Mấy ngày gần đây, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn biến động mạnh theo chiều hướng tăng thay vì mức bình quân chỉ là 3 - 4%/năm như trước đây.
Ví dụ, tại SeABank, tiền gửi được hưởng lãi suất từ 9 - 12%/năm khi khách hàng chuyển tiền sang một gói tài khoản dành riêng cho tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản SeaSave Smart. Còn khách hàng của VPBank có nguồn tiền luân chuyển qua tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất lên tới 9%/năm khi sử dụng tài khoản VP Super.
Lý giải về động thái này, nhiều NHTM giải thích, sở dĩ phải tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn nhằm giảm tối đa thiệt hại mà người gửi tiền phải chịu sau khi NHNN quy định, người rút tiền trước hạn phải chịu lãi suất không kỳ hạn cũng như việc chấm dứt các chương trình tiết kiệm linh hoạt theo Thông tư số 04/2011/TT-NHNN. Thực tế, việc đẩy các mức lãi suất trên lên cao là "cực chẳng đã" để thu hút vốn, bởi bản thân ngân hàng cũng sẽ phải chịu rủi ro tăng chi phí hoạt động.
Cũng đồng quan điểm trên, nhưng ông Phạm Quyết Thắng, Tổng Giám đốc GP.Bank chia sẻ thêm, thời gian qua, nhiều ngân hàng ở trong tình trạng chỉ huy động được vốn ngắn hạn không quá 3 tháng. Bên cạnh đó, NHNN đang bỏ ngỏ việc sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1%, nên các ngân hàng rất lo lắng. Do vậy, ngân hàng nào cũng trong tư thế phòng thủ, tìm mọi cách để thu hút lượng tiền gửi. "Nguyện vọng của ngân hàng chắc chắn muốn có tiền gửi dài hạn, nhưng trong tình cảnh hiện nay thì có bao nhiêu tốt bấy nhiêu", ông Thắng nói.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc NHNN ban hành Thông tư 04 quy định các khoản rút vốn trước hạn của khách hàng chỉ được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, có thể khiến người gửi tiền chuyển các khoản tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt trước đây thành các khoản tiền gửi kỳ hạn tuần. Do lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng vừa qua là khá thấp, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn tuần tại hầu hết đơn vị được đẩy lên kịch trần 14%/năm.
Đơn cử, tiền gửi có kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần của ACB đều có mức lãi suất 13,90%/năm còn của Việt Nam Tín nghĩa Ngân hàng tương ứng là 14%/năm. Nếu điều này xảy ra sẽ gây nhiều khó khăn, thậm chí còn đẩy nhiều ngân hàng vào rủi ro thanh khoản, do trước đây sản phẩm tiền gửi rút gốc linh hoạt thực chất là một hình thức để biến các khoản tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi trung - dài hạn. Đó cũng chính là lý do khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây liên tục nóng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, năm 2010, NHNN đã bơm một lượng tiền khá lớn qua thị trường mở và tái cấp vốn. Nhưng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và trước sức ép lạm phát cao, NHNN đã thắt chặt tiền tệ bằng biện pháp giảm tăng trưởng tín dụng, dẫn đến lượng tiền cung ứng ra thị trường ít đi. Thị trường mở thông qua giao dịch kỳ hạn không còn bơm ròng mà đến hạn thì bơm ra và đến hạn lại rút về. Mặc dù lượng hút ròng chưa mạnh, nhưng lượng tiền rõ ràng đang khan hiếm, khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng lên 20 - 22% và lãi suất kỳ hạn một tháng lên tới 25%/năm thì đương nhiên các kỳ hạn khác sẽ tăng lên.
Mặc dù cho rằng, việc tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn của các ngân hàng không vi phạm mức tối đa 14%/năm, nhưng bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, việc này sẽ tạo ra những cơn sóng ngầm trên thị trường tiền tệ. Theo bà Hương, các ngân hàng nên hợp tác với nhau, không nên làm thị trường xáo trộn bằng những mức lãi suất bất thường. Trong trường hợp ngân hàng nào cần vốn, cần thanh khoản thì nên gặp NHNN là người cho vay cuối cùng. "Động viên các nguồn tiền trong dân là việc nên làm, nhưng mức độ lãi suất nên phù hợp mặt bằng lãi suất chung của thị trường", bà Hương nhấn mạnh.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com