Chính sách bảo hiểm tiền gửi được xem là một trong những công cụ thiết yếu của nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân, góp phần bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia, ổn định nền kinh tế.
“Van an toàn” tài chính
Tiến sĩ Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, thànhviên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập năm 1999 trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực châu Á thực hiện xây dựng mới hoặc cải cách hệ thống bảo BHTG; coi đây là bước đi quan trọng nhằm thiết lập van an toàn cho hệ thống tài chính sau khủng hoảng.
Trong giai đoạn này, các nền kinh tế chuyển đổi cũng triển khai cơ chế BHTG nhằm phù hợp với định hướng kinh tế thị trường đang được áp dụng. Việc thành lập BHTGVN là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.
Ngày 9/5 tới, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với TS. Bùi Khắc Sơn, Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Mời độc giả quan tâm gửi câu hỏi đến hộp thư toasoanwebcp@chinhphu.vn. |
BHTGVN là một tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Nhà nước cấp vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng, tính đến tháng 1/2008, vốn điều lệ của BHTG Việt Nam đã được tăng lên là 5.000 tỷ đồng.
Phí BHTG là nguồn vốn bổ sung thường xuyên cho quỹ BHTG trong quá trình hoạt động. BHTGVN quy định mức phí bảo hiểm đồng hạng cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG là 0,15% năm/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.
BHTGVN có các hoạt động chính như kiểm tra, giám sát các tổ chức tham gia BHTG (ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính), củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính - ngân hàng, ngăn ngừa rút tiền gửi ồ ạt, một trong những tác nhân gây đổ vỡ lan truyền nhanh nhất.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, BHTGVN đã thực hiện giám sát từ xa 100% tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 88 ngân hàng thương mại, 12 tổ chức tín dụng phi Ngân hàng và 1.072 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương và cơ sở.
Bên cạnh đó, BHTGVN có nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và góp phần xây dựng hệ thống tài chính an toàn, lành mạnh.
Cụ thể, mỗi cá nhân gửi tiền vào tổ chức tham gia BHTG bằng đồng Việt Nam đồng nghĩa khoản tiền gửi đó mặc nhiên đã được bảo hiểm; trách nhiệm đóng phí BHTG thuộc về các tổ chức tham gia BHTG.
Khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản hay bị đóng cửa vì bất cứ lý do gì thì tiền gửi đó sẽ được BHTGVN chi trả theo quy định.
Tính đến năm 2010, BHTGVN đã thực hiện chi trả tiền bảo hiểm trên 18 tỷ đồng và đã thực hiện thu gần 8 tỷ đồng phân bổ lại chi phí đổ vỡ.
Biểu đồ 5 trụ cột phát triển của BHTGVN. Nguồn ảnh: BHTGVN |
Cần củng cố “hệ thống van”
Với sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng trong những năm vừa qua, hiện nay chính sách BHTG đã thể hiện nhiều bất cập trong đó nổi lên một số vấn đề như hạn mức chi trả thấp, năng lực tài chính, hoạt động giám sát và đánh giá rủi ro, hỗ trợ tài chính; tiếp nhận, xử lý các tổ chức tham gia BHTG phá sản, giải thể…
Hiện nay, năng lực tài chính của BHTGVN còn thấp. Theo thông lệ quốc tế (quỹ BHTG/Tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm (tỷ lệ dự trữ) thường là 2,5% - 3%. Tỷ lệ này ở nước ta là khoảng 1% và tỷ lệ này khá thấp so với các nước khác.
Bên cạnh đó, hiện mức chi trả bảo hiểm được nâng lên mức 50 triệu đồng/một người gửi tiền vào năm 2005, song vẫn được coi là thấp.
Hạn mức chi trả BHTG thấp sẽ làm giảm hiệu quả chính sách bảo hiểm. Vào thời điểm thiết lập, hạn mức trên tương đương với gần 5 lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ được khoảng 90% người gửi tiền. Tuy nhiên, hạn mức trên đã dần trở nên không còn phù hợp do tăng trưởng kinh tế của nước ta duy trì ở mức cao nên mức thu nhập bình quân đầu người hiện ở mức trên 1.100USD.
Theo BHTGVN, chính sách BHTG hiện hành quy định không bảo hiểm đối với tiền gửi là ngoại tệ. Điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG chưa được bảo vệ lợi ích khi tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ.
Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách BHTG, ảnh hưởng đến niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng.
Trước sự bất cập cũng như vai trò ngày càng lớn của BHTG trong xu thế hội nhập toàn cầu, khi cơn bão tài chính thế giới để lại không ít bài học cho nền kinh tế quốc tế, đòi hỏi có các giải pháp nâng cao hơn nữa hoạt động BHTG trong giai đoạn tới.
Hiện nay, chúng ta đang dần hoàn thiện cơ sở pháp lý để tháo gỡ bất cập, nâng cao hơn nữa hoạt động của BHTGVN. Đặc biệt, Quốc hội đã đưa Luật BHTG vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011.
Hoạt động BHTG trên thế giới từ buổi đầu manh nha khởi xướng tới nay đã trải qua 177 năm, được tổ chức triển khai theo ba hình thức: (1) tổ chức BHTG theo mô hình giảm thiểu rủi ro, đảm đương chức năng là tổ chức giảm thiểu rủi ro về tài chính và ngân hàng, (2) tổ chức BHTG có chức năng chi trả đơn thuần chỉ thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi, và (3) tổ chức BHTG có quyền hạn mở rộng kết hợp, giao thoa của cả hai hình thức trên. Mức độ phát triển hoạt động ngân hàng, điều kiện kinh tế, chính trị ở mỗi quốc gia có khác nhau nên việc lựa chọn mô hình triển khai chính sách BHTG ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. |
(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com