Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mua và nắm giữ

tinkinhte.comCác chuyên gia phân tích toàn cầu cho rằng năm 2010 sẽ tiếp tục là một năm tốt đẹp đối với các nền kinh tế thế giới khi quá trình phục hồi sau khủng hoảng tiếp tục cho những kết quả tích cực.
 
Tuy nhiên, nhận định về diễn biến của TTCK là không đồng nhất với sự hồi phục của nền kinh tế, phản ánh hai xung lực trái chiều: nền kinh tế tốt lên và lợi nhuận DN tiếp tục phục hồi (tích cực) và các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát (tiêu cực đối với chứng khoán trong ngắn hạn). Trên toàn thế giới hiện tượng “thừa tiền” hiện nay dẫn tới sự “tam hành” thú vị giữa ba kênh đầu tư (chứng khoán, vàng và trái phiếu chính phủ). Theo Buttonwood ở tờ Economist, lần cuối cùng ba kênh đầu tư trên cùng thu được lợi nhuận là từ đầu những năm 1980, và khi sự “tam hành” trên bị phá vỡ, chứng khoán và vàng là hai kênh rớt giá mạnh nhất khi nền kinh tế sa vào khủng hoảng lần hai. 

Lạc quan thận trọng

Xét thuần túy về cơ bản, về dòng tiền thì một kịch bản “lạc quan thận trọng” là phù hợp nhất với tình hình thế giới và các thuận lợi và khó khăn nội tại của nền kinh tế VN. Dựa trên các yếu tố về kinh tế vĩ mô cũng như định giá thị trường ở mức cuối năm 2009, chúng tôi dự tính một kịch bản “lạc quan thận trọng” trong đó chỉ số sẽ đi lên tương đối vừa phải (tăng 15%) tuy nhiên độ biến động của thị trường sẽ duy trì ở mức cao.

Thứ nhất, nền kinh tế đang tìm lại điểm cân bằng giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Bài toán cho năm 2010 mà Quốc hội đưa ra: tăng trưởng 6,2-6,5% với tốc độ lạm phát khoảng 7% dường như đang ngày trở nên khó khăn hơn khi áp lực lạm phát đã gia tăng mạnh từ cuối tháng 11/2009. Do ảnh hưởng của cung tiền tới lạm phát có độ trễ 6 – 8 tháng, tác động của tăng trưởng dư nợ tín dụng và cung tiền mạnh trong quý 2 và quý 3/2009 trở nên mạnh mẽ nhất vào cuối quý 1/2010. Việc lạm phát cao có thể quay lại khiến cho các chính sách kinh tế có sự cân bằng hơn giữa tăng trưởng và chống lạm phát, trong đó mục tiêu chống lạm phát để đảm bảo tăng trưởng bền vững được đặt lên hàng đầu ít nhất trong quý đầu năm 2010. Ngoài ra, trong ba rủi ro mà các thị trường mới nổi sẽ gặp trong năm 2010 là bong bóng tài sản, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia, và sự hồi phục yếu của xuất khẩu thì nền kinh tế năm 2010 đều phải cẩn trọng với cả ba yếu tố trên.

Thứ hai, chính sách tín dụng với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tương đối thấp so với trung bình các năm trước và các biện pháp kỹ thuật sẽ hạn chế dòng vốn đầu cơ. Trong năm 2010, các biện pháp thắt chặt tiền tệ và quản lý dòng vốn vào các thị trường đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản... sẽ làm giảm luồng tiền ảo vào các thị trường này, giúp cho VN tránh được hiện tượng “bong bóng tài sản” đang trở thành một nguy cơ rõ nét đối với các nền kinh tế mới nổi, nhưng cũng sẽ khiến cho thị trường chứng khoán bớt đi những cú lên điểm ngoạn mục kéo theo bởi sự suy giảm trầm trọng như đã từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ mà lần gần nhất là cuối năm 2009.

Thứ ba, tăng trưởng lợi nhuận và EPS sẽ thấp hơn trong năm 2010 so với năm 2009. Theo SSI, trong năm 2009 khi tăng trưởng doanh thu là không đáng kể (13%) nhưng tăng trưởng lợi nhuận sản xuất kinh doanh cao (38%). Lợi nhuận doanh nghiệp năm 2009 được đóng góp lớn từ các yếu tố lợi nhuận tài chính (từ việc vay lãi suất thấp và sự hồi phục của TTCK) chiếm 25% tổng lợi nhuận sau thuế (LNST). Năm 2010, dự tính tăng trưởng doanh thu (24%) sẽ nhanh hơn tăng trưởng LNST (13,8%) do lợi nhuận biên của các doanh nghiệp đi xuống trong khi chi phí tài chính tăng lên 71%. Cộng thêm vào đó là nhiều Cty ồ ạt phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi, phát hành thêm cổ phiếu. Nhận định của Dragon Capital (6/12/2009) cho rằng cho dù DN có thể tăng 22,5% trong năm tới dẫn tới sự đi lên của lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính EBIT (dự tính tăng 26,8%) thì lợi nhuận tính trên cổ phiếu (EPS) cũng chỉ tăng khoảng 13% trong năm 2010, tương đương với PEG là 0,9. Những chỉ số về tăng trưởng EBIT, EPS và PEG cho năm 2009 là 51,8%, 71,6% và 0,2%. Điều này có nghĩa là sẽ không có nhiều bữa tiệc tưng bừng như năm 2009.

Thứ tư, các quốc gia lớn sẽ phải dần xem xét việc thắt chặt tiền tệ từ giữa năm 2010 (mà VN đã đi trước một bước so với thế giới) và sự phản ứng của thị trường chứng khoán thế giới khiến cho tâm lý nhà đầu tư trong nước trở nên thận trọng hơn. Nên nhớ sự đi lên của chứng khoán năm 2009 xuất phát một phần từ tâm lý “ ưa thích tài sản rủi ro” của nhà đầu tư và các biện pháp rút tiền khỏi lưu thông có thể làm thay đổi tâm lý và khiến nhà đầu tư tìm tới các kênh đầu tư ít rủi ro hơn.

Hành trang cho nhà đầu tư

Tin vào chính mình: Nhận định của các Cty chứng khoán đã trở thành một hành trang cần thiết của nhà đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, thị trường là không thể đoán trước và các Cty chứng khoán, bản thân họ cũng là những nhà đầu tư hoặc phục vụ cho nhà đầu tư lớn, chưa kể tới trình độ còn hạn chế, quá dựa vào phân tích kỹ thuật hay tâm lý đám đông nên nhận định đưa ra lúc đúng, lúc sai... và đúng hay sai thì cũng chưa thể xác định do trình độ hay do yếu tố may mắn. Còn nhớ hồi đầu năm 2009, các chuyên gia kỹ thuật vẽ ra những kịch bản rất bi quan (như VN-Index về 170 điểm) rồi sau đó, có lúc lại đưa ra một kịch bản VN-Index tăng tới 700-800 điểm trong khi thị trường đang có dấu hiệu quá nóng (tình trạng sử dụng đòn bẩy, bán T+ tràn lan). Công bằng ra thì những nhận định của Cty chứng khoán cũng có vai trò định hướng tốt cho nhà đầu tư. Đối tượng mà “ không nên tin” nhất là những lời khuyên tư vấn đầu tư truyền miệng kiểu “Mua mã này đi, mã này tốt lắm đấy”, “mã này đang có nhiều đội kết hợp mua gom đánh lên đấy”... Lịch sử thị trường cho thấy nhà đầu tư rất dễ quên những bài học trong quá khứ.

Giảm thiểu yếu tố tâm lý trong quyết định đầu tư: TTCK VN là thị trường đám đông nên thường có những đợt phi mã kéo theo những đợt điều chỉnh sâu. Kiềm chế lòng tham và cả sự sợ hãi luôn là lời khuyên quan trọng nhất với nhà đầu tư. Với nhà đầu tư ngắn hạn cũng như dài hạn, việc tuân thủ chiến thuật cắt lỗ khi chứng khoán suy giảm 10% thực là “ nói dễ làm khó” nhưng những người làm theo chiến thuật này có lẽ ít bị thiệt hại nhất trong đợt điều chỉnh của thị trường vừa qua. Một ví dụ cụ thể là đợt sụt giảm của thị trường từ giữa tháng 10/2009. Những yếu tố cơ bản của sự tăng trưởng nóng khiến hầu hết các tổ chức lớn trên thế giới đều cho rằng thắt chặt tiền tệ trở lại là rất cần thiết để nền kinh tế không phát triển quá nóng và dự tính một mức tăng lãi suất cơ bản trong quý 4/2009 hoặc chậm nhất là quý 1/2010. Nhà đầu tư biết điều này, nhưng vẫn bị lòng tham chi phối, tin rằng mình có thể “ thông minh hơn thị trường” hay tận dụng “ con sóng cuối là con sóng to nhất” để triệt để sử dụng đòn bẩy tài chính và đã bị thiệt hại nặng nề trong 3 tháng cuối năm.

Học cách sử dụng đòn bẩy: Sử dụng đòn bẩy hợp lý có thể giúp tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng, nhưng trong một thị trường đi xuống thì đòn bẩy lại trở thành con dao hai lưỡi. Trước khi sử dụng đòn bẩy, nhà đầu tư nên xác định được mức chấp nhận rủi ro của mình, cũng như lường trước các khả năng xấu có thể xảy ra và thiệt hại tối đa mà mình có thể chấp nhận được để có một mức “stop-loss” hợp lý. Đây là nguyên tắc quan trọng khi đầu tư nhưng càng quan trọng hơn khi bạn sử dụng một công cụ nợ để làm tăng tổng tài sản và lợi nhuận của mình. Một nguyên tắc khác là chỉ sử dụng đòn bẩy khi thị trường đi lên và không dùng đòn bẩy để mua “đỡ” giá cổ phiếu. Ngược lại, phải dứt khoát cắt lỗ nếu cổ phiếu chạm đến các ngưỡng “stop-loss” của mình.

Đầu tư cơ bản: Với kịch bản lạm phát và tăng trưởng thận trọng hiện tại, mức P/E cho thị trường sẽ hợp lý ở mức từ 10-13 lần. Dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS hiện tại, dự tính ngay trong kịch bản xấu thì thị trường cũng sẽ có lực đỡ ở mức xung quanh 400 điểm và chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 575 điểm vào năm 2010. Với những nhà đầu tư theo trường phái dài hạn, năm 2010 sẽ là thời điểm tốt để mua tích lũy cổ phiếu tại các mức giá thấp (trong đó chú ý những ngành nghề, Cty có tiềm năng tăng trưởng EPS cao > 20%/năm, định giá P/E và P/B thấp so với các Cty cùng ngành) cho một năm 2011-2012, khi nền kinh tế sẽ đi vào chu kỳ tăng trưởng mạnh. Trong đó, yếu tố tăng trưởng là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn cổ phiếu trong chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế sắp tới.

Trong khi một số chuyên gia kinh tế lo sợ khả năng Mỹ tiếp tục lún sâu vào suy thoái dai dẳng như Nhật Bản trong thập kỷ 90, một nghiên cứu đã thống kê là trên thực tế, chứng khoán Mỹ đã có một thập kỷ mất mát đầu tiên của thiên niên kỷ mới tính từ năm 2000. Trong lịch sử, chưa bao giờ chứng khoán Mỹ đi xuống trong 2 thập kỷ liên tiếp và như vậy, năm 2010 sẽ là một năm tốt để mua cổ phiếu cho những nhà đầu tư dài hạn đúng nghĩa. Chúng tôi đánh giá chứng khoán VN cũng sẽ có một thập kỷ thành công và với những người theo trường phái đầu tư dài hạn, đây đang là một trong những thời điểm tốt nhất để MUA và NẮM GIỮ trước mắt là cho năm 2010-2012.
 
Các tổ chức nhận định

* JP Morgan: Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi. Đà tăng trưởng năm 2009 sẽ tiếp tục vào năm 2010. Lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ tăng 27% trong năm 2010. Chỉ số chứng khoán các nước đang phát triển trung bình tăng 30% từ mức hiện tại. 

* Goldman Sachs: Đợt tăng trưởng này sẽ còn kéo dài tới năm 2010. Lãi suất thấp, kết quả kinh doanh tốt hơn và nhu cầu đầu tư cao sẽ đẩy các chỉ số lên cao hơn.

* Credit Suisse: 2010 sẽ là một năm khó khăn đối với chứng khoán. GDP toàn cầu tăng 4,1% (Mỹ tăng 3,3%). Lạm phát ở mức thấp nhưng có khả năng tăng mạnh từ năm 2012. S&P chạm ngưỡng 1220 vào giữa năm nhưng sẽ suy giảm trong 2 quý cuối 2010.            

* Morgan Stanley: GDP danh nghĩa sẽ tiếp tục đạt tương đương mức đỉnh năm 2007 vào cuối năm 2010. GDP và EPS doanh nghiệp tăng trưởng nhưng các chỉ số chứng khoán có thể không có tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng này.     

* UBS: Thị trường năm 2010 sẽ phát triển dựa trên các yếu tố căn bản so với năm 2009 dựa trên “sự yêu thích các tài sản rủi ro”. Định giá thị trường vẫn hợp lý, lợi nhuận gộp cao hơn và bảng cân đối trong sạch hơn sẽ là chỗ dựa vững chắc cho chứng khoán. Thị trường sẽ chịu thử thách từ việc các chính phủ rút dần các gói cứu trợ kinh tế. Thị trường chứng khoán các nước mới nổi sẽ tăng trưởng tốt hơn tại các nước phát triển.      

* RBC: Các yếu tố căn bản sẽ được cải thiện. Nửa đầu năm là khả quan nhưng nên chuyển sang xu thế phòng thủ trong nửa cuối năm. Triển vọng cho thị trường mới nổi là rất khả quan. Các rủi ro cần chú ý là xác suất suy thoái lần hai tại Mỹ, sức mạnh USD bị đổ vỡ, thâm hụt tài khóa ở các nước mới nổi và sự mất niềm tin đối với chính phủ.

* Deustch Bank: Mọi chuyện dường như sẽ tốt đẹp vào đầu năm nhưng mối lo ngại sẽ xuất hiện nhiều hơn về vỡ nợ chính phủ. Thị trường chứng khoán có thể đi theo mô hình phục hồi chậm giống như thời kỳ sau Đại khủng hoảng 1929-1949 hoặc tệ hơn, đi vào đa suy thoái như trường hợp của Nhật Bản thập kỷ 1990.

Nguồn: tổng hợp từ JP Morgan, Goldman Sachs, Credit Suisse, Morgan Stanley, UBS, RBC & Deustch Bank
 
Nguyễn Việt Đức - Phó Giám đốc Cty CP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Giờ tính nhập khẩu than là chậm
  • Nhìn lại bài toán lãi suất
  • Đầu tư sang Campuchia: Thời đã đến!
  • Vì sao “thắt” lãi suất tiền gửi USD của tổ chức?
  • Ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều thách thức
  • Tại sao đồng USD không bị đe dọa bởi đà tăng của euro
  • Có hướng khơi thông dòng vốn
  • Tín dụng ngân hàng thận trọng trong tăng trưởng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!