Càng ngày càng khó xây dựng nhà cao tầng ở Trung tâm Thủ đô |
Sau gần 4 tháng bị “cấm vận” tuyệt đối, các dự án xây dựng nhà cao tầng ở Trung tâm Hà Nội lại đang dấy lên hy vọng bởi được “cởi trói”.
Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan tới chủ trương “dừng xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội”, UBND TP Hà Nội vừa chính thức kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý với các dự án đã được cấp phép xây dựng hoặc đã được duyệt chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc.
Thiệt hại không nhỏ
Từ đầu năm 2010 tới nay, nhiều người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng hoặc thỏa thuận kiến trúc - quy hoạch để xây dựng nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) đều bị các cơ quan chức năng của Hà Nội từ chối. Việc dừng các hoạt động trên là thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dừng xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm theo Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 9/12/2009. Theo đó, ngày 31/12/2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 12421/UBND-XD với nội dung: “Sở Xây dựng, UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình kiên quyết dừng ngay việc phá dỡ các nhà biệt thự cũ và cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm”.
Tuy thời gian dừng cấp phép mới được hơn 3 tháng, song UBND TP Hà Nội cho biết, “đã phát sinh những vướng mắc, khó khăn”. Theo UBND TP, trước khi có Thông báo 348/TB-VPCP, nhiều tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm đã và đang triển khai thực hiện. Có công trình đang xây dựng, có dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hoặc đã có xác nhận tổng mặt bằng hay đang làm thủ tục cấp phép xây dựng. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, nếu tất cả các dự án này đều phải dừng lại sẽ gây lãng phí, thiệt hại không nhỏ về tài chính và phát sinh phức tạp xã hội khó lường...
Không thể "trói voi bỏ rọ"
Giải đáp các khúc mắc liên quan tới dừng xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: “Thành phố cần làm rõ chỗ nào được phép xây dựng, chỗ nào phải dừng. Phải kiểm tra, rà soát từng vị trí, từng dự án như đã làm trước đây ở ngoài vành đai 3. Tiêu chí đầu tiên để rà soát là phải xem có phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đang làm không. Tiếp đó, phải đảm bảo yêu cầu về mật độ, chiều cao. Ngoài ra, phải tính tới phát triển kinh tế xã hội của khu vực đó và vùng phụ cận” - ông Nguyễn Đình Toàn chia sẻ.
PGS, TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm phải “vẽ” lại “bức tranh” phát triển nhà cao tầng ở trung tâm trước khi có quyết định cuối cùng. Ông Hanh phân tích: “Phải kiểm tra trước, đánh giá, có thực trạng mới tạo ra sự hài hòa trong quản lý. Cần làm rõ trường hợp nào có thể hồi tố, trường hợp nào không để giải quyết tồn tại quá khứ. Cách ứng xử phải mềm dẻo, đúng pháp luật. Đây là vấn đề tế nhị và cần bình tĩnh để tìm đối sách. Theo tôi, Hà Nội phải tổng rà soát lại toàn bộ các quận nội thành, phân loại dự án rõ ràng, đối chiếu với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và đối với từng loại dự án sẽ có ứng xử riêng, chứ không thể “trói voi bỏ rọ”, khiến toàn bộ cỗ máy dừng lại thì kết quả không hẳn đã tốt”.
Hé mở lối ra
Hà Nội phải tổng rà soát, phân loại đối chiếu dự án, và có ứng xử riêng đối với từng loại dự án, chứ không thể “trói voi bỏ rọ” |
Để tháo gỡ sự đình trệ của các dự án, UBND TP Hà Nội mới đây đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao thành phố có phương án xử lý với từng dạng dự án cụ thể. Trong đó, đối với các dự án, công trình nhà cao tầng ở khu trung tâm đã cấp phép xây dựng hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết... kể từ 31/12/2009 trở về trước mà phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đang được tư vấn quốc tế lập, sẽ được tiếp tục triển khai theo đúng quy định. Thành phố cũng đề xuất Thủ tướng giao UBND TP chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng trên cơ sở Định hướng quy hoạch xây dựng chung khẩn trương rà soát, phân vùng kiểm soát phát triển không gian khu vực trung tâm để làm cơ sở cho việc quản lý. Những công trình cao tầng phát sinh sau 31/12/2009 phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Phó Giám đốc Sở QH-KT Dương Đức Tuấn cũng cho biết, Hà Nội từ lâu đã muốn phân vùng các khu vực không gian chức năng để xác lập yêu cầu kiểm soát cao tầng. Theo đó, thành phố sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp, phân loại các dự án hiện hữu từ vành đai 2 trở vào, đặc biệt quan tâm tới khu vực lõi. Ông Dương Đức Tuấn cũng cho rằng, chỉ rà soát 4 quận nội thành cũ là chưa đủ mà “cần mở rộng vùng rà soát sang một phần quận Tây Hồ, quận Hoàng Mai”. Đương nhiên, những khu vực nhạy cảm như hồ Gươm, xung quanh hồ Tây, hay phố cổ là đặc biệt quan trọng và đã có quy hoạch chi tiết, cần phải tuân thủ tuyệt đối. Ông Dương Đức Tuấn nói: “Chúng tôi sẽ dựng một bản đồ tổng thể về nhà cao tầng trong nội thành. Bản đồ sẽ có 3 màu “xanh, vàng, đỏ” cho 3 dạng dự án chính. Một là các dự án đã có quy hoạch hay đã có thỏa thuận quy hoạch kiến trúc. Loại thứ hai là dự án đã cấp phép xây dựng nhưng chưa khởi công, đã hoặc chưa được giao đất. Loại thứ 3, mới chỉ có đề xuất chủ trương hoặc có thỏa thuận sơ bộ về quy hoạch. Từ đó, mới xác định khu nào có thể xây cao, khu nào xây thấp. Ở đây, yêu cầu không chỉ đơn giản là nghiên cứu về tổ chức không gian mà còn cần tính đến các vấn đề môi trường, văn hóa, hạ tầng, tái phát triển và phát triển mới”.
Phó Giám đốc Sở QH-KT phân tích thêm, ngay trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong vành đai 2, tuyến Liễu Giai, quận Ba Đình vẫn được Bộ Xây dựng đề nghị cho phép đầu tư trục phố cao tầng để tạo điểm nhấn. Tương tự, trục vành đai I, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái cũng được tư vấn đề nghị hình thành cụm cao tầng tại các nút giao thông nhằm thỏa mãn yêu cầu tái định cư, tạo hình thái không gian kiến trúc. Chẳng thành phố nào toàn nhà cao tầng hay toàn nhà thấp tầng! Vấn đề ở đây là phải quản lý như thế nào để không làm tăng dân số, không tạo ra ùn tắc, ô nhiễm, nhếch nhác.
(Theo Phương Mai // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com