Trung Quốc đổ tiền tài trợ cho 90 quốc gia trên khắp thế giới. Điều gì thực sự đứng sau sự hào phóng của người khổng lồ Trung Quốc?
Người Trung Quốc ở khắp mọi nơi, hay chính xác hơn, tiền của Trung Quốc ở khắp mọi nơi, chủ yếu là từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Hai ngân hàng này chịu trách nhiệm về tất cả các nguồn tài chính ở nước ngoài của Trung Quốc, họ đang tạo ra một làn sóng trên thế giới.
Theo Financial Times, giai đoạn 2008-2010, lượng vốn mà Trung Quốc cho vay đã vượt qua Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 10 tỷ USD. Đến cuối năm 2010, vốn cho vay của CDB đã đi đến hơn 90 quốc gia, với tổng giá trị vốn là 141,3 tỷ USD.
Có phải Trung Quốc đang định hình lại bức tranh hỗ trợ phát triển của thế giới? Có lẽ là như vậy.
Đầu tư Trung Quốc ở Zambia, quốc gia với trữ lượng đồng và than đá giàu có, chiếm tới 7,7% GDP của nước này. Trung Quốc xây dựng đường sắt ở Ả Rập Saudi, và vùng Tây Tạng Himalaya. Thậm chí là họ còn có kế hoạch xây dựng một đường cao tốc tại Bắc Cực để tạo thuận lợi thương mại trên toàn khu vực đó.
Ở Campuchia, Trung Quốc đã đóng góp 260 triệu USD để hỗ trợ phát triển trong năm 2009, thay thế Nhật Bản trở thành quốc gia cung cấp viện trợ lớn nhất của Campuchia, vượt cả danh mục cho vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Hầu như các nước nhận tài trợ của Trung Quốc đều hài lòng. Tại sao?
Thứ nhất, trong hoạt động tài trợ của Trung Quốc, không có cái gọi là gói “hỗ trợ kĩ thuật”, vốn nhận được nhiều lời chỉ trích của các nước đối với các cơ quan tài trợ.
Thứ hai, Trung Quốc viện trợ không đòi hỏi những chuyến khảo sát tiền dự án của các quan chức từ xa đến.
Thứ ba, hoạt động tài trợ của Trung Quốc diễn ra khá nhanh chóng, không có những cuộc đàm phán kéo dài và những tài liệu dự án dày cộp. Cuối cùng, Trung Quốc không đưa ra những điều kiện kèm theo như bảo vệ môi trường, yêu cầu sự tham gia của cộng đồng.
Mô hình viện trợ đặc biệt đó của Trung Quốc là một trong những trụ cột chính mà học giả Trung Quốc Sheng Ding gọi là chiến lược quyền lực mềm. Đó không chỉ đơn giản là việc Trung Quốc đi hỗ trợ cho các nước, mà sự thực là cách mà Trung Quốc đang thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu của mình cũng như phổ biến văn hóa ra toàn thế giới.
Nhưng dấu hiệu đáng lo ngại về hoạt động cho vay tưởng chừng như vô hại của Trung Quốc đang dần xuất hiện.
Trung Quốc hỗ trợ tài chính đi kèm với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khoáng sản. Các nhà môi trường lo lắng rằng nếu không có sự kiểm soát của Chính quyền địa phương và ý thức từ phía Trung Quốc, điều đó có thể dẫn đến sự suy giảm tài nguyên.
Hơn nữa, các gói hỗ trợ Trung Quốc thường đi kèm với công nghệ và người lao động của Trung Quốc, tức là sẽ hạn chế cơ hội việc và năng lực xây dựng cho người dân địa phương.
Sự cần thiết có một cơ chế công bố và minh bạch thông tin tài trợ đã được nhấn mạnh nhiều lần. Trung Quốc cũng không có một cơ chế về hiệu quả viện trợ, gắn kết viện trợ Trung Quốc với chiến lược phát triển quốc gia, hoặc thiết lập một diễn đàn để phối hợp với các nhà tài trợ song phương và đa phương. Có rất nhiều lo ngại rằng viện trợ của Trung Quốc đang bắt đầu trở nên nguy hiểm.
Và nỗi lo lắng ngày càng lớn khi mà Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ từng ngày, vượt qua Nhật Bản và trở thành nỗi đe dọa của Mỹ.
Trong một thế giới đã mệt mỏi với những hiệu quả hạn chế của các chương trình phát triển, giảm bớt đói nghèo, vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước trên thế giới cung cấp nhiều cơ hội để tái tạo lại bức tranh viện trợ kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có một kế hoạch cụ thể, và Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với sự phát triển lành mạnh của kinh tế thế giới.
Theo ProjectSyndicate
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com