Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hoãn nợ cho Vinashin, ngân hàng còn có lợi

Số phận Vinashin khi đã quá hạn trả 60 triệu USD đợt 1 trong món nợ 600 triệu USD đối với các ngân hàng nước ngoài vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng nên hoãn nợ cho Vinashin sẽ lợi hơn.

Chính các ngân hàng cũng có lỗi


Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Quang A nói rằng, cách ứng xử như ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Vinashin là đúng. Nhưng bên chủ nợ, nếu cứ khăng khăng không cho hoãn nợ mà con nợ không có tiền trả, thế thì phải làm sao?

Cũng có thể thấy, khoản 60 triệu USD phải trả cho Credit Suisse vào 20/12/2010 đến nay, đã là quá hạn. Xét cho cùng, chính các chủ nợ cũng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc phải cho Tập đoàn này hoãn nợ. Vấn đề là hoãn nợ 1 năm, hay 6 tháng, với điều kiện gì?.

Bình luận về tình huống này, TS. Nguyễn Quang A bày tỏ, nếu món nợ vừa vừa thì chủ nợ có thế mạnh. Nhưng khi nợ nhiều mà con nợ mất cả khả năng trả thì chủ nợ sẽ không còn thế mạnh gì nữa.

Lỗi ở đây không phải chỉ do mình Vinashin. Bản thân các ngân hàng khi cho vay, đã không tính toán kỹ, thẩm định kỹ khách hàng nên nay mới gặp rủi ro.

Có lẽ, họ lầm tưởng rằng, nếu doanh nghiệp này khó khăn thì đằng nào, cũng có Nhà nước giơ bàn tay ra cứu. Nhưng thực sự, Chính phủ Việt Nam sẽ không thể làm thế. Lời phát biểu của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Bộ KH-ĐT khi cho rằng, Chính phủ sẽ không hỗ trợ Vinashin trả nợ khoản này cũng là rất hợp lý, ông A nhấn mạnh.

Qua vụ Vinashin, các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ phải rút ra bài học cho mình trong việc không nên cho vay bữa bãi, dễ dãi. Như thế là tốt cho chính ngân hàng trong dài hạn.

Có lẽ, kỳ vọng của các ngân hàng nước ngoài vào việc "gây sức ép cho Vinashin để Chính phủ phải ra tay cứu giúp" là quá mong manh.

Trên thực tế, khoản 600 triệu USD này không phải là khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh. Đồng thời, khi các lãnh đạo cũ của Vinashin đã rơi vào vòng lao lý, các cuộc thanh kiểm tra, điều tra sẽ phải làm rõ các khoản vay của Vinashin, trong đó có khoản 600 triệu USD này đã chảy về đâu? Do đó, cơ sở để Chính phủ "xuất tiền ngân sách" ra trả nợ thay là không thể có.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng 8, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng từng nói, nếu cần, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu cho Vinashin vay lại để trả nợ.

Luật sư Đinh Thế Hùng, Trưởng văn phòng luật Bách Sự Thuận (đường Láng, Hà Nội) cho rằng, đây là việc Chính phủ có thể làm trong khung khổ pháp luật qui định. Tuy nhiên, yếu tố hiệu quả sẽ cần phải xem xét rất kỹ lưỡng. Chính phủ có thể ưu đãi cho Vinashin như hoãn thuế, giảm lãi suất để vay trả nợ lương… chứ chắc chắn, không thể trả nợ thay các khoản nợ thương mại thông thường.

Gia hạn nợ cho Vinashin là giải pháp lợi nhất

Chia sẻ ý kiến về câu chuyện này, Luật sư Đinh Thế Hùng nhận định, có thể sẽ xảy ra 3 tình huống.

Một là, các ngân hàng không cho Vinashin hoãn nợ thì Vinashin chỉ có cách là bán tài sản đi để trả nợ. Ở cách này, bán vốn để trả nợ thì Vinashin khó sống, nhưng trên thực tế, muốn bán, chuyển nhượng, tái cơ cấu được 216 công ty con thì Vinashin cũng cần có thời gian để bán, thu hồi vốn.

Tình huống thứ 2, các ngân hàng cho Vinashin hoãn nợ nhưng lại phạt Vinashin lãi suất chậm trả nợ. Theo luật ngân hàng ở Việt Nam, mức phạt do chậm thanh toán trả nợ vốn gốc cho ngân hàng, có thể bằng tới 150% trên lãi suất thông thường.

Luật sư Hùng nói, nếu ở tình huống này, Vinashin sẽ khó mà "ngóc đầu" lên nổi khi lãi mẹ lại đẻ lãi con, với mức lãi phạt cao ngất ngưởng như vậy.

Chỉ có tình huống thứ 3 là khả quan nhất cho đôi bên, tức các ngân hàng cho Vinashin hoãn nợ, nhưng không phạt chậm trả nợ. Với điều kiện này, Vinashin mới có cơ cầm cự, tìm con dường thoát. Các ngân hàng mới có cơ hội thu được nợ.

Dự đoán về “cách ứng xử của các ngân hàng”, TS. Nguyễn Quang A cũng cho rằng, khi con nợ Vinashin đã rệu rã như thế, chủ nợ sẽ phải tái cơ cấu lại nợ. Có nhiều cách như giảm lãi, giảm vốn gốc và thậm chí, cho vay tiếp để con nợ hồi phục, có khả năng trả nợ cũ, nhưng cách dễ nhất, nhẹ nhàng nhất chính là cho gia hạn nợ.

Ông A cho hay, nếu cố tình ép nợ, với đống “tàu cũ nát” còn lại của Vinashin thì các chủ nợ  có bán đi, chỉ thu lại được 1 phần, mất mát là rất lớn. Còn nếu không ép nợ nữa, cho Vinashin hoãn nợ thì có thể 2-3 năm sau, các ngân hàng có thu về được 5 phần, 10 phần. Bên nào lợi, bên nào thiệt thì chắc họ đã thấy rõ.

Phân tích thêm về tình huống nếu Vinashin bị ép nợ tới mức phá sản, ông Nguyễn Quang A cho biết, khi đó, việc trả nợ sẽ được phân ra theo các nhóm ưu tiên khác nhau. Và trong đó, nhóm chủ nợ như Credit Suise sẽ là nhóm ưu tiên cuối cùng.

Giả sử phải phá sản, đầu tiên, Vinashin sẽ phải ưu tiên là trả cho người lao động tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội…, kế đến là các khoản phải nộp cho ngân sách như thuế, phí…, cuối cùng mới đến các chủ nợ thương mại khác, đó là chủ của khoản nợ 600 triệu USD chẳng hạn, hay như khoản vay thông thường khác, các khoản mà khách hàng bán nguyên vật liệu nhưng Vinashin chưa trả tiền… Và trong nhóm thứ 3 này, món nợ nào có tài sản thế chấp sẽ được ưu tiên trả trước.

Có thể nói, trong trường hợp này, các chủ nợ nhóm thứ 3 có thể chỉ thu nợ được bằng  10%, 20% hay 50% khoản nợ hay không thì chưa biết được. Hơn nữa, đây là một quá trình rất phức tạp.

Chính thế, TS. Nguyễn Quang A đúc rút: “Về nguyên tắc, các ngân hàng có thể làm vậy, nhưng tôi tin là các ngân hàng nước ngoài không dại gì mà làm theo cách này”.

Các phân tích của luật sư Đinh Thế Hùng cũng cho thấy, các ngân hàng cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn khi ép nợ Vinashin tới phá sản. Ông Hùng nói, khi con nợ là một doanh nghiệp Nhà nước thì việc “siết nợ, lấy tài sản để trừ nợ” là rất khó. Rào cản mạnh nhất cho chính các chủ nợ nước ngoài nằm ở chỗ, đây là Tập đoàn kinh tế Nhà nước, vốn sở hữu Nhà nước nằm chính ở tài sản hiện nay của Vinashin.

Do đó, việc bán tài sản Nhà nước để trả nợ sẽ cần một qui chế đặc biệt và phải do Chính phủ có ý kiến, chứ Vinashin sẽ không tự quyết được.

Chưa kể, giả thiết nếu thu hồi tài sản của Vinashin, các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ gặp trở ngại khi phải quản lý, điều hành, sản xuất hoặc bán đi để làm sao thu lời trừ nợ.

Ông Hùng cho rằng, có thể, các ngân hàng sẽ phải đối xử khác, tính toán kỹ lưỡng. Và trên thực tế, Vinashin nợ đầm đìa thì… còn đâu tài sản cho việc siết nợ?

Trong câu chuyện này, chỉ còn cách chính các chủ nợ ngân hàng nước ngoài phải để Vinashin được vực dậy, làm ăn khá hơn thì sẽ có cơ hội thu nợ. Các ngân hàng sẽ buộc phải chịu thiệt về thời gian chờ đợi.

Báo chí quốc tế cũng đưa tin rằng, vụ Vinashin có thể sẽ làm ảnh hưởng tới tín nhiệm nợ của Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới và có thể, gây khó khăn cho các Tập đoàn khác của Việt Nam đi vay nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế.

Tuy nhiên, luật sư Đinh Thế Hùng cho rằng, chuyện Vinashin đổ vỡ có thể là một cú giật mình, cảnh tỉnh cho các ngân hàng, nhưng không phải là yếu tố quyết định việc cho vay. Yếu tố then chốt là bản thân khách hàng đó có làm ăn hiệu quả hay không, các ngân hàng sẽ thẩm định rất kỹ hồ sơ thì mới cho vay.

(VEF)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Bài 2: Vì sao doanh nghiệp “hững hờ” với nhà cho thuê?
  • Nợ công, lo chung
  • Môi trường kinh doanh
  • ODA tiếp tục là nguồn vốn quan trọng
  • Vì sao nhà băng lãi lớn khi doanh nghiệp liêu xiêu?
  • Trung - Mỹ lại “nóng” chuyện tỷ giá
  • Lãi vay đóng băng tín dụng
  • Quản lý nợ công: Tránh vay tiền rồi để không
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!