Anh Dũng gắn đời mình với mũi khoan, như để khẳng định trí tuệ người trẻ Việt Nam |
Nhìn người đàn ông khoác trên người bộ quần áo jean bạc màu đã rách bươm nhiều chỗ lại lấm lem bùn đất, vóc dáng cao lớn, vạm vỡ ngồi trên chiếc xe máy tồi tàn, giọng nói Nam bộ trầm ấm, ít người biết rằng anh là Vũ Đình Dũng – chuyên gia duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này ứng dụng thành công 1 trong 3 công nghệ khoan hàng đầu thế giới.
“Gã đào đất mướn” trên công trường “kị” dấu chân phụ nữ
Sinh năm 1962, Vũ Đình Dũng, cầm tinh con hổ, tuổi Nhâm Dần, quê gốc Hải Hậu, Nam Định nhưng sinh trưởng tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp khoa Đóng tàu của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Dũng trở thành nhân viên của Sở điện lực TP Hồ Chí Minh. Nhân duyên trở thành chuyên gia về công nghệ khoan đến với anh như một sự tình cờ. Công nghệ khoan định hướng vô tuyến HDD - Công nghệ khá phổ biến ở các nước Châu Âu như Mỹ, Pháp từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ 20, nhưng mãi năm 1996, khi Công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh mua công nghệ này của Pháp thì lý thuyết sở đẳng nhất của khoan định hướng mới có mặt tại Việt Nam. Không có tên trong danh sách 60 cán bộ chủ chốt ngành điện lực TP Hồ Chí Minh được tham dự khóa đào tạo do chuyên gia người pháp trực tiếp giảng dạy, nhưng Dũng "khoan" lại là người Việt Nam đầu tiên tích hợp một cách có thực tiễn công nghệ của Pháp, Mỹ về phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Vốn yêu thích môn tiếng Pháp nên khả năng tiếng Pháp của anh thuộc diện khá. Đây chính điểm đã làm vị chuyên gia người Pháp để ý đến anh. Sau nhiều lần trò chuyện về tư cách của một người làm kỹ sư thực sự, vị chuyên gia này cho anh tiếp cận công nghệ độc đáo này. Bài học đầu tiên về HDD, anh được vị chuyên gia người Pháp kể cho anh nghe câu chuyện chỉ có trong đầu những người nắm giữ công nghệ. Tương truyền, người bảo trợ công nghệ khoan Tuynel boring systems (TBS – khoan ngầm công trình), và khoan định vị, định hướng (HDD) là một nữ thánh, vị nữ thánh này rất kị phụ nữ đặt chân tới công trường trong thời gian thi công, nếu có phụ nữ tới là công trình bị đổ bể, thiệt hại lớn... Và câu chuyện ấy như một sự linh nghiệm khi anh và đồng nghiệp bắt tay vào công việc. Anh nhớ lại “tai nạn” ở dự án Môi trường nước thực hiện tại một tỉnh phía nam những năm 1998, sử dụng công nghệ khoan ngầm TBS, khi ấy, đồng chí Bí thư thành ủy trực tiếp ký giấy giới thiệu một nữ phóng viên xuống lấy tin, công trình đang thi công thì đột nhiên bị chìm 3 đầu khoan, anh cùng anh em công nhân phải trục vớt, bỏ đi, tốn kém hàng chục tỷ đồng. Và khi công trình được thực hiện ở Đình Vũ, nhóm phóng viên của đài Hải Phòng (trong đó có 1 phụ nữ) vào làm phóng sự, vài phút sau bộ máy khoan đang chạy tự nhiên gãy đầu phá, rớt bộ phận chống xoắn xuống lòng sông tiến độ thi công buộc phải chậm lại để sửa chữa, gây thiệt hại không nhỏ…Anh Dũng lý giải lý do tại sao không cho tôi vào thăm công trình lúc đang thi công là vì thế. Những công nhân trên công trường kể cho tôi nghe chuyện thật như bịa, ở công trường Đình Vũ anh Dũng nuôi rất nhiều chú khuyển tinh khôn, anh huấn luyện cho chúng ngửi quần áo của phụ nữ hàng tuần liền và vừa ngửi vừa đánh thật đau, để nếu có phụ nữ tới gần công trường nó sẽ lập tức tấn công để bảo vệ công trường...
Anh Dũng chia sẻ, muốn trở thành người kỹ sư thực thụ phải biết luôn dặn mình là không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân, có lẽ cũng vì lẽ ấy mà hiện tại trong tay anh có tới 4 tấm bằng đại học với hơn 10 năm du học ở nước ngoài tại những trường đại học danh tiếng của Việt Nam và quốc tế. Nếu chỉ nhìn cái vẻ ngoài tuềnh toàng khi anh vi vu đường phố trên chiếc xe máy nát bươm đến dị dạng, chắc không ai nghĩ anh chính là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ khoan hiện đại nhất thế giới tại Việt Nam – Công nghệ khoan định hướng vô tuyến HDD (Horizonal Directational Drilling). Vì thế, trên các công trường, người ta không gọi anh bằng tên cúng cơm, nhưng gọi anh là Rô bốt, còn anh chỉ khiêm tốn nhận mình là Dũng khoan, gã đào đất mướn.
Và công trình 3 nhất của Việt Nam
Dũng "khoan" lăn lộn cùng anh em công nhân trên công trường Đình Vũ
Anh cho biết: “HDD nằm trong top 3 công nghệ khoan hiện đại hàng đầu thế giới, còn được gọi là công nghệ Rô bốt. Công nghệ này sử dụng máy khoan tự động định vị, định hướng, khoan ngầm các công trình dưới lòng đất, lòng sông. Ưu điểm vượt trội của nó khi thi công các công trình dưới nước sẽ không phải ngăn dòng chảy, sử dụng tàu quốc đào lòng sông, sử dụng người nhái hay các công trình trên đường bộ, không phải đào đường, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường”.
Vốn là công nhân thợ điện, bằng ý chí và niềm say mê với nghề, Vũ Đình Dũng đã tiên phong khẳng định trí tuệ Việt trong tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. 10 năm qua, anh gắn cuộc sống của mình với hơn 100 công trình lớn nhỏ, chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như “Ngầm hóa lưới điện TP Hồ Chí Minh”, “Đặt cáp ngầm viễn thông”, “ Lắp đặt đường ống thoát nước, cấp nước”, “Đặt cáp ngầm băng sông Hậu”..., tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho đất nước so với việc để chuyên gia nước ngoài thực hiện. Là người cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Dũng khoan trên hầu hết các công trình, anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Anh Dũng giỏi chuyên môn, sống thân thiện, gần gũi anh em công nhân. Nhưng trong công việc, anh lại đòi hỏi khắt khe, vì chỉ cần sơ xuất nhỏ cũng thiệt hại cả tỷ đồng”. Với phương châm “an toàn gấp ba, sản xuất không lỗi”, tiêu chuẩn của Dũng về 1 kỹ sư trước hết phải làm giỏi như một người thợ lành nghề, cộng với cái đầu có tri thức, còn với một người thợ đứng máy, anh đặc biệt yêu cầu phải biết toàn tâm, toàn ý với nghề, biết bảo vệ máy, biết hạnh phúc với thành công và đau khổ với thất bại của mỗi một đường khoan.
Công trình “Đường dây 220 kv Đình Vũ, đoạn khoan ngầm băng kênh Đình Vũ”, xây dựng hệ thống cáp ngầm địa cao thế Hải Phòng - Đình Vũ. Dũng khoan gọi đây là công trình “3 nhất” bởi công trình này có: cấp điện áp cao nhất Việt Nam, có chiều dài khoan ngầm băng kênh dài nhất với hơn 500m và công trình đầu tiên ở miền Bắc sử dụng công nghệ HDD.
Là người tiên phong, có kinh nghiệm nhất cả nước trong việc tích hợp công nghệ khoan định hướng vô tuyến, Công ty của Vũ Đình Dũng – Công ty khoan định hướng Vũ được tín nhiệm đảm nhận phần công nghệ rô bốt khoan lòng sông để nhà thầu chính, công ty TNHH xây dựng điện Thái Dương lắp đặt hệ thống cáp ngầm, điện cao thế 220kv. Đây là một công trình lớn mang tính chiến lược trong sự phát triển của đô thị Hải Phòng, hệ thống đường cao thế này sẽ chuyển tải khoảng 50% công suất của nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cho thành phố Cảng và các tỉnh lân cận. Sau 20 tháng lăn lộn trên công trường Đình Vũ còn đầm lầy hoang hóa, Dũng khoan thừa nhận đây là công trình khó nhất từ trước đến nay:“Trước đây, khó cũng chỉ là công trình kéo cáp ngầm băng sông Hậu, vượt đường sắt Kha Vạn Cân, xa lộ Trường Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh với 3 đến 4 đường khoan trong vòng 8m đất. Nhưng trên đoạn sông Đình Vũ này, với hơn 24m lòng sông, muốn kéo được 12 đường cáp điện cao thế 220kv và 1 đường ống dẫn 3 ống cáp quang, chúng tôi phải thực hiện 13 đường khoan, xuyên sâu xuống lòng sông 20m…”. Với đôi tay của một người thợ lành nghề cộng với cái đầu của một kỹ sư giàu kinh nghiệm, sau hơn 20 tháng đóng đô nơi công trường Đình Vũ, Dũng khoan một lần nữa khẳng định vị trí số 1 của mình trong ứng dụng công nghệ khoan HDD ở một công trình có quy mô lớn nhất ở Việt Nam.
Dũng khoan cùng anh em công nhân khẩn trương thu dọn đường ống, chuyển máy móc, thiết bị chuẩn bị dời đến một công trường mới. Anh thả lại cho tôi tâm huyết của mình: “Mình mong công nghệ khoan này sớm phổ biến ở Việt Nam, khi đó máy móc, thiết bị được chế tạo trong nước, không phải nhập từ nước ngoài, kinh phí thực hiện công trình sẽ rẻ hơn, giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông ở các công trình xây dựng hiện nay”.
(Theo Lê Xuyến // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com