Chủ tịch FED Ben Bernanke đã lên tiếng biện minh cho quyết định bơm tiền, trong khi thị trường hoàn toàn không bị bất ngờ trước “cú hích” này với phản ứng trái ngược là đồng USD bị mất giá và màu xanh vẫn hiển hiện trên các bảng giao dịch chứng khoán.
Đúng như dự đoán của giới phân tích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi khi cam kết mua 600 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, nhằm thổi luồng sinh khí vào nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chật vật phục hồi.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) nhấn mạnh tốc độ phục hồi kinh tế và thị trường việc làm vẫn chậm, nên mỗi tháng FED sẽ mua khoảng 75 tỷ USD trái phiếu của Bộ Tài chính. Thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch này là cuối quý 2/2011 và FED sẽ định kỳ xem xét quy mô và tiến độ thực hiện để từ đó có sự điều chỉnh cần thiết tùy theo tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Ngoài ra, FED cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục 0-0,25% thêm một thời gian nữa nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế.
Kể từ khi kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 80 năm qua vào năm 2008, FED đã phải hạ lãi suất xuống gần mức 0% và bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế.
Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết sở dĩ FED phải thực hiện “những biện pháp khác thường” bởi vì ngân hàng trung ương này "có nhiệm vụ đặc biệt trong việc hỗ trợ thúc đẩy gia tăng việc làm và duy trì sự ổn định giá cả". Theo ông, nỗ lực bơm tiền của FED - được biết đến với tên gọi nới lỏng có định lượng (QE) - đã tỏ ra có hiệu quả trong việc hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chống chọi với khủng hoảng thời gian qua. Theo ông, các điều kiện tài chính dễ dàng hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lãi suất thế chấp thấp hơn giúp người dân mua nhà dễ hơn và cho phép nhiều chủ sở hữu nhà tái cấp vốn. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thấp hơn sẽ khuyến khích đầu tư. Giá cổ phiếu cao hơn sẽ làm gia tăng của cải của người tiêu dùng và củng cố niềm tin của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Quyết định của FED nhằm hạ thấp hơn nữa chi phí đi vay đối với cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp vốn đang "oằn lưng" gánh chịu hậu quả của đợt suy thoái tệ hại nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái trong thập niên 1930.
Các thị trường không bị bất ngờ trước “cú hích” của FED trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang lao đao với tỷ lệ thất nghiệp 9,6% và tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3/2010 chỉ còn 2%. Thế nhưng, đồng USD đã bị giảm giá so với hầu hết các đồng tiền châu Á trong phiên giao dịch ngày 4/11 tại Tôkyô. Đồng USD giảm từ mức 81,12 JPY/USD ở thời điểm cuối phiên giao dịch ngày 3/11 tại New York xuống 80,82 JPY/USD. Còn đồng euro đứng ở mức 1,4128 USD/euro và 114,18 JPY/euro, so với mức 1,4130 USD/euro và 114,65 JPY/euro trong phiên trước. Trong khi đó, màu xanh vẫn hiển hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thế giới do giới đầu tư kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com