Trái ngược với diễn biến tăng điểm dần đều qua từng nhóm ngành của tuần trước đó, TTCK trong tuần qua đã trải qua nhiều sóng gió với 2 phiên giảm điểm đầy bất ngờ nằm ngoài dự kiến của các chuyên gia.
Kết thúc tuần giao dịch, cả hai chỉ số đều mất điểm khá nhiều so với tuần trước, tuy nhiên khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức khá tốt và tâm lý NĐT đã dần ổn định trở lại.
Hiện tại, tương quan cung cầu trên thị trường tương đối cân bằng với lợi thế nghiêng một chút về phía mua, cho thấy các thông tin được dự báo trước dù tốt hay xấu cũng đã phản ánh phần lớn vào giá. Do vậy những biến động tiếp theo của TTCK trong ngắn hạn sẽ không phải là quá lớn. Xu thế tăng điểm trong trung và dài hạn chỉ thay đổi nếu có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt.
Tuy nhiên, CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS) cho rằng trường hợp đó sẽ ít có khả năng xảy ra, bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, dự đoán CPI tháng 3 của cả nước theo Bộ Tài chính sẽ tăng từ 0,5-0,6%, mặc dù đây là mức cao so với mọi năm vẫn có thể chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Đặc biệt, lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm không phải do chính sách tiền tệ nới lỏng gây ra, mà nguồn gốc là tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như than, xăng, điện.
Theo tính toán việc tăng giá điện, xăng sẽ làm tăng CPI tương ứng khoảng 0,16% và 0,024%. Do vậy, để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hiện nay cần những biện pháp kiểm soát và điều tiết giá cả thị trường, chống việc đẩy giá do độc quyền hay do đầu cơ lũng đoạn.
Thứ hai, thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán đang kỳ vọng vào việc gỡ bỏ trần lãi suất huy động tại các NHTM, để giúp cải thiện tín dụng, điều hòa luồng vốn đúng theo nhu cầu của thị trường, góp phần cân đối vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời tăng nguồn thanh khoản quan trọng cho chứng khoán.
Việc gỡ bỏ trần LSHĐ 10,5% là rất cần thiết, bởi ngay cả việc huy động nguồn trái phiếu Chính phủ được đánh giá là rất an toàn với lãi suất lên tới 12% cũng không thể bán thành công hết (18/3, đấu thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng chỉ huy động thành công được 600 tỷ đồng).
Thứ ba, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra cho năm 2010 – năm bản lề của kế hoạch KT-XH 2005-2010, gắn liền với sự kiện quan trọng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, thì khả năng siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát một cách máy móc sẽ khó xảy ra. Mà thay vào đó, cần tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng (6,5-7%/năm), đồng thời chấp nhận CPI có thể tăng trên 7% nhưng dưới hai con số.
Theo WSS, Trong tuần tới khi các thông tin kinh tế vĩ mô tháng 3 được công bố như tăng trưởng CPI, tăng trưởng tín dụng, cán cân thương mại… thì xu thế thị trường sẽ được xác định rõ ràng hơn trong ngắn hạn. Với dòng tiền lớn chảy khá mạnh vào nhóm bất động sản, thì cơ hội tạo sóng dòng bất động sản và kích thích toàn thị trường tăng điểm có thể xảy ra trong tuần tới.
(ATP Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com