Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu tiền tỷ từ việc biến phế liệu thành nguyên liệu

Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Phương đem lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng, những đống xỉ than phế liệu trở thành nguyên liệu sản xuất gạch lát vỉa hè, không những mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường.

Anh Phạm Minh Phương và sản phẩm làm từ phế liệu - Ảnh Chinhphu.vn

Phạm Minh Phương – Bí thư chi đoàn 5, thôn Đoàn Kết, xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội đã xây dựng được cơ ngơi khang trang có giá trị hàng tỷ đồng từ những đống xỉ than phế thải, từng là gánh nặng môi trường ở địa phương.

Biến xỉ than phế thải thành gạch lát vỉa hè

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với anh Phương luôn bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại của khách hàng.

Anh Phương cho biết, làng anh có nghề làm gốm và làm gạch, chủ yếu dùng than để đốt lò, theo đó, những đống xỉ than mọc lên ngày càng nhiều, khiến môi trường ngày càng bị ô nhiễm.

Năm 2003, anh Phương hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương. Một câu hỏi luôn trăn trở trong anh, phải làm cách nào đó chế biến những đống xỉ than thành những sản phẩm có giá trị kinh tế; đồng thời, góp phần giải quyết vấn đề môi trường.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Phương quyết định tìm cách học làm gạch từ xỉ than. Anh lặn lội trăm cây số tìm đến các cơ sở sản xuất gạch lát vỉa hè ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên để học hỏi. Anh nhận thấy, các cơ sở này chủ yếu dùng cát và đá để làm gạch lát vỉa hè. Tại sao không dùng xỉ than làm nguyên liệu thay cho cát và đá, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giúp cải thiện môi trường ? Câu hỏi đó đã ám ảnh anh.

Thế nhưng, việc dùng xỉ than làm gạch không hề dễ dàng. Không biết bao nhiêu lần anh đã phải đập bỏ những viên gạch do chính tay mình vất vả làm ra vì không đảm bảo chất lượng.

“Nhiều lúc, mình cảm thấy chán nản, định bỏ cuộc vì bị thất bại liên tiếp. Thế nhưng, cứ nghĩ đến việc vừa có thể làm ra tiền từ những đống xỉ than phế thải vừa góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên là mình lại quyết tâm làm đến cùng”, anh Phương nói.

Không nản lòng, anh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và làm thử nghiệm. Cứ như thế, gần một năm trời vật lộn, cuối cùng anh cũng làm ra những viên gạch như ý muốn. Anh đem những viên gạch này lên Hà Nội để kiểm định chất lượng. Cầm tờ giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng trên tay, anh không giấu nổi niềm vui bởi phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, vất vả anh mới làm được những viên gạch từ xỉ than.

Tài năng trẻ làng nghề

Sau thành công trên, anh nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về loại gạch này, trong xã lại chưa có người sản xuất nên quyết định mở công ty sản xuất với quy mô lớn.

Năm 2005, lúc mới 23 tuổi, anh dốc toàn bộ số tiền mình có và vay vốn ngân hàng thành lập công ty chuyên sản xuất gạch lát vỉa hè từ xỉ than. Anh đầu tư gần 1 tỷ đồng, thuê 5.000 m2 đất xây dựng nhà xưởng, mua dây chuyền sản xuất gạch của trường Đại học Bách khoa Hà Nội để mở rộng sản xuất.

“Lúc mới đầu thành lập công ty mình cũng rất lo vì cả xã không có cơ sở nào làm gạch từ xỉ than nên việc học hỏi cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng nhà xưởng gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, mình lại chưa có kinh nghiệm điều hành công ty, quản lý kinh tế. Dù biết là mạo hiểm nhưng vẫn quyết tâm làm”, anh Phương tâm sự.

Đến khi làm ra những viên gạch từ xỉ than, anh lại phải lo đầu ra cho sản phẩm. Một mình anh lặn lội tìm đến các công trường xây dựng để giới thiệu sản phẩm. Bàn chân anh đã in dấu khắp các công trường ở nhiều nơi của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam...

Bên cạnh đó, anh còn lập một trang web riêng nhằm tiếp thị sản phẩm. Anh cũng thường xuyên vào mạng Internet để tìm hiểu nhu cầu của thị trường.

Suốt bốn tháng trời vất vả tìm kiếm thị trường, anh cũng thu được những kết quả bước đầu khi ký được hợp đồng với một công ty ở Hà Nội, anh bán được gần 2.000 m2 gạch, thu về gần 200 triệu đồng. Thành quả này giúp ông chủ trẻ giàu lòng tự tin thêm quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Mới đầu, khách hàng của anh chủ yếu ở thị trường Hà Nội. Sau đó, thấy sản phẩm gạch của anh có chất lượng tốt, giá cả lại hợp lý nên các khách hàng này đã giới thiệu cho nhiều khách hàng khác, dần dần thị trường tiêu thụ được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

Mỗi tháng, anh thu mua khoảng 300 tấn xỉ than phế liệu để phục vụ sản xuất. Đến khi các lò gạch đốt thủ công bị cấm hoạt động, nguồn xỉ than ở địa phương không đủ cung cấp, anh chuyển sang mua xỉ than tại Nhà máy nhiệt điện Phả Lại.

28 tuổi anh Phương trở thành tỷ phú từ những đống xỉ than. Doanh thu của công ty anh tăng lên hàng năm. Năm 2008, công ty anh đạt tổng thu  hơn 2 tỷ đồng, năm 2009 tăng lên hơn 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động.

Anh được Thành đoàn Hà Nội tặng bằng khen “Tài năng trẻ làng nghề”. Hiện tại, anh đang là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Gia Lâm, Hà Nội.

(Theo Nguyễn Thắng // Tin Chính phủ)

  • Một Việt kiều trồng 1.000 ha mía
  • Khát vọng của nữ doanh nhân
  • Nữ doanh nhân “tự bạch”: Vì tôi là phụ nữ...
  • Tâm có sáng – Trí mới minh
  • Tinh thần doanh nhân xưa
  • Nữ doanh nhân VN đầu tiên nhận chức lãnh sự danh dự
  • Tri thức và sáng tạo là nền tảng thành công
  • Ông Ba 'đất phèn' được phong Anh hùng Lao động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao