Một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư hoặc tổ chức lại sản xuất kinh doanh để mở thị trường, đạt hiệu quả lợi nhuận.
Chưa hết khó khăn về vốn khi lãi suất ngân hàng còn cao, giá cả nguyên liệu, nhiên liệu chưa có dấu hiệu ổn định, doanh nghiệp (DN) vẫn xoay xở tìm lối ra.
Mở thị trường trong nước và xuất khẩu
Qua quý đầu năm không mấy thuận lợi, đến tháng 4 – đầu quý II, một số DN đã có tin vui. Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn vừa xuất khẩu 3 container giấy tissue đầu tiên sang Nhật, tháng 5 xuất tiếp 10 container nữa, tổng trị giá 120.000 USD. Từ tháng 6-2011, trung bình mỗi tháng, Giấy Sài Gòn sẽ xuất 15 - 20 container sang Nhật. Công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia và từ tháng 6, tăng xuất khẩu sang thị trường Canada, Mỹlên 4 - 5 container/tháng.
Sản xuất hạt điều xuất khẩu tại nhà máy hạt điều Hamyco. Ảnh: Kiên Cường
Trong lúc khó khăn, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mì (Vikybomi) vẫn chấp nhận bỏ chi phí khá cao đi hội chợ ở Anh và Hàn Quốc để tìm kiếm khách hàng nước ngoài. May mắn, một khách hàng ở Anh đã “kết” sản phẩm và cuối tháng 4 vừa qua, công ty đã xuất 8 tấn bột trộn sẵn Mikko sang Anh. Vikybomi còn tích cực mở thị trường trong nước đến tận các vùng sâu, vùng xa, với việc tham gia 10 phiên chợ bán hàng nông thôn từ nay đến tháng 9 tới.
Công ty Cổ phần Sài Gòn Foodnăm nay đổi hướng sang sản xuất thực phẩm chế biến dùng hằng ngày và làm sản phẩm có thể bảo quản nhiệt độ thường để thay thế dòng sản phẩm chủ lực là lẩu bị sụt giảm do người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm. Kết quả, thị trường nội địa vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng khá, chiếm 50% trong tổng doanh thucông ty.
Đầu tư cho tương lai
Trong khi một số DN đành phải dừng dự án đầu tư vì thiếu vốn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới thì Giấy Sài Gòn đã gắng gượng tiếp tục đầu tư lại Nhà máy Mỹ Xuân 2. Mới đây, công ty đã ký kết hợp tác - đầu tư chiến lược với Công ty Daio Paper Corporation và Quỹ Đầu tư BridgeHead – trực thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Hai nhà đầu tư này sẽ nắm giữ trên 38% cổ phần Giấy Sài Gòn.
Đây có thể coi là thương vụ đầu tư chiến lược có chiều sâu nhất trong ngành giấy Việt Nam bởi không chỉ về vốn, các đối tác Nhật Bản sẽ chia sẻ với Giấy Sài Gòn toàn diện về quản lý kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực để thực hiện mục tiêu chiếm 40% thị phần giấy tissue và 15% thị phần giấy bao bì tại thị trường Việt Nam, chưa kể sẽ tăng xuất khẩu sang Nhật.
Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Hà Mỵ đã khánh thành nhà máy chế biến hạt điều tại cụm công nghiệp Hamyco. Nhà máy được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, công suất 50.000 tấn/năm theo quy trình khép kín từ khâu sơ chế đến thành phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP, tổng kinh phí xây dựng hơn 100 tỉ đồng. Nhà máy được xem là mô hình mẫu của tỉnh Bình Phước về chế biến hạt điều bán thành phẩm và thành phẩm chất lượng cao để Bình Phước nhân rộng ra nhiều DN chế biến, xuất khẩu nông sản khác.
Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé) đã sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung xây dựng các nhà máy chế biến cà phê nhân chất lượng cao; xây dựng các nhà máy cà phê rang xay ở các vùng có thương hiệu nổi tiếng như Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Pleiku, Ðà Lạt... Ngoài ra, Vinacafé đang xây dựng 4 trung tâm thương mại dịch vụ tại Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Khánh Hòa, song song đầu tư phát triển 3.000 ha cà phê, chè tại Lào. Giảm đầu tư nhưng trong mỗi dự án trên, Vinacafé đều gắn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cả ở thị trường trong và ngoài nước.
(Theo Nguyễn Vân/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com