Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư vào công ty tư nhân - cơ hội đang trở lại?

Nhà đầu tư tại sàn giao dịch của Công ty Chứng khoán Sài Gòn. Ảnh: Lê Toàn.

Từ giữa năm 2008 đến hết năm 2009, thị trường đầu tư vào các công ty tư nhân (private equity) trầm lắng hơn hẳn so với vài năm trước đó. Thời kỳ khủng hoảng kinh tế đúng ra là cơ hội vàng để tìm kiếm các công ty tư nhân tốt và hiện thực hóa các khoản đầu tư nhưng dường như thực tế lại không phải như vậy.

Tốc độ giải ngân của các quỹ đầu tư tập trung vào các công ty tư nhân không mấy sáng sủa. Có quỹ còn không thực hiện được khoản đầu tư nào trong suốt giai đoạn này mặc dù lượng tiền mặt còn dư dả. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể phân tích qua vài điểm chính.

Chiết khấu chi phí sử dụng vốn cao làm giảm sức hấp dẫn của các công ty tư nhân. Đặc điểm chung của quá trình định giá đối với hầu hết các quỹ đầu tư loại hình này là dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền (discounted cash flows).

Trong chu kỳ đi xuống của nền kinh tế, mức độ rủi ro của thị trường và của doanh nghiệp thường được đánh giá lại. Với thị trường Việt Nam trong giai đoạn này, lãi suất dùng để chiết khấu dòng tiền trên 20% không phải là hiếm gặp.

Đi đôi với sự thận trọng về khả năng sinh lời, cùng một doanh nghiệp có khi giảm chỉ còn hai phần ba đến một phần hai giá trị so với khi thị trường đang tăng trưởng tốt mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tới tiềm năng và dòng tiền của doanh nghiệp nhiều lúc chỉ là tạm thời.

Thị trường niêm yết rẻ hơn cũng ảnh hưởng đến đầu tư vào các công ty tư nhân. Trong một thời gian ngắn, thị trường niêm yết có thể giảm tới 50-60%, nhưng đối với các doanh nghiệp tư nhân, thật khó có thể thuyết phục chủ doanh nghiệp giảm giá chào bán tương ứng.

Các quỹ đầu tư cũng không thể đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân với giá cao hơn các doanh nghiệp niêm yết trong khi rủi ro lớn hơn ít nhất vài chục phần trăm. Nếu phạm vi đầu tư của quỹ chỉ giới hạn vào các công ty tư nhân, không dễ gì bên mua và bên bán có thể gặp nhau.

Gần đây, nhiều quỹ đầu tư, cả những quỹ có lịch sử đầu tư vào các công ty tư nhân lâu đời cũng như các quỹ trước đây chủ yếu đầu tư vào thị trường niêm yết, lại rục rịch lên kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực này. Cơ hội có vẻ đang dần quay trở lại với mảng đầu tư nhiều thử thách nhất này.

Cơ hội đối với các quỹ đầu tư

Triển vọng của doanh nghiệp ngày càng sáng sủa khi nền kinh tế từng bước thoát khỏi suy thoái đang làm tăng thêm niềm tin của các định chế tài chính. Kết quả hoạt động năm 2009 khả quan hơn so với dự đoán và năm 2010 đầy triển vọng đang trở thành điểm nhấn cơ bản trong quyết định giải ngân của các quỹ. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong 5-7 năm cũng được đánh giá lạc quan hơn.

Mặt khác, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính đi qua, thị trường vốn đang mở cửa trở lại tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền chảy vào các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Nếu như nửa cuối năm 2008 và năm 2009, các quỹ đều xác định việc “tồn tại” là chỉ tiêu quan trọng nhất thì nay đều rậm rịch nhắc đến kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động. Các quỹ lớn như Mekong Capital, Dragon Capital… đều có nhắc đến dự tính mở rộng quỹ trong lĩnh vực này trong năm 2010. Điều đó chứng tỏ các quỹ đều muốn nắm bắt các cơ hội ngay từ giai đoạn đầu phục hồi của nền kinh tế trước giai đoạn tăng trưởng nóng nhắm vào các công ty tư nhân tiềm năng.

Một nguyên nhân nữa là thị trường niêm yết cũng gia tăng giá trị tương đối so với cuối năm 2008, đầu năm 2009. Đây là thị trường tham khảo rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến giá trị dự tính khi bán lại các khoản đầu tư sau này trong quá trình thẩm định. Mặt khác, khi thị trường niêm yết ổn định và tăng trưởng tốt, mức độ rủi ro của thị trường cũng giảm đi tương ứng, thuận lợi hơn cho các quỹ giải trình giá trị các khoản đầu tư.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến sự phát triển của thị trường tài chính và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện cùng với kinh nghiệm của các nhà đầu tư sau thời gian dài thử thách trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Khi các công ty nhà nước tốt nhất đã lần lượt lên sàn trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp tư nhân sẽ luôn là đích nhắm của bất kỳ tổ chức đầu tư tài chính nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Cơ hội đối với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp khi tiếp xúc với các quỹ đầu tư, giá trị của khoản đầu tư luôn đứng vị trí hàng đầu, sau đó mới đến các yếu tố chiến lược. Khi thị trường hồi phục, giá trị đề nghị mua doanh nghiệp cũng hợp lý hơn và cổ đông cũng dễ dàng tham khảo các công ty trong ngành trên thị trường niêm yết để thương thảo giá trị doanh nghiệp của mình. Khoảng cách về giá giữa người bán và người mua cũng được thu hẹp dần, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi đến thống nhất quyết định hợp tác đầu tư.

Một cơ hội khác đối với doanh nghiệp tư nhân là họ có nhiều lựa chọn hơn cả về số lượng khách hàng cũng như về nguồn vốn. Thay vì chỉ có một, hai quỹ quan tâm đến doanh nghiệp thì nay số lượng có thể tăng gấp vài lần. Ngân hàng cũng mở cửa tín dụng với chi phí lãi vay và nguồn vốn linh hoạt hơn giúp doanh nghiệp dễ dàng so sánh các cơ cấu vốn khác nhau cho phù hợp với chiến lược phát triển của mình.

Khi nền kinh tế ổn định trở lại, doanh nghiệp cũng tự tin hơn về triển vọng phát triển và mạnh dạn hơn trong quá trình đàm phán do các quỹ đầu tư thường yêu cầu doanh nghiệp cam kết lợi nhuận ít nhất trong một hai năm đầu. Chấp nhận các điều khoản này có thể xem như con dao hai lưỡi nhưng đối với nền kinh tế đang phát triển tốt, đây lại là cơ hội để doanh nghiệp chứng tỏ năng lực của mình để có thể chào bán với giá hợp lý nhất, xứng đáng với giá trị tiềm năng.

Đầu tư vào các công ty tư nhân chưa bao giờ chiếm vị trí quan trọng nhất trong cơ cấu tài chính ngay cả đối với các nền kinh tế phát triển, nhưng lại luôn là mảng đầu tư hấp dẫn và nhiều thử thách nhất. Với hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thị trường này chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chu kỳ đi lên của nền kinh tế sau năm 2009.

____________________________________________________

(*) Giám đốc nghiên cứu và đầu tư, Công ty Chứng khoán SME

(Theo Nguyễn Việt Hùng (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Kinh tế vĩ mô: Ổn định tiền đồng nên được ưu tiên
  • Việt Nam đứng thứ 12 trong Top 25 quốc gia đáng đầu tư nhất năm 2010
  • Kinh nghiệm cho Việt Nam: “Mổ xẻ” gói kích cầu để nhìn về tương lai
  • Tình trạng ngoại tệ hóa và cuộc chiến bảo vệ giá trị Việt Nam Đồng
  • Rốt ráo tất toán tài khoản vàng
  • Sàn vàng khó tìm hướng mới
  • Ngành chế tác Vàng trang sức VN : Yếu sức cạnh tranh
  • Trung Quốc trở thành thị trường đầu tư bất động sản lớn nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!