Quang cảnh hội thảo “Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản: Xu hướng đầu tư ra nước ngoài”. Nhu cầu khôi phục lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản bỗng chốc trở thành mối quan tâm lớn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm hiện nay - Ảnh: Anh Quân. |
Ông N. Hasegawa, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Nikkei (Nhật Bản) chiếu lên hai màn hình cỡ lớn hình ảnh một doanh nhân Nhật Bản cười rạng rỡ bên cạnh những thiết bị hô hấp dành cho trẻ em.
Như lời ông Hasegawa giới thiệu, đó là Chủ tịch Công ty Metran, tên là Trần Ngọc Trúc, người Việt Nam, du học Nhật Bản từ những năm 70 thế kỷ trước, lấy vợ và định cư tại đây, đang mong muốn mở rộng thêm hoạt động kinh doanh ra toàn cầu mà ưu tiên số một là quốc gia quê hương.
Thế hệ những du học sinh người Việt đến Nhật Bản, ở lại quốc đảo này và thành công trong kinh doanh đa quốc gia như trường hợp ông Trúc không phải quá hiếm. Đó hoàn toàn có thể là “chất xúc tác” thúc đẩy một dòng đầu tư từ Nhật Bản chảy vào Việt Nam.
“Những ý định như thế này, tôi mong rằng sẽ trở thành phổ biến”, N.Hasegawa hướng xuống dưới khán phòng kín chỗ của hội thảo “Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản: Xu hướng đầu tư ra nước ngoài”, được tổ chức sáng 10/8.
Thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3 năm nay đã để lại di chứng nặng nề cho nhiều doanh nghiệp nước này, với thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới trên 250 tỷ USD. Chính vì thế, nhu cầu khôi phục lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản bỗng chốc trở thành mối quan tâm lớn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm hiện nay.
Gần 16 triệu kết quả tìm kiếm trên Google cho từ khóa cơ hội đầu tư Nhật Bản sau thảm họa động đất (bằng tiếng Anh) là dẫn chứng thuyết phục cho sự quan tâm của cả thế giới với triển vọng kinh doanh đang mở ra từ đất nước Mặt trời mọc.
Cùng lúc các doanh nghiệp Nhật Bản khơi thông lại hoạt động đầu tư, cạnh tranh đón vốn cũng hình thành. Trong con mắt của doanh nghiệp nước này, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đang có lợi thế nhất định do lịch sử quan hệ kinh tế, những điều kiện thuận lợi và phù hợp với việc trở thành cơ sở sản xuất cho các công ty Nhật Bản.
Một khảo sát trực tuyến mới đây trên tờ Thời báo Kinh tế Nikkei với 346 người tham gia cho kết quả, Việt Nam được đánh giá hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, vượt trội về số lượng ý kiến so với Ấn Độ ở thứ hai và Thái Lan, Indonesia tiếp sau đó (khảo sát không bao gồm Trung Quốc).
Đây là kết quả rất rõ ràng cho những nỗ lực nhiều năm nay của chính phủ hai bên trong việc gạt bỏ những rào cản để tạo thuận lợi cho dòng đầu tư Nhật Bản hướng vào Việt Nam. Dọn đường cho dòng chảy này là thành công trong đàm phán về việc tránh đánh thuế trùng, khuyến khích và bảo hộ đầu tư (hai hiệp định ký năm 2003 và 2004), đến việc trở thành đối tác kinh tế toàn diện (2008), và gần đây là kết quả từ việc thực hiện sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, vừa khởi động giai đoạn 4 ngày 1/7/2011.
Nhưng cùng lúc với những chuyến đi “con thoi” của lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam đến Nhật Bản nhằm xúc tiến đầu tư mấy tháng gần đây, cam kết vốn đầu tư thể hiện bằng con số vẫn thấp. Những nhát cuốc khởi công dự án, lễ cắt băng khánh thành nhà máy mới của doanh nghiệp Nhật Bản gần đây thiếu vắng, chưa cho thấy bức tranh đầu tư đã hiện thực hóa được cơ hội.
Theo số liệu chính thức, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của doanh nghiệp Nhật Bản vào nước ta trong 7 tháng năm 2011 đạt gần 720 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa con số của cùng kỳ năm trước. Dù là đầu tư có tăng nhanh trong vài tháng gần đây, nhưng xu hướng tăng ở giai đoạn sau Tết Nguyên đán chẳng có vẻ gì là khác biệt với những năm trước.
Phải chăng là ở giai đoạn tái thiết, dòng đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản chỉ hướng vào các cơ xưởng đã có sẵn để mở rộng, chứ không quan tâm đến các quốc gia chưa có quan hệ đầu tư vì hạn chế về thời gian đánh giá, xác định lợi ích so sánh?
Hơn 50 đại biểu quốc tế tham dự hội thảo ngày 10/8 mà hầu hết có địa chỉ đăng ký tại Việt Nam, hay việc Honda và một vài doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian gần đây là dẫn chứng sống động của dòng chảy đầu tư này. Nếu vậy, Việt Nam có mất đi ít nhiều lợi thế so sánh với các nước khác?
Trong khi đó, dữ liệu về phục hồi hoạt động kinh tế của Nhật Bản cho thấy, tại thời điểm tháng 6/2011, sản xuất đã lấy lại 95% so với thời điểm tháng 2, tức là trước khi thảm họa xảy ra. Tương tự, xuất khẩu bằng 94%; tiêu thụ nội địa bằng 98%.
Và cùng với thời gian cứ trôi, “trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, cơ hội không chờ chúng ta”. Ông Y. Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói như vậy khi lưu ý các quan chức và doanh nghiệp Việt Nam về khả năng dòng đầu tư xuất phát từ Nhật Bản có thể rất nhanh chóng đổi hướng vào những thị trường mục tiêu khác, hay thậm chí là mất đi sự hưng phấn.
Trong khi đó, một điều hiển nhiên là cùng với những doanh nghiệp công nghệ cao như của ông Trúc, một quá trình thay đổi về lựa chọn lĩnh vực đầu tư ra bên ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu.
Tổng biên tập N. Hasegawa lưu ý, thời của sản phẩm Nhật Bản với giá cao đi kèm chất lượng tốt có thể rất sớm thay đổi do khả năng gia tăng cạnh tranh hạn chế hơn. Ông cho rằng doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang xuất khẩu dịch vụ, bao gồm cả việc cung cấp công nghệ và nguồn nhân lực cao ra thế giới, vốn đang diễn ra rất sống động trong mấy năm gần đây.
Cùng với chuyển động này, Việt Nam với những lợi thế của một quốc gia có dân số trẻ hay chi phí nhân công thấp có thể sẽ được nhìn nhận rất khác khi đưa vào làm dữ liệu cân đối giữa được và mất ở từng dự án.
Ngược lại, quy mô thị trường kém Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và có hạn chế về khả năng tiếp cạn công nghệ hiện đại; cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu điện nghiêm trọng đều là điểm nghẽn lớn chưa dễ khắc phục trong ngắn hạn.
Thực tế là kết quả khảo sát của Thời báo Kinh tế Nikkei về xếp hạng thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản (không bao gồm Trung Quốc) cho thấy, Việt Nam đứng sau Ấn Độ và Indonesia với khoảng cách điểm số rất xa.
Trong khi đó ngay ở thời điểm hiện tại, những rủi ro đối với đầu tư, kinh doanh cũng không phải ít. Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam H. Yamaoka nhấn mạnh rằng, lạm phát đang ở mức rất cao; chi phí lương tăng nhanh gấp 4 lần các nước ASEAN; thiếu điện và đình công trái quy định chưa được hạn chế… đang là những nhân tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư Việt Nam.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com