Tỉ giá USD trên thị trường tự do những ngày qua đã có lúc giảm còn 19.000 VND/USD, thấp hơn 20 đồng so với giá tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Xu hướng giảm dần và ổn định của tỉ giá đã trấn an tâm lý để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mạnh tay vay USD để hưởng chênh lệch lãi suất.
Mức lãi suất vay VND đang cao hơn USD khoảng 10%-11%/năm, các ngân hàng cho biết nhu cầu chuyển sang vay USD của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) tăng rất mạnh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng USD quý I đạt 14,07%, cao hơn 22 lần so với VND. Riêng từ đầu tháng 10 đến nay dư nợ tín dụng của các ngân hàng tăng 2,14% so với tháng 3.
Vay USD để tiết kiệm chi phí vốn
Theo tính toán của ông Nguyễn Quốc Đảm, Giám đốc Công ty Phaco - công ty chuyên nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may, một tháng doanh nghiệp cần vay ngân hàng 500.000 USD để nhập nguyên liệu, lãi suất chỉ có 6,5%/năm nhưng nếu chuyển qua vay bằng VND, lãi suất đã đội lên 16,5%/năm, chưa kể các chi phí khác. Nếu tính theo tỉ giá 19.100 VND/USD, số tiền chênh lệch giữa lãi suất VND và USD lên đến 955 triệu đồng. Đã vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng vay VND vì thanh khoản tiền đồng ở các ngân hàng hiện nay không cao.
Cũng cách tính trên, đại diện phòng XNK Công ty Northern Viking, chuyên XNK thủy sản tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12, TP.HCM), cho rằng năm 2009, lãi suất USD chỉ khoảng 3,5%/năm nhưng tỉ giá USD biến động mạnh, có lúc xấp xỉ 20.000 VND/USD nên hầu hết các công ty XNK đều từ chối vay USD. Tuy nhiên, thời điểm trên vay tiền đồng đang được hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ nên việc doanh nghiệp chê vay USD cũng dễ hiểu. Thế nhưng từ khi Ngân hàng Nhà nước điều hành linh động thị trường ngoại hối thì tỉ giá USD từ đầu tháng 2 đến nay khá ổn định, tạo niềm tin để doanh nghiệp vay USD nhập nguyên liệu, máy móc sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, chênh lệch lãi vay giữa VND và USD cũng là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định vay của họ. Hiện lãi vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn VND khoảng 12%/năm; trung, dài hạn dao động trong khoảng 15%-18%/năm, có những khoản vay lên tới 20%/năm. Trong khi đó, lãi vay USD ngắn hạn chỉ có 5,5%-6,5%/năm và trung, dài hạn 6%-7,5%/năm tùy từng dự án.
Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động USD
Các ngân hàng ACB, EximBank, Sacombank đều cho biết dự nợ USD đang tăng mạnh. Đầu ra tín dụng USD của các ngân hàng được khơi thông so với năm 2009, dự báo của các chuyên gia cho thấy nhu cầu USD vào quý II-2010 cho tới hết năm tiếp tục tăng mạnh. Theo các ngân hàng, nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp tăng mạnh do các ngân hàng mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ và có thể do hoạt động XNK đã khởi sắc.
Để đáp ứng đủ nguồn cung USD cho các doanh nghiệp XNK, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm USD tăng lên. Bà Phạm Thanh Thủy, Trưởng phòng Kinh doanh ngoại hối ABBank, cho biết doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng vay USD thay vì VND từ đầu năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, tỉ giá USD trên thị trường tự do liên tục giảm mạnh, các doanh nghiệp càng an tâm chuyển qua vay USD làm cho tăng trưởng dư nợ tín dụng USD ở các ngân hàng tăng nhanh.
Hiện lãi suất tiết kiệm USD cao nhất trên thị trường thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mức 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn 1-60 tháng có biên độ tăng 0,2%-0,6%/năm. Riêng đối với lãi suất huy động EUR cũng được điều chỉnh lên 4,8%/năm. Còn HDBank vừa tăng thêm 0,1%-0,45%/năm tùy kỳ hạn, cao nhất là 4,8%/năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết hiện nguồn ngoại hối huy động tại DongA Bank đều tăng trung bình 2%-3% mỗi tháng. để có nguồn USD dồi dào cho vay, DongA Bank đang cân đối để điều chỉnh lãi suất tiết kiệm.
Ngân hàng cần hạn chế hoán đổi USD sang VND để cho vay
Để tránh việc mất cân đối cầu ngoại tệ, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, các ngân hàng phải lượng sức mình, biết điểm dừng, cân đối nguồn ngoại tệ huy động và cho vay sao cho hợp lý. Hạn chế việc hoán đổi USD sang VND để cho vay tiền đồng theo lãi suất thỏa thuận. Đây là “con dao hai lưỡi”, có thể đẩy tỉ giá xuống nhưng cũng có thể đẩy tỉ giá tăng.
(Theo một chuyên gia ngân hàng)
(Pháp luật Tp.HCM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com