Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến hết ngày 20/7 Quảng Ninh là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), sau Bà Rịa Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Ninh: Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài những năm vừa ở tỉnh này vẫn còn những “nút thắt” đang rất cần được tháo gỡ. Điều đó thể hiện rõ qua thực trạng thu hút đầu tư FDI tại Quảng Ninh những năm vừa qua.
Cụ thể, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính lũy kế (từ năm 1989) đến nay tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 182 dự án đầu tư nước ngoài. Nhưng tính đến nay chỉ còn 105 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5,85 tỷ USD.
Trong đó, 7 tháng đầu năm 2010 Quảng Ninh cấp giấy phép đăng ký mới cho 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 2.150 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số 2 dự án này có dự án Nhà máy Điện Mông Dương II của nhà đầu tư Hoa Kỳ, số vốn đăng ký 2,147 tỷ USD, còn lại là vốn đăng ký của dự án Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, vô cơ của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Chính con số này đã giúp Quảng Ninh trở thành tỉnh thu hút đầu tư FDI lớn thứ 2 cả nước sau Bà Rịa Vũng Tàu.
Ngoài ra, theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh, hiện mới chỉ có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Quảng Ninh, trong đó Mỹ là quốc gia giữ vị trí số 1 với 8 dự án, vốn đăng ký đạt 2,39 tỷ USD, chiếm 64% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là Trung Quốc, Singapore, Đài Loan,…Các dự án FDI đầu tư vào Quảng Ninh đa số theo hình thức liên doanh, chiếm tỷ lệ 91%. Còn lại là các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài và đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác. Địa bàn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tập trung chủ yếu tại: thành phố Hạ Long; Móng Cái; Cẩm Phả; Vân Đồn, và Đông Triều. Lĩnh vực đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chủ yếu tại Quảng Ninh là công nghiệp, chiếm 71% vốn đăng ký, còn lại là lĩnh vực du lịch, nông lâm ngư nghiệp.
Đánh giá về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại địa phương, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Thu hút đầu tư FDI tại Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu đầu tư tại địa phương. Cụ thể, vẫn còn nhiều dự án do lựa chọn mục tiêu kinh doanh và phương án sản phẩm thiếu chính xác nên sau khi được cấp giấy phép đầu tư không triển khai được hoặc sản xuất kinh doanh không có hiệu quả phải tạm dừng hoặc xin rút giấy phép đầu tư. Ngoài ra, trong số các dự án hiện tại vẫn chưa có các dự án sản xuất điện tử, các dự án có hàm lượng công nghệ cao, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo giống mới kháng bệnh có năng suất cao… Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ hàng loạt các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua như: Cải cách thủ tục hành chính; ban hành các cơ chế chính sách đẩy mạnh công tác vận động xúc tiến đầu tư cũng như nâng cao trình độ của cán bộ và hỗ trợ doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ... Tuy nhiên, kết quả đạt được của việc thu hút vốn FDI vẫn còn khiêm tốn, chưa phán ánh đúng thực tế và chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư FDI tại địa phương.
Để tháo gỡ thực trạng này, Quảng Ninh đã đưa ra một số giải pháp như: Cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải tiến công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; thường xuyên đối thoại giữa cơ quan chức năng với nhà đầu tư; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chỉ số cạnh tranh... và nếu như các giải pháp này được thực hiện một cách khoa học và đồng bộ thì một loạt các dự án mới như: Dự án tổ hợp sân golf Đông Triều, vốn đăng ký: 260 triệu USD; dự án sản xuất sợi các loại tại KCN Hải Yên của Nhà đầu tư Trung Quốc: 100 triệu USD; Dự án sản xuất thành phẩm cao cấp từ đá vôi của Nhà đầu tư Nhật Bản: 100 triệu USD;… khi được cấp phép sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong thời gian tới./.
(ven)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com