Trong năm 2010 nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN sẽ gặp thêm nhiều rào cản mới từ các thị trường nhập khẩu. Nguy cơ VN phải đối mặt với các vụ kiện, tranh chấp thương mại, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá sẽ ngày càng tăng. Đây là cảnh báo của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN khi trả lời phỏng vấn của PV.
- Theo ông DN sẽ phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật nào trong thời gian tới ?
Trong tương lai, rào cản thương mại ngày càng đa dạng. Bên cạnh các rào cản về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, trợ cấp XK với các sản phẩm công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hay dư lượng kháng sinh với hàng nông, thủy sản... những quy định về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn môi trường cũng sẽ ngày càng nhiều và khó khăn hơn đối với DN.
Đơn cử như thị trường EU. Đây là thị trượng XK lớn thứ hai của VN. Nhiều mặt hàng XK chủ lực của VN như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, hải sản... đang chịu áp lực lớn từ các hàng rào kỹ thuật của thị trường này. Trong các thách thức mà DN VN gặp phải khi thâm nhập thị trường EU, một trong những rào cản đáng kể nhất phải tính đến đó là việc công bố xuất xứ hàng hóa XK. Bởi lẽ, các ngành mũi nhọn trong XK như dệt may, da giày, đồ gỗ... của nước ta dựa vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu là chủ yếu (khoảng 70-85%).
Điển hình là mặt hàng giày mũ da của VN, với mức áp thuế chống bán phá giá lên đến 10% của UB Châu Âu từ đầu năm 2010 khiến kim ngạch XK giày dép của VN vào thị trường Châu Âu giảm đáng kể. Một mặt hàng khác còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn là xe đạp. Ủy ban Châu Âu (EC) đã áp thuế chống bán phá giá ở mức 15,8-34,5% đối với xe đạp của VN. Sau 5 năm áp mức thuế chống bán phá giá, ngành xe đạp của VN gần như kiệt quệ. Lượng xe đạp XK sang thị trường EU giảm mạnh, từ 1.067.772 chiếc năm 2005, xuống 21.421 chiếc năm 2009. Giá trị XK cũng giảm nghiêm trọng, đặc biệt, năm 2007, giảm tới 95,3% so với năm 2006. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm VN phải đối mặt với vài chục vụ kiện liên quan đến chống trợ cấp, chống bán phá giá. Trong năm 2010, dự kiến, số vụ kiện khoảng trên 100 vụ. Với đà hội nhập hiện nay, con số đó có thể tăng lên vài trăm vụ mỗi năm, trong thời gian tới.
- Có một sự thật là trong khi, chúng ta không trợ cấp và cũng không bán phá giá nhưng các DN VN luôn ở thế yếu khi tham gia các vụ kiện, hầu hết là thua kiện. Theo ông nguyên nhân chính ở đâu ?
Nguyên nhân đầu tiên có thể nói tới đó là việc các DN không nghiên cứu trước các rào cản thương mại khi thâm nhập các thị trường. Bên cạnh đó, các DN VN cũng chưa quen với việc tìm đến các trợ giúp pháp lý ngay từ đầu.
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước, quốc gia nào cũng cố gắng dựng lên các hàng rào kỹ thuật ở mức tối đa có thể. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kỹ thị trường, các rào cản kỹ thuật cũng như việc sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện là điều các DN không thể bỏ qua.
Bên cạnh đó, tính cộng đồng của DN VN vẫn còn yếu. Các DN VN hầu hết là các DNNVV. Tiềm lực về tài chính còn nhiều hạn chế. Những chi phí pháp lý trong lĩnh vực nghiên cứu rào cản kỹ thuật hay tham gia các vụ kiện đối với từng DN là quá sức. Trong khi, vai trò của các hiệp hội DN vẫn còn rất mờ nhạt. Thậm chí, nhiều DN trong cùng một ngành, một hiệp hội cũng không thống nhất dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Tôi đơn cử tới việc XK gạo vài năm trước. Một số DN sẵn sàng ký với đối tác XK gạo giá rất thấp, miễn là có lãi. Trong khi, giá gạo thế giới lúc đó khá cao. Điều này đã gây hại cho các DN XK gạo khác và cả nền kinh tế. Bộ Thương mại và Hiệp hội Lương thực VN đã buộc phải ra một quyết định hành chính rất không đáng có đó là cấm không cho DN XK dưới 300 USD/tấn gạo.
- Theo ông, các DN VN cần phải chuẩn bị những điều kiện gì để vượt rào, trong thời gian tới ?
DN XK cần nghiên cứu kỹ hệ thống pháp luật của nước đối tác cũng như chính sách bảo hộ của họ ngay khi chuẩn bị thâm nhập thị trường. Các DN cũng nên sử dụng tham vấn về pháp luật trong mọi trường hợp cần thiết từ khâu chuẩn bị đàm phán cho đến cả khi tranh chấp thương mại. Đặc biệt, DN cần xây dựng tính cộng đồng DN VN cao hơn nữa để tương trợ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, các DN cũng không nên để phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Mở rộng thị trường, tìm thêm nhiều đối tác mới là một trong những công việc luôn phải đẩy mạnh. Chỉa nhỏ thị phần sẽ giảm bớt rủi ro.
Trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật ngày càng cao hơn, nhiều hơn trước, DN VN cần nghiên cứu trước để đáp ứng, thậm chí đạt cao hơn yêu cầu của đối tác. Đây không chỉ là điều kiện cho hàng VN thâm nhập thị trường quốc tế mà còn tạo thế mạnh cạnh tranh.
- Xin cảm ơn ông !
Sẽ có cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá Theo ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, hệ thống cảnh báo sớm các mặt hàng có khả năng bị kiện của VN dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 6 này, nhằm giúp cộng đồng DN ứng phó hữu hiệu các vụ kiện thương mại. Khi hệ thống này vận hành, các DN trong nước sẽ biết được ngành hàng mình đang kinh doanh có bị đưa vào diện cảnh báo và nguy cơ bị kiện ở mức nào. "Thời gian qua, các DN VN liên tục phải đối mặt với các vụ kiện về chống bán phá giá và trợ cấp. Tuy nhiên nhiều DN vẫn rất 'mù mờ' thông tin và chỉ vài DN làm không đúng sẽ gây thiệt hại cho toàn bộ ngành hàng đó" - ông Mừng nhấn mạnh. Cũng theo ông Mừng, hầu hết các mặt hàng bị kiện đều là những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của VN, sử dụng nhiều lao động, nếu bị kiện thì sẽ tác động ngay đến rất nhiều ngành có sử dụng nhiều lao động. Tuy vậy, vai trò của nhiều hiệp hội và ngành hàng cũng còn rất hạn chế và bị động. Theo ông Mừng, hệ thống pháp luật VN và của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng cho phép chúng ta sử dụng các biện pháp tự vệ cần thiết để bảo vệ hàng sản xuất trong nước và kiện hàng hóa nước ngoài trong việc trợ cấp hàng hóa. Để làm được việc đó thì vai trò của Hiệp hội và DN rất lớn, nhằm phát hiện vấn đề. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của các Hiệp hội và DN về quyền và khả năng để đối phó tốt nhất trước các vụ kiện cũng là vấn đề cốt lõi. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com