Các ngân hàng thương mại đang giảm mạnh lãi suất cho vay. Ngân hàng Quốc tế (VIBank) đã công bố chương trình “tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất siêu ưu đãi” với mức thấp nhất là 1%/năm với khoản tiền trị giá 25.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng thực hiện “Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp” với tổng vốn tài trợ là 50.000 tỷ đồng với mức lãi suất trong khoảng 5-6%/năm. Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong chương trình cho vay xuất khẩu của Techcombank cũng có thể được hưởng mức lãi suất sau hỗ trợ từ 1-2%/năm…
Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp quyết liệt đưa gói kích cầu 1 tỷ USD (17.000 tỷ đồng) vào lưu thông đã khiến nguồn cung vốn của nền kinh tế tăng mạnh. Tuy nhiên, những động thái này được cho là chưa đủ để quyết định sự thành công trong mục tiêu chặn đà suy giảm kinh tế được Chính phủ kỳ vọng vào tháng 6 tới.
Bài toán khó được đặt ra là năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) nói riêng và của nền kinh tế nói chung trong thời điểm hiện nay. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, vào thời điểm này, nguồn vốn và mức lãi suất không còn là rào cản số một đối với DN nữa.
Sự hạn hẹp về đầu ra trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, đặc biệt giá trị xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, du lịch đều giảm mạnh, khiến nhu cầu vốn của nền kinh tế không cao. Một khảo sát mới đây cho thấy, chỉ khoảng 10% DN ngành dệt may thực sự có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, những dự án có thể rót vốn đầu tư hiện không phải nhiều.
“Nhiều DN sẽ không mặn mà với việc vay vốn nếu như họ không có thị trường, không có đơn hàng. Tuy vậy, cũng không cổ vũ DN vay vốn ào ào theo kiểu ‘phong trào’, vay để trám nợ, đảo nợ. Vai trò của ngân hàng thương mại hiện rất quan trọng. Một mặt, các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN có nhu cầu thực sự tiếp cận các khoản vay, mặt khác, chính các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, đảm bảo không dễ dãi với bất cứ một hợp đồng tín dụng nào”, ông Kiêm nói.
Nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn, ông Kiêm cho rằng, ngoài việc bù lãi suất để DN được vay vốn ưu đãi, cần thêm các chính sách hướng đến việc tìm thị trường cho xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước (thông qua tạo việc làm, tăng nguồn thu cho dân để tăng sức mua cho xã hội). Tất nhiên, DN phải chủ động tính đến việc nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và giá thành phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thực tế, nền kinh tế còn nhiều khả năng hấp thụ vốn. Vấn đề ở chỗ DN phải cân nhắc, lựa chọn kỹ từng ngành, từng mặt hàng để đầu tư đúng trọng tâm. “Cần tập trung đầu tư vào những mặt hàng có thị trường ổn định, có mức tăng trưởng tốt như thuỷ sản, dệt may xuất khẩu, hay những mặt hàng phục vụ thị trường nội địa như thực phẩm, hàng tiêu dùng…
DN cần ưu tiên vốn được vay ưu đãi để cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nhằm giữ uy tín với đối tác, khách hàng. Với cách đi này, DN vừa giải quyết được vấn đề phát triển trong khủng hoảng, vừa giải được bài toán phát triển lâu dài”, ông Nam khuyến nghị.
Trong xu thế này, chính các DN là đối tượng phải chủ động hơn cả trong thực hiện chính sách tái cơ cấu toàn diện (về thị trường, sản phẩm, nhân lực...). Nếu DN dệt may muốn chuyển hướng từ châu Âu sang thị trường châu Phi thì điều cần phải bỏ công nghiên cứu đầu tiên là sản phẩm, nhu cầu, thói quen mặc của người dân châu Phi. “Không thể “bê” nguyên sản phẩm bán ở châu Âu sang vùng sa mạc được.
Những phần việc này thì DN phải tính chứ không cơ quan quản lý nhà nước nào tính thay DN được. Nhà nước sẽ giữ vai trò hỗ trợ, định hướng, còn các tổ chức tín dụng phải hết sức trách nhiệm trong việc thẩm định vốn vay”, ông Nam bình luận thêm.
Rõ ràng, nguồn cung vốn đang khá dồi dào, song mạch hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay đang cần được khơi thông đúng hướng. Các DN khẳng định được vai trò chính trong việc cải thiện năng lực hấp thụ vốn của mình, tận dụng hiệu quả nguồn vốn giá rẻ sẽ khai thác được những cơ hội lớn ngay trong bối cảnh khó khăn chung.
(Theo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com