Kết thúc tháng l/2010 nhiều chỉ số vĩ mô cho thấy nền kinh tế vẫn đang vững chắc trên đà hồi phục.
Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán cũng tạo động lực cho ngành dịch vụ, khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 1 ước đạt 121.000 tỷ đồng tăng 3,8% so với tháng 12/2009. Nhu cầu phục vụ Tết góp phần làm tăng khoảng cách giữa xuất khẩu nhập khẩu với mức nhập siêu ước đạt 11 tỷ USD, bằng 26,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thu hút vốn FDI cũng có dấu hiệu khả quan: Trong tháng 1/2010 cả nước đã thu hút thêm 3,18 tỷ USD vốn FDI tăng 71,9% so với cùng năm trước. Đặc biệt vốn FDI thực hiện ước tính đạt 400 triệu USD, tăng 33, 3% so với cùng kỳ.
Điểm đáng lo ngại nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2010 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước trong tháng 1 đã tăng l,36% so với tháng 12/2009 và tăng 76,2% so với tháng 1/2009. CPI những tháng gần Tết tăng mạnh là quy luật thông thường nhưng nỗi ám ảnh tái lạm phát vẫn khiến các nhà hoạch định chính sách trăn trở.
Ngân hàng Nhà nước dù quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng 2/2010 nhưng vẫn có thái độ hết sức thận trọng. Vào thời điểm cuối năm nếu tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất cơ bản sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng và doanh nghiệp bởi đây là lúc nhu cầu thanh khoản gia tăng. Nhưng với mức tăng CPI l,36% trong tháng đầu năm, cộng thêm một khoản tiền khá lớn vừa được đổ ra để Ngân hàng Chính sách xã hội trả nợ, việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn sau Tết Nguyên đán chắc chắn cần có sự điều chỉnh thích hợp để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát tiếp tục tăng.
Để hạn chế việc tăng giá vào dịp cuối năm dù các tỉnh, thành trong cả nước đã có chính sách trợ giá cho một số doanh nghiệp trữ hàng từ hơn một tháng nay nhằm bình ổn thị trường nhưng theo chu trình tiêu dùng “nóng” vào dịp cuối năm, dự kiến mức tăng giá tiêu dùng tháng 2 sẽ từ 2-2,5%. Vì thế, tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt những yếu tố tác động đến CPI là điều hết sức cần thiết.
Thực tế cho thấy từ cuối năm 2009, giá bán của nhiều hàng hóa đã tăng dù nhu cầu tiêu thụ hàng hóa chưa tăng. Nhiều sản phẩm tăng giá bán tuỳ tiện dù Chính phủ đã có chỉ thị, yêu cầu các cơ quan liên quan và doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cả thị trường, không để thiếu hàng hoá vào dịp Tết.
Trước thực tế này, mới đây Bộ Tài chính đã có công điện khẩn yêu cầu tăng cường kiểm tra thanh tra giá cả hàng hóa không để các doanh nghiệp cá nhân lợi dụng tăng giá tuỳ tiện. Nếu việc ổn định giá hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Chính phủ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh khả năng chỉ số CPI trong hai tháng đầu năm sẽ không có biến động lớn. Đây vừa là căn cứ để các cơ quan chuyên môn tính toán, xác định mức lạm phát những tháng tiếp theo vừa tăng cường ổn định dân sinh.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý các cấp cần xắn tay vào cuộc nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa dịch vụ; kịp thời chấn chỉnh tăng giá “té nước theo mưa” xử lý nghiêm việc đầu cơ lũng đoạn thị trường.
(Báo Tổ Quốc)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com