Các kênh đầu tư trong năm nay đều có những ưu điểm và hạn chế riêng - Ảnh: Đ.N.Thạch |
Tăng tỷ giá USD, cho nhập khẩu vàng, điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD..., hàng loạt chính sách mới được công bố trong những ngày đầu năm đang tác động mạnh tới các kênh đầu tư trên thị trường.
Nếu như các năm trước, bảng xếp hạng các kênh đầu tư luôn được đưa ra khá dễ dàng thì năm nay, rất khó để sắp xếp vị trí cho các kênh đầu tư vàng, bất động sản, chứng khoán hay tiết kiệm. Bỏ trứng vào một giỏ hay chia nhỏ rủi ro là câu hỏi lớn với nhiều nhà đầu tư (NĐT) trong thời điểm này.
Vàng: yếu thế nhưng vẫn hấp dẫn
Làm mưa làm gió trong năm 2009 với sự biến động liên tục, hầu hết là trong xu thế tăng, vàng trở thành sự lựa chọn của nhiều NĐT. Tuy nhiên, bước sang năm 2010, kênh đầu tư này đang chịu tác động của nhiều yếu tố khiến NĐT phải hết sức thận trọng trước khi quyết định chọn vàng làm kênh đầu tư chính trong năm nay.
Theo thạc sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM), việc Ngân hàng Nhà nước vừa tăng tỷ giá USD để hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu là phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế VN. Đồng thời điều đó sẽ giúp giải tỏa sự căng thẳng về nguồn vốn ngoại tệ. Mặc dù một số ít doanh nghiệp (DN) đang có nợ vay bằng ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng hay các nhà nhập khẩu phải chịu chi phí đầu vào tăng... nhưng nhìn chung sẽ tốt cho hoạt động của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế thế giới dần dần hồi phục thì đồng tiền nhiều nước cũng mạnh dần lên, nhất là USD. Khi đó vàng không còn là tài sản để tích trữ hay là một loại hàng hóa có khả năng thu hút giới đầu tư và giá vàng khó tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì phân tích, từ trước đến nay các NĐT tham gia đầu cơ trên sàn vàng vì được sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Hiện nay các sàn vàng không còn hoạt động nên chỉ còn cách đầu tư vàng vật chất. Do giá vàng thường biến động trong biên độ hẹp nên phải có nguồn vốn lớn mới đạt được hiệu quả. Điều này cũng gây khó cho nhiều NĐT. Do đó những NĐT chấp nhận rủi ro cao sẽ không còn thấy hấp dẫn ở kênh đầu tư này nữa. Từ những phân tích trên, ông Đinh Thế Hiển đưa ra nhận định, trong năm 2010 khả năng vàng xuống giá nhiều hơn là tăng giá. Nhất là xét trong mối tương quan nhiều mặt giữa tỷ giá ngoại tệ, các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Ông Hiển xếp hạng, nếu NĐT nào chọn hình thức bảo toàn vốn tối đa nhất thì gửi vào ngân hàng với lãi suất 10,5%/năm tốt hơn là đi mua vàng để dự trữ trong thời điểm hiện tại.
Đứng từ góc độ khác, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) lại cho rằng, với bản chất tiền tệ nên vàng luôn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư. Chẳng hạn những ngày qua, biên độ biến động vàng mỗi ngày khoảng 20 USD/ounce nên nhiều người đã mua vàng. Bên cạnh đó, việc cho phép nhập khẩu vàng cũng cho thấy Nhà nước đã quan tâm hơn đến kênh đầu tư này.
Trên thực tế, bất chấp những cảnh báo về việc vàng ít có khả năng tăng giá và những bất lợi của kênh đầu tư này trong năm nay, vàng vẫn tỏa “lực hấp dẫn” đối với người mua và lời cảnh báo của giới kinh doanh vàng về sự sụt giảm giá vàng gần như bị “vô hiệu hóa”. Bởi, trước Tết, giá vàng ở mức 25 triệu - 25,4 triệu đồng/lượng nhưng sau Tết giá đã tăng lên trên 26 triệu đồng/lượng, gần sát 27 triệu đồng/lượng. Do đó những người mua vàng trước Tết, sau Tết đã có khoảng chênh lệch giá hơn 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng chủ yếu do giá thế giới tăng. Nhiều người vẫn lao vào vàng với quan điểm “nước lên thì thuyền lên”.
Chứng khoán: không kỳ vọng cao
Tạo ra cả cơ hội ngắn hạn và dài hạn lại linh hoạt về vốn đầu tư là ưu điểm nổi bật của kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, chứng khoán năm 2010 đang đặt ra nhiều thách thức cho các NĐT bởi sự bất ngờ, khó đoán định của mình.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn nhưng tổng kết năm 2009, mức tăng trưởng của VN-Index đạt xấp xỉ 59% khiến nhiều người kỳ vọng chứng khoán năm 2010 sẽ đột phá cùng với sự phục hồi của kinh tế trong và ngoài nước. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, với mức sinh lời bình quân có thể đạt được trong năm nay là 20%/năm, nhưng nếu NĐT kỳ vọng chứng khoán sẽ mang lại lợi nhuận 40 - 50%/năm thì sẽ khó khăn vì nền kinh tế chưa thể phát triển theo chiều thẳng đứng. Sở dĩ VN- Index có mức sinh lời lớn trong năm 2009 là do xuất phát thấp, thời điểm đầu năm 2009, VN-Index chỉ khoảng 234 điểm trong khi hiện nay, VN-Index đang ở trên ngưỡng 500 điểm. Vì vậy, chứng khoán năm 2010 khó có thể kỳ vọng mức sinh lời hấp dẫn như năm trước.
Ông Lê Đạt Chí phân tích, chứng khoán luôn có cơ hội cả ngắn hạn và dài hạn cho NĐT. Tuy nhiên, NĐT phải xác định mua cổ phiếu không chỉ trong 1-2 tuần sẽ có lời ngay. Ví dụ khi đầu tư vào bất động sản các NĐT hay xác định để 1-2 năm mới bán ra, thậm chí khi thị trường đóng băng họ chấp nhận để lâu dài và đến khi bán được thì sẽ có lời. Trong khi cổ phiếu dễ dàng mua bán được ngay nên đôi khi NĐT lại hoảng sợ hoặc nôn nóng bán ra và chịu lỗ. Vì vậy khi đầu tư vào chứng khoán cũng cần phải xét tương quan về thời gian đầu tư như ở các kênh hàng hóa khác.
Một khó khăn của các NĐT khi chọn chứng khoán làm kênh đầu tư trong năm nay đó là lựa chọn lĩnh vực đầu tư. Những năm trước, tài chính - ngân hàng, bất động sản, các cổ phiếu blue-chips luôn dẫn đầu trong danh mục đầu tư nhưng theo giới phân tích, năm nay sẽ có sự hoán đổi. Ông Phan Đức Trung, Tổng giám đốc FPT Capital cho rằng, nếu như các năm trước đây, các DN nắm giữ được các tài nguyên có khả năng tạo ra lợi nhuận lớn thì kể từ năm 2010, tình hình sẽ thay đổi. Các công ty có khả năng vận hành tốt, thích ứng nhanh mới là các công ty có khả năng tiếp tục tạo ra lợi nhuận lớn.
Bất động sản: tiềm ẩn... sóng
Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Chính phủ vẫn đang ưu tiên nguồn vốn tập trung cho các DN sản xuất trong năm 2010 để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát. Do đó thị trường bất động sản trong hai quý đầu năm 2010 vẫn sẽ còn khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể khởi sắc trở lại như kỳ vọng của nhiều NĐT. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án của các DN bất động sản đã và đang tiếp tục thực hiện sẽ tạo nên lượng cung trên thị trường nhiều hơn trong thời gian tới. Đó là chưa kể muốn đầu tư vào bất động sản thì NĐT cũng phải cần có nguồn vốn khá lớn. Nếu đứng trên góc độ này, bất động sản chưa thực sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, giới đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường này lại có cái nhìn khác. Với quan điểm đầu tư dài hạn, họ đang chờ đợi sóng ngầm từ thị trường này với giá trị nhân thêm từ những công trình hạ tầng cơ sở được xây dựng và hoàn thành trong thời gian gần đây. Cụ thể, TP.HCM đang rất chú trọng đến việc khẩn trương thi công các dự án hạ tầng giao thông ngoại thành. Chẳng hạn dự án cầu nối Q.9 (TP.HCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) hoặc tuyến đường Vành đai ngoài đã trở thành một trong những tiêu chí khá quan trọng trong các cuộc ngã giá mua bán đất nền tại một số khu vực ở Q.2 và Q.9. Riêng với Q.7 và Q.Bình Tân, các dự án cầu Phú Mỹ và đại lộ Đông-Tây khi hoàn thành đã tạo nên một sự khởi sắc cho các dự án bất động sản. “Đất ở Q.7 nay đã trở thành đất vàng vì hệ thống giao thông kết nối đã khá hoàn chỉnh. Giá đất tại nhiều dự án do các nhà thứ cấp mua đi bán lại đã tăng giá từ 10-20% so với cuối năm 2009”, ông Trương Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vạn Phát Hưng nói.
Với góc nhìn này, nhiều NĐT đã và đang trở lại thị trường bất động sản ở các phân khúc giá còn hấp dẫn để chờ sóng ngầm khi thị trường này ấm lại theo dự báo vào cuối năm nay.
USD: lưu ý “mua đắt, bán rẻ”
Cùng với vàng, USD lâu nay vẫn được dùng làm phương tiện cất trữ khi đồng tiền trong nước bị giảm giá. Năm 2009, tuy tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn hai năm trước, đồng thời được kiềm chế thấp hơn mục tiêu đã đề ra, nhưng lại mất giá lớn so với vàng và USD (giá vàng tăng tới 64,32%; giá USD tăng tới 10,7%, nếu cộng với lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD thì đã vượt xa so với lãi suất gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, trong khi USD giảm giá trên thị trường thế giới). Nhiều cơn sốt nóng, lạnh trên hai thị trường này đã làm cho nhiều người bị thiệt hại lớn, đồng thời cũng có nhiều kẻ trục lợi...
Hiện nay giá USD thế giới tăng, Ngân hàng Nhà nước đã “vượt trước ngăn chặn” vào trước Tết Nguyên đán. Cụ thể là tăng tỷ giá liên ngân hàng từ 17.941 VND/USD lên 18.544 VND/USD, tỷ giá đã tăng khoảng gần 3,5% chỉ tính riêng vào lúc điều chỉnh. Như vậy, nếu tính cả mức lãi suất tiền gửi USD khoảng 3,5%/năm thì chỉ riêng biến động tỷ giá vào đầu năm 2010 cộng với lãi suất tiền gửi, đầu tư vào USD sinh lời khoảng 7%/năm.
Vào thời điểm hiện tại, rất khó để dự báo chính xác về diễn biến tỷ giá VND/USD nhưng với việc tỷ giá đầu năm đã tăng thì với khả năng cán cân thanh toán 2010 tiếp tục bị thâm hụt, khả năng tỷ giá có thể tăng thêm vào khoảng 2-3% vào 10 tháng còn lại là điều không mấy khó đoán. Với mức tỷ giá dự báo như vậy, đầu tư vào USD có thể sinh lời tương đương với đầu tư vào tiền gửi VND vào thời điểm hiện tại (lãi suất tiền gửi VND tối đa là 10,5%/năm). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là khi đầu tư vào USD thì khi mua USD, người mua sẽ bị mua đắt hơn và khi bán thì phải bán rẻ hơn so với giá thị trường nên mức lãi suất tổng cộng thực tế (chênh lệch tỷ giá + lãi suất tiền gửi USD) sẽ thấp hơn so với tính toán.
Như vậy có thể thấy, các kênh đầu tư trong năm nay đều có những ưu điểm và hạn chế riêng và giới phân tích cũng "ngán" để sắp xếp vị trí trước sau cho các kênh đầu tư như những năm trước. Vì vậy, việc chọn đầu tư vào đâu phụ thuộc vào chiến lược, sự kỳ vọng, nguồn vốn cũng như quan điểm đầu tư của mỗi NĐT. Nhưng dù chọn kênh đầu tư nào thì NĐT cũng phải hết sức thận trọng để hạn chế tối đa rủi ro cho nguồn vốn của mình.
Nhóm PV Kinh tế
( tinkinhte.com/Theo báo Thanh Niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com