Ông Đặng Lê Nguyên Vũ . Ảnh: Công Đạt
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên cho rằng, cần có cái nhìn mới xung quanh việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt muốn vươn ra thế giới cần tận dụng các quyền lực mềm.
Có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm, doanh nghiệp cần biết tận dụng các lợi thế để lấn sang sân chơi toàn cầu. Ông có ý kiến gì?
Theo tôi, trong bối cảnh này Việt Nam nên coi phát triển kinh tế làm trung tâm của mọi trung tâm. Tôi từng có cuộc trao đổi với GS Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết Quyền lực mềm nổi tiếng thế giới và ông tán thành quan điểm Việt Nam phải nắm bằng được cờ nhân văn để tụ lực thế giới.
Việt Nam với thế mạnh về nông nghiệp hoàn toàn có thể tuyên bố lo được một phần đáng kể an ninh lương thực cho thế giới. Nhưng ở đây đòi hỏi phải có một chiến lược toàn diện cho vấn đề nông nghiệp, phải nâng giá trị nông nghiệp toàn chuỗi. Làm được việc này, thế giới phải cần Việt Nam. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể đi tiên phong trong khắc phục biến đổi khí hậu bằng mô hình phát triển bền vững. Hai chương trình này cực kỳ nhân văn trong bối cảnh hiện nay. Nếu Việt Nam làm được như vậy, đó chính là quyền lực mềm. Khi mới nêu vấn đề này ra, nhiều người cho là tôi ở trên mây. Nhưng ngay Joseph Nye cũng cho rằng, đây chính là quyền lực mềm của Việt Nam.
Phát triển các thương hiệu hàng đầu của quốc gia để tạo đà cho doanh nghiệp vươn ra quốc tế có được coi là một dạng của quyền lực mềm?
Tôi tán đồng quan điểm này. Ở đây phải nhận thức rõ, doanh nghiệp có vị thế toàn cầu thì doanh nghiệp phải là trung tâm của cái gì đó hay là một mắt xích quan trọng trong chuỗi nào đó.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa vươn ra toàn cầu có phải vì thiếu khát vọng, thiếu liên kết?
Tôi nghĩ, khát vọng của mỗi cá nhân và các doanh nghiệp đều có. Nhưng ở mức độ cao, xa hơn, vì sứ mệnh lớn tầm quốc gia để từ đó đi khai phá, chinh phục ở nước khác, đem lại giá trị cho Việt Nam thì tôi chưa thấy. Đa phần khát vọng thuần về cá nhân. Doanh nghiệp còn phải được trang bị lý tưởng và cần lực thúc đẩy nó lao về phía trước.
Từ năm 2003 đến 2008, tôi đắm chìm trong các chương trình vận động và bỏ bê Trung Nguyên. Sau đó tôi ngộ ra một chuyện: Tôi rồi cũng sẽ chết và phải làm điều gì đó có ích cho xã hội. Từ đó tôi nhìn cà phê như một thứ quyền lực.
Trong quá trình đi vận động làm thương hiệu chung cho cà phê Việt Nam, tôi cũng gặp nhiều thách thức, nhiều người nghĩ tôi làm vì lợi ích cho Trung Nguyên. Các doanh nghiệp trong ngành cũng chống. Trong những cuộc khác tôi cũng đơn độc. Rất là buồn.
Nhiều người khẳng định để doanh nghiệp phát triển và xây dựng được thương hiệu, không thể không vận động hành lang (lobby)?
Lobby ở các nước khác thì được coi là hoạt động bình thường. Chính phủ không thể ba đầu sáu tay ngó thấu tất cả để ra chính sách. Đó là thực tiễn cuộc sống. Có những nhóm chỉ đi lobby cho lợi ích riêng của mình và mặc kệ những người khác. Cái đó thì nên chống và nên có hàng rào để chống. Còn những nhóm lobby cho đại cục, cho những chính sách tốt liên quan đến quốc kế dân sinh thì phải tiếp nhận. Chính phủ và xã hội cần tạo cơ hội cho các nhóm đó phát triển. Nhưng hiện nay, đích cuối cùng vẫn chủ yếu là lợi ích nhóm nhiều hơn. Cái đó đáng phê bình, lên án.
Cảm ơn ông.
(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com