Hai quý đầu năm 2010 trôi qua một cách nhanh chóng, nhưng tăng trưởng dư nợ tín dụng của các nhà băng chỉ mới thực hiện được khoảng 1/3 so với kế hoạch năm, đồng thời, hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ không còn nhiều cơ hội như trước khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng không mấy khả quan.
Chạy đua
Thời gian còn lại cho việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2010 còn gần 2 quý, song nếu không tranh thủ thời cơ, các nhà băng khó có thể đạt được chỉ tiêu. Vì thế, thời điểm này, không ít ngân hàng phải liên tục họp Ban điều hành, báo cáo tình hình hoạt động lên HĐQT và tìm giải pháp tốt hơn cho 6 tháng hoạt động cuối năm.
Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, ngân hàng ông vừa phải họp Ban điều hành để đánh giá khó khăn của thị trường cũng như tìm hướng phát triển trong những tháng còn lại của năm. Đặc biệt là với hoạt động tín dụng, vì 2 quý đầu năm, tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng không mấy khả quan nên lợi nhuận thu về không như mong muốn.
So với năm trước, chỉ tiêu lợi nhuận mà các ngân hàng xây dựng trong năm nay tương đối “khiêm tốn”, vì hầu hết đều đã nhận thấy được khó khăn ngay từ đầu năm, nhưng để hoàn thành được mục tiêu đưa ra khi chênh lệch lãi suất thu hẹp là điều không dễ.
Theo Tổng giám đốc DongA Bank, Trần Phương Bình, kết quả hoạt động đạt được của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm tuy có khả quan, nhưng không được như kỳ vọng. Do đó, với chỉ tiêu lợi nhuận 1.100 tỷ đồng mà Ngân hàng đã xây dựng cho năm 2010, DongA Bank trông chờ vào hai quý cuối năm. Thông thường, hai quý cuối năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhanh hơn so với nửa đầu năm.
Các ngân hàng đang từng bước cơ cấu lại lãi suất, cắt giảm dần chi phí để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng hai quý cuối năm được kỳ vọng cao hơn, vì thế, nhiều ngân hàng đang từng bước mở rộng thêm “hầu bao”. Trong đó, không ít ngân hàng còn xây dựng chiến lược chấp nhận lợi suất sụt giảm để đẩy mạnh vốn cho vay trong quý III/2010. Theo đại diện của một ngân hàng, điều này sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho quý IV/2010, khoảng thời gian mà nhiều khả năng NHNN sẽ kiểm soát chặt trở lại hoạt động tín dụng để ngăn ngừa lạm phát.
Thực tế hiện nay, hoạt động cho vay vẫn là mảng đem lại nguồn thu đóng góp lớn nhất trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng. Đặc biệt là ở các nhà băng quy mô nhỏ, tỷ trọng này chiếm đến 80 – 90%. Trong khi đó, lãi suất cho vay phải giảm xuống (vừa để hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, vừa để tăng dư nợ tín dụng cho chính ngân hàng) còn lãi suất huy động chỉ có thể cắt giảm nhẹ, không tương ứng với mức hạ lãi suất cho vay. Chính vì vậy, áp lực đạt được lợi nhuận mục tiêu đang lớn dần đối với các chủ nhà băng.
… liệu có kịp?
Theo các chuyên gia, năm 2010 vẫn còn nhiều khó khăn đối với nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam, đặc biệt với ngành ngân hàng. Thực tế, khi chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn bằng tiền đồng kết thúc, tăng trưởng dư nợ tín dụng đầu năm của các ngân hàng đã gặp khó khăn. Đến nay, dù ngân hàng vẫn thực hiện lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng do khối này lại đang gặp khó ở thị trường nhập khẩu, nên tăng trưởng dư nợ cho khối này cũng hạn chế.
Nếu như ở các năm trước, các ngân hàng thường có tiến độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận nhanh hơn so với phần thời gian tương ứng đã qua của năm. Đặc biệt, trong năm 2009, không ít ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm khi còn chưa bước vào quý III thì đến hết tháng 6 năm nay, hầu hết ngân hàng mới hoàn thành khoảng 50% kế hoạch năm. Tỷ lệ này không thấp nhưng vẫn khiến các chủ ngân hàng “nóng ruột”.
Maritime Bank cho biết, tính đến cuối tháng 6/2010, Ngân hàng mới hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong khi đó, cùng thời gian, Sacombank hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm (2.400 tỷ đồng); Eximbank đạt 930 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch 2.200 tỷ đồng của cả năm. Khá hơn, ABBank đạt 64% kế hoạch lợi nhuận năm 2010.
Đại diện Sacombank cho biết, nếu tình hình thị trường không có nhiều biến động trong 2 quý còn lại của năm và hoạt động cho vay phát triển tốt, khả năng Ngân hàng có thể sớm hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm nhưng chưa thể nói trước điều gì chắc chắn. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank cũng có cùng suy nghĩ như vậy cho ngân hàng của mình. Ông Tiền cho biết, hoạt động cho vay của toàn ngành vẫn chưa được cải thiện và ABBank nằm trong tình hình chung đó.
Trên thực tế, trong những năm qua, các ngân hàng đã từng bước giảm dần tỷ trọng thu tín dụng, tăng thu dịch vụ. Bởi trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng, việc đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng (thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, thẻ, thu chi hộ…) cần được các ngân hàng chú trọng, nhằm tăng nguồn thu của mình, hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. ACB là một điển hình trong trường hợp này nhưng vẫn gặp thách thức trong hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2010 do tăng trưởng tín dụng quá thấp. Chỉ tiêu lợi nhuận ACB đặt ra cho năm nay ở mức 3.600 tỷ đồng và Ngân hàng dự kiến thu nhập của hoạt động tín dụng sẽ chiếm 32 – 35% của tổng thu nhập trong năm 2010 so với mức 20% của năm 2009. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2010, ACB chỉ mới thực hiện được 1/3 mục tiêu tăng trưởng tín dụng (mục tiêu tín dụng Ngân hàng xây dựng cho năm 2010 là tăng 60% so với năm trước).
Một số ngân hàng thường có thêm khoản thu quan trọng từ kinh doanh sàn vàng và kinh doanh ngoại tệ cũng đã và đang thất thu từ lĩnh vực này. Hoạt động sàn vàng đã phải đóng cửa và việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài cũng phải hoàn tất việc đóng tài khoản vào cuối tháng 7/2010 này. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối không còn kiếm được lợi nhuận như trước. Các ngân hàng vốn có thế mạnh trong kinh doanh vàng, ngoại tệ, chẳng hạn như Eximbank, lợi nhuận thu về từ mảng hoạt động này cũng giảm sút so với trước đây.
Giải pháp khả thi cho hầu hết các ngân hàng để có thể chủ động hoàn thành mục tiêu lợi nhuận, giảm sự phụ thuộc vào những yếu tố động của môi trường kinh tế, đồng thời tốt cho ngân hàng về dài hạn là tiến hành cơ cấu lại hoạt động, nâng cao hiệu quả quản trị để tiết giảm chi phí, cải thiện hiệu quả kinh doanh nói chung.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com