Ngân hàng có dấu hiệu dư thừa ngoại tệ, giá USD đã giảm nhưng lãi suất huy động VND còn bất ổn…
USD, vàng… hết sốt
Ảnh minh họa |
Hiện tỷ giá VND/USD đã ổn định. Những ngày cuối tháng 4, giá thu mua USD trong và ngoài ngân hàng xuống còn 20.486 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, tỉ giá VND/USD nằm ở giá sàn (mức giá được tính trên cơ sở tỉ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 28/4 là 20.693 đồng/USD trừ biên độ cho phép 1%).
Trong khi đó, giá bán của các ngân hàng là 20.590 đồng/USD, cao hơn giá mua vào 104 đồng/USD, tính ra đã giảm 374 đồng/USD so với ngày đầu tiên (11/2) các ngân hàng áp dụng cơ chế tỉ giá mới là 20.890 đồng/USD. Điều này cho thấy cung cầu USD của các ngân hàng không còn căng thẳng.
Trên thị trường vàng, giá vàng SJC tiếp tục thấp hơn giá thế giới, bất chấp giá vàng thế giới vọt lên trên 1.500 USD/ounce. Tuy giá USD đã giảm mạnh, giá vàng liên tục tăng nhưng thị trường vàng, ngoại tệ trong thời gian gần đây vẫn trầm lắng.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng, ngoại tệ bình ổn chủ yếu nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ vừa mang tính hành chính lẫn kỹ thuật. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quyết liệt kiểm tra, xử phạt các điểm giao dịch ngoại tệ trái phép khiến giới đầu cơ USD không dám hoạt động công khai.
Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước bán ngoại tệ làm tăng nhanh nguồn cung USD cho các ngân hàng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế thành phần được vay vốn ngoại tệ, từ đó cầu USD đi xuống; lãi suất gửi ngoại tệ xuống còn 3%/năm cũng đã kích thích người dân từng bước chuyển sang gửi tiết kiệm VND.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ lên 6% làm tăng chi phí kinh doanh khiến các ngân hàng không còn mặn mà huy động vốn bằng USD, trong khi thành phần được vay vốn bằng ngoại tệ ngày càng bị thu hẹp, từ đó cầu USD sụt giảm...
Các chính sách liên quan đến thị trường vàng đã phát huy tác dụng mạnh mẽ. Việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay bằng vàng, định hướng giao dịch vàng miếng đi vào khuôn khổ pháp luật đã loại bỏ đối tượng đầu cơ vàng ra khỏi thị trường.
Giải pháp ổn định lãi suất huy động VND
Có một thực tế trên thị trường là mặc dù tất cả các ngân hàng thương mại đều niêm yết lãi suất cao nhất là 14%, không vượt trần quy định. Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, cũng có tình trạng ngân hàng thương mại phải chấp nhận thương lượng với khách hàng gửi tiền với mức lãi suất phổ biến cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 19- 20%.
Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, nguồn cung tiền đang bị giảm, các ngân hàng nhỏ có thanh khoản kém đã tìm cách đẩy lãi suất lên cao nhằm thu hút nguồn tiền gửi. Những ngân hàng khác không thiếu VND cũng phải đua theo để giữ chân khách hàng.
Về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhận xét, trước áp lực lạm phát hiện nay, thì kỳ vọng về lãi suất của người tiêu dùng vẫn cao hơn so với mức trần 14%/năm đang được áp dụng đối với lãi suất tiết kiệm tiền đồng, cho dù xét trên thực tế, thì trần lãi suất này đã thực dương. Vì thế, theo ông Lịch, các doanh nghiệp cũng cần tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình trong năm nay, khi mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận chưa thể sớm giảm như kỳ vọng. Tuy nhiên, TS Lịch cho rằng, với các giải pháp đã được Chính phủ đưa ra và đang quyết liệt thực hiện, thì khả năng áp lực lạm phát sẽ giảm dần ở những tháng cuối năm. Lãi suất tiền đồng cũng sẽ theo xu hướng đi xuống, có thể từ giữa hoặc cuối quý III/2011, nhưng cần kiểm soát được tăng trưởng tín dụng dưới 20% để kiểm soát lạm phát. Còn theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nếu cơ quan quản lý không kiểm soát được thị trường lãi suất hiện nay thì nên bỏ trần lãi suất VND 14%/năm. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu từ 12%/năm lên 14% - 15%/năm, bảo đảm bơm đủ tiền cho các ngân hàng thương mại thiếu hụt vốn tạm thời (mất thanh khoản tạm thời). Khi đó, tình trạng các ngân hàng đua tăng lãi suất sẽ không xảy ra.
Vũ Trọng
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com