Thay vì cụm từ “thắt chặt chính sách tiền tệ”, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 01/3/2011 về triển khai Nghị quyết 11 đã “làm mềm” thành: Năm 2011, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng... Nhưng rõ ràng, NHNN sẽ siết chặt quản lý cả ba thị trường: vàng, ngoại tệ, và tín dụng.
“Thắt” từ trên thắt xuống...
Từ khi chính phủ ban hành Nghị Quyết 11/NQ-CP, ngày 24/2/2011, thị trường vàng và ngoại tệ trầm lắng hẳn. Có thể nói, chưa khi nào người dân lại quan tâm đặc biệt đến chủ trương, chính sách của Chính phủ như lúc này. Có ba điểm mà thị trường tài chính - ngân hàng quan tâm nhất trong Nghị quyết 11: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ còn dưới 20%. Thứ hai, NHNN sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để các TCTD, cá nhân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Và thứ ba, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
Như vậy, nhiệm vụ chính phủ giao cho NHNN khá cụ thể, có thể hiểu đơn giản là NHNN sẽ “thắt” cả ba: tín dụng, vàng và ngoại tệ. Về tín dụng, theo Chỉ thị 01/CT-NHNN, NHNN yêu cầu các TCTD: Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%. TCTD phải nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời giảm mạnh tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (không được vượt mức 22% tại thời điểm 30/6/2011 và tiếp tục giảm thêm 6%, tức tối đa là 16% tính đến thời điểm 31/12/2011). Đặc biệt, lần này NHNN đưa ra luôn chế tài xử phạt đối với TCTD không tuân thủ yêu cầu trên: TCTD nếu chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung. Và đến 30/6/2011, nếu tốc độ tăng tín dụng có thể vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHNN áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật để kiểm soát tín dụng.
Về ngoại tệ, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp nhằm giảm tình trạng đô la hóa, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Các TCTD hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, cho vay bằng VND để mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu...
Về vàng, kiểm soát chặt thị trường vàng; chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng, điều tiết và ổn định giá vàng; tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do… TCTD phải giảm mạnh huy động và cho vay bằng vàng...
Chỉ trong 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,87% so với tháng 12/2010, “đạt” quá nửa chỉ tiêu Quốc hội đề ra (7%) cho cả năm 2011. Lạm phát cao thì phải thắt chặt tiền tệ, nguyên lý chung là như vậy. Bối cảnh hiện nay khiến chúng ta nhớ lại năm 2008, nhưng các chuyên gia cho rằng, lúc đó không chỉ do chúng ta đã nỗ lực, mà còn được “cứu” bởi khủng hoảng tài chính tiền tệ trên thế giới... Giờ, điều kiện trong và ngoài nước không còn như năm 2008, nên chỉ có thể tự cứu mình.
Và… sẽ nở?
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ, kèm theo đó là cắt giảm đầu tư công... sẽ khiến mọi thành phần kinh tế phải thật sự thắt lưng buộc bụng. Nhưng thực tế, sau nhiều năm nỗ lực, thì hiện tín dụng vẫn là nguồn thu chủ yếu của các TCTD. Điều này lý giải phần nào việc trong ba năm (2008-2010), tăng trưởng tín dụng luôn vượt kế hoạch NHNN đề ra ban đầu. Năm 2010, NHNN cũng khẳng định tập trung tín dụng cho khu vực sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội; siết chặt cho vay chứng khoán, bất động sản. Thế nhưng, thực tế là dư nợ cho vay hai lĩnh vực này vẫn đạt một con số đáng kể trong năm 2010: cho vay đầu tư chứng khoán khoảng 11.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,47% tổng dư nợ cho vay); Dư nợ cho vay bất động sản là 228.000 tỷ đồng (chiếm hơn 50% dư nợ cho vay phi sản xuất). Tính chung năm 2010, tín dụng cho khu vực phi sản xuất chiếm 18,7% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành (tương đương 431 ngàn tỷ đồng).
Trả lời phỏng vấn báo giới, Thống đốc NHNN cho biết, trong 42 TCTD trong cả nước thì có 18 tổ chức có cơ cấu dư nợ phi sản xuất từ 25% trở xuống. Còn lại 24 TCTD có tỷ lệ này cao hơn. Năm 2010, dù NHNN đã cảnh báo các TCTD về việc không khuyến khích cho vay khu vực phi sản xuất, nhưng thực tế ở một số NHTM, nhất là NHTMCP nhỏ, tỷ lệ này rất cao so với tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng: NHTMCP Phương Tây là 52,2%; NHTMCP Sài Gòn Hà Nội 47%; NHTMCP Nam Việt 41%... và ngay cả những NHTMCP lớn, tỷ lệ cho vay phi sản xuất cũng khá cao: NHTMCP Á Châu là 18%, Đông Nam Á 21%... Phát biểu trong cuộc họp Ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết 11/ NQ –CP hôm 3/3, Thống đốc NHNN khẳng định, năm nay tỷ trọng cho vay phi sản xuất phải được đưa xuống mức 16%/tổng dư nợ tín dụng toàn ngành; tốc độ tăng trưởng của khu vực này là bằng không so với năm 2010.
Thị trường tỏ ra khá lo lắng trước quyết tâm của NHNN. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc NHNN đặt ra lộ trình giảm làm 2 bước thành 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm sẽ giúp các TCTD không bị “sốc”. Đồng thời, trong cuộc họp báo Chính phủ hôm 2/3, ông cũng khẳng định: Năm 2011, nguồn vốn tín dụng tiếp tục được ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, và tam nông. Thống đốc cho biết thêm: Triển khai Nghị định 41/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, năm 2010, NHNN đã có chính sách ưu tiên áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức rất thấp đối với các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng phục nông nghiệp, nông thôn so với tổng dư nợ đạt mức cao. Đây là cách để hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí và tăng nguồn vốn cho vay. Các TCTD này còn được NHNN ưu tiên tái cấp vốn…
Thống đốc NHNN cũng thừa nhận, việc đưa tăng trưởng tín dụng xuống mức dưới 20% là khó khăn cho các TCTD, “nhưng khó vẫn phải thực hiện”- thống đốc bày tỏ thái độ kiên quyết. Các TCTD buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch, bất kể lớn hay nhỏ đều phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Thống đốc yêu cầu các tổng giám đốc NHTM phải quán triệt mục tiêu này xuống từng chi nhánh. Những tháng cuối năm, NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về: chất lượng tín dụng; việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động (thông tư 13, thông tư 19); thanh tra tại chỗ các công ty mua bán nợ, công ty chứng khoán trực thuộc các TCTD... NHNN cũng sẽ đề xuất xử phạt cao hơn đối với các TCTD không tuân thủ. Thống đốc khẳng định sẽ sử dụng cả hai biện pháp là kinh tế (tăng dự trữ bắt buộc) và hành chính (không cho mở rộng mạng lưới, lĩnh vực họat động kinh doanh...). Trong chiến dịch kiềm chế lạm phát lần này, NHNN cũng yêu cầu các NHTM Nhà nước tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, đàu tàu gương mẫu. Về vấn đề này, trong buổi họp báo, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam nêu quan điểm: NHNN cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch, NHNN nên công bố công khai cơ chế kiểm soát và các chế tài để các NHTM thực hiện.
(Doanh Nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com