hay nới lỏng) có thể làm suy yếu tình trạng tiền tệ và giảm hiệu quả chính sách nói chung. Quan sát ứng phó của VN gần đây các nhận định cho rằng mục tiêu của Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 là rất đúng hướng nhằm kiềm chế tình trạng kinh tế quá nóng. Tuy nhiên theo số liệu thống kê, kết quả thực hiện ngân sách 6 tháng đầu năm 2011 vừa qua cho thấy, chính sách tài khóa dường như chưa đồng điệu với chính sách tiền tệ và có thể làm triệt tiêu hiệu quả nói chung. Các chỉ số tài khóa cho thấy, 6 tháng đầu năm phần lớn đạt trên dưới 50% kế hoạch năm hay dự toán năm 2011. Điều đó có nghĩa là tài khóa chưa hề thắt chặt.
Tỉ lệ tổng thu ngân sách đạt khá cao, lên đến 30,6% GDP (so với năm 2009, thu đạt 26,7% GDP; năm 2010 thu đạt 28,2% GDP).
Tổng chi ngân sách ước 6 tháng đạt 355,6 nghìn tỷ đồng (bằng 33,2% GDP hiện hành), bằng 49% dự toán cả năm đã được Quốc hội phê duyệt. Tỉ lệ so với dự toán cả năm của chi ngân sách thấp hơn 6,1 điểm phần trăm của thu ngân sách.
Trong tổng chi ngân sách nhà nước, khoản chi lớn nhất là chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (kể cả chi điều chỉnh tiền lương), ước 6 tháng đạt trên 232,2 nghìn tỉ đồng bằng 49,5% dự toán cả năm - là tỉ lệ thấp hơn 2 khoản chi lớn khác (chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và viện trợ).
Chi trả nợ và viện trợ 6 tháng ước đạt 53,4% dự toán cả năm. Chi đầu tư phát triển 6 tháng ước đạt 77,47 nghìn tỉ đồng, bằng 51% dự toán năm; trong đó riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 50,8% (thực chuyển đầu tư đạt 44%, trong đó trung ương đạt 39%, địa phương đạt 45%). Cũng trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ đã được giải ngân 66,4% dự toán (trung ương đạt 70%, địa phương đạt 57%).
Thay lời kết
Chính sách tiền tệ chặt chẽ thay vì thắt chặt. Chính sách tiền tệ chặt chẽ là đảm bảo kiềm chế lạm phát nhưng cũng đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý, không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tài khóa chặt chẽ có thể hiểu là đảm bảo việc sử dụng tài chính một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm để không lãng phí, gây ra lạm phát nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
Thực tế, dù ủng hộ chủ trương chống lạm phát của Chính phủ với các chính sách nhiều lần được gọi là "thắt chặt", song một số chuyên gia luôn bày tỏ lo ngại, rằng những tác động trái chiều của nó có thể khiến tăng trưởng bị kìm hãm, tác động tới sự phát triển kinh tế; an sinh và ổn định của đất nước.
Vì thế, dù có thắt chặt thì VN vẫn luôn cần một mức tăng trưởng nhất định. Mức tăng trưởng đó được mặc định là tối thiểu phải đáp ứng được việc làm cho lực lượng lao động tăng thêm mỗi năm trên 1 triệu người.
Với mong muốn này, bản chất của các chính sách "chặt chẽ" được nhắc đến trên đây thật là đáng quý. Chính vì thế, nhiều người đã tỏ ra vui mừng trước điều này và cho đây là tín hiệu mới đầy hi vọng.
Những bài học từ Mỹ và nhiều nước cũng như thực tế cho thấy, rõ ràng, đối với VN, hiện tại đang đặt ra yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, cẩn trọng mà hợp lý trên cơ sở có sự đồng điệu, hài hòa và phối hợp với các chính sách khác (nhất là tài khóa) tạo nên một tổ hợp chính sách (policies mixed) chặt chẽ và đúng hướng. Trong đó việc giảm lãi suất cũng cần được tiến hành hợp lý theo cách thức “chặt chẽ” thay vì “bóp nghẹt” hay “giật cục” như trước đây và cũng cần có sự hỗ trợ của chính sách tài khóa. Thị trường đang kỳ vọng về những chính sách hợp lý, có tầm nhìn và đảm bảo lợi ích toàn cục mà không chịu sức ép của một nhóm lợi ích cục bộ. Việc vội vàng hay quá mức; hay vì một nhóm lợi ích nhỏ có thể càng làm tình hình trở nên khó khăn thêm.
ThSLê Văn Hinh// Diễn Dàn Doanh Nghiệp
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com