Chợ ngoại tệ tự do trên con phố Hà Trung, Hà Nội "nháo nhác" từ ngày 7/3 bởi những lời từ chối mua bán ngoại tệ của nhân viên các cửa hàng. Tưởng chừng thị trường này đã "đóng băng", thế nhưng, bên dưới lớp băng này, những cơn "sóng ngầm" vẫn âm ỉ.
Phải chăng thị trường ngoại tệ tự do dừng hoạt động? Đem những thắc mắc này hỏi một quan chức của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông này nhận xét, câu chuyện trên không có gì "lạ" bởi cách đây 3 năm cũng đã có hiện tượng như vậy xảy ra. Khi Công văn số 5063/NHNN-QLNH ngày 6/6/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc kiểm tra, giám sát các hoạt động thu đổi ngoại tệ được ban hành và thực hiện gắt gao khiến hoạt động mua - bán ngoại tệ công khai theo giá "chợ đen" ngừng hẳn.
Nhưng chỉ được một thời gian, giao dịch mua - bán ngoại tệ lại tiếp tục tái diễn tại nhiều cửa hàng, chỉ có điều là "hoạt động" bí mật và tinh vi hơn. Nếu khách hàng là người quen và các mối quan hệ làm ăn từ trước, các điểm thu đổi vẫn giao dịch bình thường. "Rõ ràng, câu chuyện cũ đang lặp lại. Lệnh cấm được ban hành nhưng có cấm được hay không lại là một câu chuyện khác", vị quan chức trên nói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, hiện NHNN chưa có chủ trương gì mới mà chỉ đang phối hợp với các cơ quan chức năng (quản lý thị trường, công an) nhằm tăng cường kiểm tra các hoạt động thu đổi ngoại tệ, niêm yết ngoại tệ, mua bán hàng hóa bằng ngoại tệ… trên địa bàn Hà Nội. "Nếu thị trường có những phản ứng như vậy là rất tốt, bởi hoạt động mua - bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen là trái pháp luật và thời gian qua, nó đã gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, điều hành thị trường ngoại hối", bà Sương nói.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) nêu quan điểm, khối lượng ngoại tệ giao dịch trên thị trường tự do là khá nhỏ, không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng nói chung. Mặc dù vậy, nếu thị trường chợ đen không hoạt động thì lượng ngoại tệ này đổ về ngân hàng cũng là điều rất tốt đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. "Tất cả mọi giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện qua hệ thống ngân hàng sẽ giúp nền kinh tế lành mạnh, minh bạch hơn, cung - cầu ngoại tệ sẽ được kiểm soát và không bị bóp méo", ông Trung nói.
Mặc dù chủ trương kiểm tra, giám sát các hoạt động thu đổi ngoại tệ tự do của NHNN bước đầu phát huy tác dụng, nhưng rõ ràng vấn đề tỷ giá không dễ dàng giải quyết được nếu chỉ dùng một số biện pháp mang tính chất hành chính. Bởi trên thực tế, bên trong các điểm thu mua ngoại tệ tự do, người dân hiện vẫn mua được USD với mức giá khoảng 21.700 đồng/USD. Đồng thời, việc thu đổi ngoại tệ ngoài giờ hành chính vẫn được các cửa hàng thực hiện.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tính đến cuối ngày 28/2, tổng số dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty tại BIDV là 630 triệu USD. Còn ông Trung ước tính, số dư ngoại tệ của mỗi mỗi ngân hàng cỡ "vừa" khoảng 150 - 250 triệu USD. Như vậy, nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng là không thiếu, nếu khơi thông được nguồn tiền này thì các DN không có gì phải lo ngại việc thiếu USD cho hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, các nhà quản lý cần tiếp tục kiểm soát gắt gao thị trường để tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột" trong việc quản lý hoạt động giao dịch ngoại tệ. Còn theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, các biện pháp vi mô sẽ có những tác động nhất thời, nhưng các biện pháp vĩ mô vẫn là nền tảng cơ bản. Chính sách tài khóa, tiền tệ kiên quyết, nhất quán sẽ khiến lòng tin của người dân về sự ổn định của thị trường được nâng cao, khi đó mặc nhiên sẽ "kéo" được tỷ giá xuống.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com