Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore đang nổi lên trong danh sách các địa bàn có vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
![]() Chế biến thuỷ sản là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đầu tư ra nước ngoài Ảnh: Đức thành |
Hàng loạt hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài quy mô khá lớn của các doanh nghiệp đang nằm trên bàn của các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong số này, không ít dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, khai khoáng, đầu tư chế biến nông, lâm thuỷ sản, sản xuất phần mềm... tại các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Singapore, Australia... Nhiều khả năng, 6 tháng cuối năm, danh sách các dự án đầu tư ra nước ngoài sẽ có thêm những dự án quy mô lớn.
Bản đồ đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang thay đổi mạnh về địa điểm và lĩnh vực đầu tư. Hướng chủ đạo, theo nhận định của các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng khá linh hoạt cơ hội đầu tư ở nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng. Không những thế, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam cũng được ghi nhận ở mức tích cực.
Đặc biệt, thị trường Mỹ nổi lên với nhiều các dự án đầu tư bất động sản, khách sạn, du lịch, chế biến thuỷ sản. Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ thời cơ đầu tư mua lại các khách sạn, khu du lịch, văn phòng cao cấp ở Mỹ với mức giá hấp dẫn... Không những thế, một số dự án đã bắt đầu tăng vốn với quy mô khá lớn sau một thời gian hoạt động hiệu quả.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt khoảng 200 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư ra nước ngoài trong 6 tháng này lên trên 1,5 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Ngay tại thị trường truyền thống là Lào, thu hút nhiều vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào lĩnh vực thế mạnh là khai khoáng, trồng rừng, thì nguồn vốn đầu tư vào khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng mạnh, với khoảng 60%. Ngành dịch vụ được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tại Lào hiện nổi lên là dịch vụ lưu trú, khách sạn, sân golf...
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, quy mô các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ, trung bình khoảng 1,2 triệu USD/dự án. Tại các thị trường lớn như châu Âu, phần lớn các dự án vẫn tập trung vào những ngành nghề đơn giản, mức giá trị gia tăng chưa cao. Mục tiêu kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và thị trường bản địa thông qua năng lực và uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn một khoảng cách không nhỏ...
Không những thế, mối quan ngại lớn đang nổi lên trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài là những tồn tại trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại bản địa, đặc biệt là điểm yếu trong liên kết và hỗ trợ phát triển. Nhiều vấn đề phức tạp đang bắt đầu nổi lên tại những thị trường có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư. Sự cạnh tranh lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại một số địa bàn, đang không chỉ làm xấu đi hình ảnh, mà còn đe doạ tới cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam khác.
Ở đây, vai trò của quản lý nhà nước cũng cần phải được nhắc tới. Song, có lẽ điểm chính là sự chủ động kết nối của các doanh nghiệp, thiết lập các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp tại thị trường bản địa, để không chỉ tạo tên tuổi, uy tín, xây dựng thương hiệu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà còn tạo sự đồng thuận trong quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh với các cơ quan quản lý đầu tư tại các quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam nhắm tới. Có lẽ, chính các mô hình hiệp hội doanh nghiệp các nước đang hoạt động rất tích cực vì mục tiêu chung cho các doanh nghiệp tại Việt Nam là một ví dụ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch hỗ trợ thông tin về các thị trường lớn, các địa bàn mà các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới đang được gấp rút triển khai trong tổng thể chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc sửa đổi Nghị định 78/2006/NĐ - CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang được tiến hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép đầu tư, kể cả đối với doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước để đầu tư... để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong cuối năm nay.
Cùng với đó, danh mục các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, những quy định về quản lý ngoại hối cũng sẽ được xem xét sửa đổi, thông suốt dòng tiền ra, vào, tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ cơ hội đầu tư giá rẻ, lợi nhuận cao trong khủng hoảng...
(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com